“Việt Nam chưa có nơi cách ly người tâm thần nguy hại”

Bệnh viện chỉ điều trị giai đoạn cấp tính


Bác sĩ Trịnh Tất Thắng, giám đốc Bệnh viện tâm thần TP.HCM.

Thưa bác sĩ, có nhiều trường hợp người bệnh tâm thần được bệnh viện điều trị một thời gian rồi đưa bệnh nhân về nhà nhưng sau đó bệnh nhân lại phát bệnh tấn công người khác. Vì sao người bệnh không được điều trị hết hẳn bệnh?

BS Trịnh Tất Thắng: Bệnh viện chỉ tiếp nhận và điều trị những bệnh bị tâm thần ở giai đoạn cấp tính. Sau khi điều trị, bác sĩ giám định lại thấy ổn định, không còn gây nguy hiểm cho xã hội, cho bản thân thì cho họ về với gia đình hoặc cũng có thể gia đình muốn đưa người bệnh về thì bệnh viện cũng sẽ cho về.

Do đó, việc giữ bệnh nhân tâm thần để điều trị tiếp tục khi họ đã ổn là điều đi ngược với xu hướng. Họ cần về với gia đình, với cuộc sống để họ tiếp tục cuộc sống, tiếp tục công việc và để chất lượng cuộc sống của họ được tôn trọng.

Xu hướng của người tâm thần là muốn hòa nhập với cộng đồng, với xã hội.

Thế giới ngày nay không ai đi xây bệnh viện tâm thần để đưa hết tất cả những người tâm thần vào trong đó, cách làm này đã lạc hậu.

Hơn nữa, tâm thần có những bệnh uống thuốc cả đời, bệnh viện không thể nào có chỗ mà giữ để điều trị. Trường hợp này, họ về nhà thì đến địa phương điều trị tiếp, khi nào tái phát, gây nguy hiểm cho cộng đồng, cho bản thân thì đưa trở lại bệnh viện.

Vậy, thưa ông, sau khi bệnh nhân tâm thần đã ổn, họ được đưa về địa phương điều trị sẽ tốt hơn điều trị tại các bệnh viện?

Chẳng có nước nào tập trung bệnh nhân tâm thần vào một chỗ để điều trị, trừ những trường hợp nào nguy hiểm cho cộng đồng và điều trị không được mới bắt buộc phải cách ly một khu vực nào đó điều trị và tránh nguy hại cho bản thân họ và cộng đồng.

Còn đối với những trường hợp lúc bệnh thì hung hăng nhưng khi điều trị, uống thuốc trở nên bình thường, nhận thức được vấn đề thì cần phải đưa họ về với gia đình.


"Mình nghèo nên chưa có nơi dành riêng cho người bệnh tâm thần nguy hại"

Thế hiện nay chúng ta đã có nơi cách ly người tâm thần có nguy hiểm chưa thưa bác sĩ?

Ở những nước phát triển, họ có nơi cách ly những người tâm thần gây nguy hại nhưng ở Việt Nam chưa có nơi để cách ly những người tâm thần đâm chém hay gây nguy hại cho bản thân và những người xung quanh.

Ngay như bệnh viện tâm thần TP.HCM, cả thành phố to lớn với dân số gần 10 triệu dân nhưng chỉ có 500 giường bệnh thì làm sao đòi hỏi hơn được nữa.

Lẽ ra với một bệnh viện tâm thần của một nơi có dân số đông nhất nước như TP.HCM, phải có một không gian, cây xanh… để những người điều trị tâm thần thư giãn, dưỡng bệnh nhưng lại không có.

Dù rất muốn nhưng chúng ta còn nghèo chưa thể làm được, phải chấp nhận.

Tuy nhiên, Bộ y tế vừa có thông báo gom tất cả các bệnh viện tâm thần để soạn thảo chiến lược cho bệnh viện tâm thần đến năm 2030. Bắt đầu nhà nước cũng đang nghĩ đến những phức tạp của người tâm thần nhưng vì mình nghèo, mình phải đi từ từ.

Thưa bác sĩ nhưng chính sách điều trị dành cho người tâm thần của Nhà nước là miễn phí mà?

Nói bệnh tâm thần, bệnh lao là những bệnh điều trị miễn phí, nhưng không hoàn toàn như vậy.

Tâm thần có nhiều loại bệnh, nhà nước quy định chỉ bệnh động kinh, bệnh tâm thần phân liệt, chứ giờ hàng chục loại bệnh tâm thần, những loại bệnh khác đâu có miễn phí được.

Dù những bệnh tâm thần quy định được miễn phí nhưng cũng chỉ có vài loại thuốc truyền thống mới được miễn phí, chứ những thuốc đắt tiền thì đâu có có miễn phí.

Cho nên, giờ chi phí điều trị nhiều bệnh tâm thần cũng giống như chi phí điều trị những bệnh khác thôi.

Duy trì ổn định tại nhà

Những bệnh nhân tâm thần thuộc nhóm được đưa về, người nhà của bệnh nhân có được các bác sĩ hướng dẫn đủ để chăm sóc người tâm thần tại nhà có hiệu quả, tránh những đáng tiếc không?

Các bệnh nhân tâm thần được điều trị tại bệnh viện, mỗi tuần các khoa đều tổ chức họp hội đồng thân nhân bệnh nhân. Dịp này ngoài phổ biến nội quy bệnh viện, các bác sĩ hay điều dưỡng còn phổ biến cách thức chăm sóc bệnh nhân.

Với những bệnh tâm thần sau khi ổn, không có nghĩa là đã hết việc điều trị. Nếu không tiếp tục điều trị đúng cách thì bệnh sẽ tái phát.

Do đó, trước khi đưa bệnh nhân về gia đình, bộ phận chăm sóc khách hàng của bệnh viện sẽ hướng dẫn bệnh nhân đến các phòng khám tâm thần các quận, huyện hoặc các trạm y tế xã, phường có bác sĩ tâm thần để tiếp tục được khám, điều trị và cấp thuốc miễn phí.

Tại đây, các bệnh nhân sẽ được hỗ trợ phục hồi chức năng tâm lý, hướng dẫn cho người nhà cách chăm sóc bệnh nhân.

Cảm ơn bác sĩ.

songha
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin