Tuy nhiên, theo giải trình của UBND TPHCM, việc thực hiện cho trúng thầu của các BV là đúng quy định và hướng dẫn.
Quy trình chặt chẽ
Dù đã làm việc nhiều lần cũng như giải trình “hết tình, hết lý” nhưng BS Võ Văn Tiến, Giám đốc BV Nguyễn Trãi TPHCM, vẫn chưa hết băn khoăn vì nếu Kiểm toán nhà nước kiên quyết truy thu lên tới gần 20 tỷ đồng thì BV đành… bó tay. Theo BS Tiến, trong 3 năm (2009-2011), BV đã duyệt giá trúng thầu cho hàng trăm mặt hàng thuốc và vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế theo đúng quy định tại Thông tư Liên tịch số 10/2007/TTLT-BYT-BTC của Bộ Y tế và Bộ Tài chính (TTLT 10) cũng như các hướng dẫn về thẩm định, lựa chọn nhà thầu rộng rãi.
Theo đó, đối với thuốc, BV Nguyễn Trãi đã thực hiện phê duyệt giá trúng thầu theo từng gói thầu và đối chiếu với giá kế hoạch thì vẫn thấp hơn hoặc bằng. Tuy nhiên, theo BS Tiến, cơ quan kiểm toán tính giá theo từng mặt hàng thuốc nên có hàng chục loại thuốc vượt giá kế hoạch và với 3 năm nói trên, tổng cộng số tiền thuốc trúng thầu vượt giá kế hoạch là gần 11 tỷ đồng. Còn đối với vật tư tiêu hao, BV Nguyễn Trãi cũng đã cho trúng thầu vượt giá kế hoạch trên 756 triệu đồng và trang thiết bị y tế vượt giá kế hoạch hơn 5 tỷ đồng. “Kiểm toán nhà nước tính giá theo từng món, còn BV tính giá theo gói. Và thực tế tính theo gói, giá trúng thầu không cao hơn giá kế hoạch” - BS Võ Văn Tiến phân trần.
Tương tự, BV Từ Dũ cũng bị Kiểm toán nhà nước yêu cầu truy thu tổng cộng 6 tỷ đồng cho số thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế trúng thầu vượt giá kế hoạch trong 3 năm (2009-2011). Dược sĩ Huỳnh Thị Thanh Thủy, Phó Giám đốc BV Từ Dũ, cho biết BV đã làm đúng quy định cũng như các hướng dẫn. Trong đó, riêng thuốc cũng đã áp dụng theo tinh thần của TTLT 10, đó là phê duyệt trúng thầu theo gói. Thuốc chia ra làm nhiều gói và trong mỗi gói có mặt hàng giá thấp, có mặt hàng giá cao nhưng chung quy là giá cả gói thầu không vượt giá kế hoạch. Vật tư tiêu hao, trang thiết bị đều trình Sở Y tế, Sở Tài chính thẩm định giá và đấu thầu rộng rãi. Do đó, nếu mặt hàng nào đúng tính năng kỹ thuật, giá thấp nhất thì lấy. Tuy nhiên, đối với một số thiết bị mới thì phải thêm chi phí đào tạo, chuyển giao vận hành… Nếu Kiểm toán nhà nước khăng khăng truy thu thì không thể có nguồn bù đắp vì thuốc, vật tư, hóa chất đã dùng cho bệnh nhân đã quyết toán xong và mong muốn xem xét lại vì BV làm đúng quy định, hướng dẫn.
Theo Kiểm toán nhà nước khu vực IV, qua kiểm tra việc mua, quản lý, sử dụng thuốc, vật tư y tế và trang thiết bị y tế tại 19 BV trực thuộc Sở Y tế TPHCM giai đoạn từ năm 2009 - 2011 cho thấy nhiều BV đã cho trúng thầu vượt giá kế hoạch lên tới nhiều tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là một số BV như: Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Hùng Vương, Bình Dân, Chấn thương Chỉnh hình, Đa khoa khu vực Thủ Đức, Củ Chi… Cơ quan Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo các sở, ngành chức năng kiểm điểm trách nhiệm các tập thể và cá nhân, đồng thời quy trách nhiệm và có biện pháp thu hồi tối đa khoản thiệt hại theo quy định pháp luật về các sai phạm liên quan đến việc thẩm định, phê duyệt giá dự toán, giá gói thầu các dự án mua sắm trang thiết bị y tế mà qua kiểm toán xác định còn chưa phù hợp!
Chưa có cơ sở
Trước yêu cầu của cơ quan Kiểm toán nhà nước, UBND TPHCM đã có văn bản giải trình và cho rằng các BV đã thực hiện đúng theo quy định và hướng dẫn. Theo UBND TPHCM, từ năm 2009-2011, các đơn vị trực thuộc Sở Y tế TPHCM mua thuốc theo TTLT 10. Và theo TTLT 10, “Giá thuốc trúng thầu không được cao hơn giá gói thầu trong kế hoạch đấu thầu và không vượt quá giá tối đa hiện hành của từng mặt hàng thuốc đó được công bố tại thời điểm gần nhất của Bộ Y tế”. Có nghĩa giá thuốc trúng thầu không phụ thuộc vào giá kế hoạch của từng mặt hàng mà chỉ phụ thuộc vào giá kế hoạch của gói thầu. Và thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên, các tỉnh, thành khác cũng thực hiện xét giá trúng thầu thuốc giống như TPHCM.
Về mua sắm trang thiết bị, UBND TPHCM cho rằng việc lập dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế bằng ngân sách nhà nước của thành phố (bao gồm từ những nguồn thu: thuế, phí, lệ phí và các nguồn thu khác theo quy định của Luật Ngân sách) của các BV được thực hiện đúng quy trình và đã lập hồ sơ trình Sở Tài chính thẩm định theo quy định. Căn cứ các quy định của Chính phủ, UBND TPHCM cũng khẳng định các đơn vị y tế đã thuê các công ty có chức năng tư vấn thẩm định giá để thẩm định giá thiết bị, làm cơ sở lập hồ sơ và tổ chức mua sắm theo quy định. Đối với giá dự toán do Đoàn Kiểm toán xác định lại: được tính bằng giá CIF + chi phí vận chuyển, lưu kho, bảo quản + chi phí lắp đặt, đào tạo, hướng dẫn vận hành,…+ các khoản khác, trong đó: chi phí vận chuyển, lưu kho, bảo quản + chi phí lắp đặt, đào tạo, hướng dẫn vận hành,…+ các khoản khác được tính bình quân bằng 12,78% giá CIF là chưa tính lợi nhuận cho nhà thầu và việc xác định tỷ lệ cho các chi phí cộng thêm (ngoài giá CIF) là chưa có cơ sở.
Đặt vấn đề liệu các BV có cố tình gây thất thoát, bà Đinh Thúy Liễu, Trưởng phòng Tài chính - kế toán Sở Y tế TPHCM, cho rằng không thể áp đặt như vậy vì các đơn vị đã thực hiện đúng quy định và hướng dẫn.
Cơ quan Kiểm toán nhà nước khu vực IV cho rằng việc phê duyệt kết quả trúng thầu thuốc, vật tư y tế và trang thiết bị có giá trúng thầu từng mặt hàng vượt giá kế hoạch được duyệt, gây thiệt hại cho ngân sách, tiền và tài sản nhà nước với tổng số tiền qua kiểm toán xác định là 143.007.107.464 đồng, gồm: phê duyệt kết quả trúng thầu thuốc, vật tư y tế vượt giá kế hoạch được duyệt 48.490.107.464 đồng và chênh lệch giá mua sắm thiết bị không hợp lý 94.517.000.000 đồng. |
Bình luận của bạn