Theo ông Nguyễn Văn Tân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đối mặt với vấn đề già hóa dân số từ năm 2011. Hiện nay, người cao tuổi (trên 65 tuổi) chiếm 7% dân số nước ta.
Theo Báo cáo Thực trạng già hóa dân số ở Việt Nam tuổi thọ ở nước ta đang tăng nhanh hơn trung bình của thế giới và đến nay ở mức 71 tuổi đối với nam và 75 tuổi đối với nữ. Số lượng những người rất già (>80 tuổi) tăng nhanh một cách chóng mặt.
Già hóa dân số thể hiện thành công của các chính sách giảm sinh, tăng tuổi thọ và thể hiện thành tựu trong phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng, quá trình này cũng mang lại cho ngành y tế nước ta nhiều thách thức mới như thiếu bác sỹ lão khoa, tăng nhu cầu về thuốc và nhu cầu sức khỏe do các bệnh mãn tính (như Alzheimer, Parkinson…).
Theo GS. Vivian, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), để đáp ứng với vấn đề già hóa dân số, Việt Nam cũng như các quốc gia Đông Nam Á khác cần nâng cao vai trò của chăm sóc sức khỏe ban đầu và học tập kinh nghiệm của các quốc gia đã trải qua giai đoạn già hóa dân số như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…
Một số giải pháp khác cũng được thảo luận tại Hội nghị như đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng và tổ chức các chương trình phòng bệnh mãn tính; lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe người cao tuổi; nâng cao năng lực của hệ thống y tế, thành lập khoa lão ở các bệnh viện, xây dựng các mô hình dựa vào cộng đồng
Sự kiện này nằm trong chuỗi Hội nghị Bên lề thuộc Hội nghị Bộ trưởng y tế ASEAN lần thứ 12 diễn ra 2 năm 1 lần.
Bình luận của bạn