Việt Nam còn thả nổi một số "chất độc" với môi trường

- Thưa bà, phải chăng có mối quan hệ giữa việc thả nổi "đầu ra" và tình trạng sử dụng bừa bãi thuốc bảo vệ thực vật với tình trạng tỉ lệ mắc bệnh ung thư ở Việt Nam hiện đang rất cao?

- Nếu xét nghiệm, thì hiện nay chưa có cơ quan nào xét nghiệm trên toàn quốc, nhưng ở từng địa phương đã có những xét nghiệm và điều đó chắc chắn có liên quan, bởi vì việc ô nhiễm môi trường thể hiện ở việc nguồn nước, hấp thụ trong lòng đất. Ví dụ như sông Châu Giang ở Hà Nam có quá nhiều chất thải độc hại từ những trạm rác thải, xả thải ở Hà Nội chuyển về, làm cho cá chết hàng loạt. Người dân ăn cá, rồi cũng ung thư thôi. Chuyện này đã có nhiều địa phương có thống kê và có con số cụ thể.


Bà Trần Thị Quốc Khánh - Uỷ viên Uỷ ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Ảnh: T.L


- Trước nghị trường, vừa có đề xuất nhà sản xuất sẽ nộp một khoản phí bảo vệ môi trường cho cơ quan quản lý nhà nước trước khi xuất, bán ra thị trường. Chẳng hạn mức "cược" 50.000 đồng cho một thùng thuốc diệt cỏ trước khi xuất bán?

- Đó là hướng tốt, nhưng làm có vẻ cảm tính, bởi quy định 50.000 đồng cụ thể là không phù hợp. Nhưng đúng về mặt lý, cũng như nguyên tắc cũng như là xu hướng tự chịu trách nhiệm. Trong dự thảo Luật Môi trường tới đây, Quốc hội cũng sẽ xem xét có quy định những DN, cơ quan tổ chức cá nhân hoạt động có chất thải ra môi trường thì phải có trách nhiệm thu hồi.

Theo tôi, điều đó hoàn toàn đúng. Tôi nói ví dụ rất nhiều sản phẩm hiện nay, không chỉ có bảo vệ thực vật mà nhiều thứ khác như vỏ hộp sữa, chai nhựa đựng nước, hay đồ uống người ta cứ vứt ra mà DN không bao giờ muốn thu hồi lại vì phải bỏ tiền ra tái chế. Nhưng họ không biết rằng, khi họ ném ra môi trường thì người dân sẽ thu về và tùy tiện xử lý; trong khi đó, Nhà nước lại phải bỏ ra rất nhiều tiền để thu hồi và tái chế. Chi bằng DN phải có trách nhiệm thu hồi về, góp phần giảm bớt xả thải ra môi trường. Họ ý thức được việc đó thì họ sẽ biết dùng sản phẩm nào cho tiết kiệm và có trách nhiệm với xã hội.


Những thùng chất thải độc hại được khai quật tại Cty Nicotex Thanh Thái (Thanh Hoá). Ảnh: Xuân Hùng

- Phải chăng vụ thuốc trừ sâu tại Thanh Hóa đang cho thấy đầu ra của sản phẩm bảo vệ thực vật, cũng như các hóa chất độc hại đang bị thả nổi hoàn toàn?

- Đúng là như thế. Vụ ô nhiễm môi trường tại Thanh Hóa đang dấy lên một cảnh báo rất rõ rệt. Trách nhiệm của những công ty, DN là phải thực hiện quản lý vỏ bao, hóa chất. Về nguyên tắc, phải thực hiện xử lý những chất độc hại, xử lý rác thải nguy hại. Luật Bảo vệ môi trường cũng quy định rồi và nếu như thế này thì đúng ra Luật Bảo vệ môi trường quy định Bộ Xây dựng có trách nhiệm trong vấn đề quy hoạch và xây dựng những hầm để chứa và xử lý chất thải độc hại, chứ chôn xuống lòng đất là cực kỳ nguy hiểm.

- Vậy còn vấn đề đầu vào, khi trong thực tế thuốc bảo vệ thực vật chúng ta nhập rất nhiều qua đường tiểu ngạch từ Trung Quốc, không nhãn mác, không hướng dẫn sử dụng. Luật đặt ra vấn đề quản lý như thế nào, thưa bà?

- Tôi thấy rằng trong thời gian vừa qua, chúng ta đã có những buông lỏng quản lý nên xảy ra tình trạng nhập thoải mái, bừa bãi những loại thuốc rất độc hại. Theo tôi, không còn cách nào khác là Nhà nước phải tăng cường quản lý các cơ quan thực hiện chức năng này, phải thực hiện đúng các quy trình theo quy định pháp luật. Đặc biệt, cần tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện truyền thông về những tác hại của việc người nông dân sử dụng chất bảo vệ thực vật, những chất độc hại. Nếu sử dụng bừa bãi thì sớm muộn tự anh cũng chịu thiệt hại trước. Ví dụ như người nông dân rất nhiều năm đi phun thuốc trừ sâu và đến giờ họ mắc rất nhiều bệnh tật.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn