Virus Ebola: Những câu hỏi thường gặp

Bệnh do virus Ebola là bệnh gì?
Bệnh do virus Ebola (từng được biết đến là bệnh Sốt xuất huyết do virus Ebola) là bệnh nguy hiểm, thường dẫn đến tử vong, với tỷ lệ tử vong lên đến 90%. Bệnh tấn công người và động vật có vú (khỉ, gôrila, tinh tinh).


Bệnh Ebola còn được gọi là bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola với tỷ lệ tử vong lên đến 90%

Bệnh Ebola được phát hiện lần đầu vào năm 1976, với hai đợt bùng phát dịch xảy ra đồng thời, một ở một ngôi làng ven sông Ebola, Cộng hòa Dân chủ Congo và một ở khu vực xa xôi hẻo lánh ở Sudan.

Hiện chưa rõ nguồn gốc của virus Ebola, song những bằng chứng hiện có cho thấy có khả năng dơi ăn quả (Pteropodidae) là vật chủ tự nhiên của virus này.

Virus Ebola lây nhiễm sang người như thế nào?
Trong đợt bùng phát dịch hiện nay ở Tây Phi, đa số các ca bệnh ở người là do lây nhiễm từ người sang người.

Virus Ebola lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với vết xước trên da hay niêm mạc, với máu hay các chất tiết của cơ thể (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người mắc bệnh. Bệnh cũng có thể lây nhiễm khi vết xước trên da hay niêm mạc của người lành tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm bởi các chất tiết của người nhiễm virus, như quần áo, ga trải giường nhiễm bẩn hay kim tiêm đã qua sử dụng.

Đã có hơn 100 nhân viên y tế bị phơi nhiễm khi chăm sóc bệnh nhân Ebola. Nguyên nhân có thể là do họ đã không sử dụng trang thiết bị bảo vệ cá nhân hoặc không áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn khi chăm sóc cho bệnh nhân. Nhân viên tại các cơ sở y tế ở tất cả các cấp trong hệ thống y tế - bệnh viện, phòng khám, trạm y tế - cần được phổ biến về đặc tính của bệnh và đường lây truyền, tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp dự phòng kiểm soát nhiễm khuẩn đã khuyến cáo.

WHO khuyến cáo: Gia đình hay cộng đồng không tự chăm sóc cho bệnh nhân có triệu chứng mắc bệnh do virus Ebola tại nhà. Tốt nhất là hãy đưa người bệnh đến bệnh viện hay trung tâm y tế có các bác sỹ, y tá có chuyên môn và đầy đủ trang thiết bị để điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus Ebola. Nếu bạn có ý định chăm sóc cho người thân bị nhiễm bệnh do virus Ebola tại nhà, WHO khuyến cáo bạn cần thông báo cho cán bộ y tế địa phương để được hướng dẫn đầy đủ về cách chăm sóc bệnh nhân và cung cấp dụng cụ (găng tay, phương tiện phòng hộ cá nhân [PPE]), hướng dẫn cách tháo bỏ và tiêu hủy PPE sau khi sử dụng, và thông tin về cách bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng khỏi bị lây nhiễm.


Không nên tự chăm sóc bệnh nhân Ebola tại nhà

Đã có thêm những ca lây nhiễm virus Ebola trong cộng đồng khi tổ chức đám tang và nghi lễ mai táng. Những đám tang trong đó người tham dự tiếp xúc trực tiếp với thi thể người chết do nhiễm virus Ebola cũng đóng vai trò trong việc lây truyền bệnh. Cần phải mang găng tay và trang bị bảo hộ thích hợp khi xử lý thi thể của người chết do nhiễm virus Ebola, và phải mai táng ngay. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo việc xử lý thi thể và mai táng nên do các cán bộ quản lý ca bệnh được đào tạo, là những người được trang bị để thực hiện việc mai táng người quá cố đúng cách, đảm nhiệm.

Người bệnh có khả năng làm lây bệnh chừng nào mà máu và dịch tiết của họ còn chứa virus. Vì vậy, trước khi cho ra viện, bệnh nhân nhiễm virus Ebola cần được cán bộ y tế giám sát chặt chẽ và và được xét nghiệm để đảm bảo là virus không còn lưu hành trong cơ thể họ nữa. Khi cán bộ y tế quyết định là bệnh nhân có thể về nhà, tức là họ không còn có thể làm lây lan virus và không thể làm cho bất cứ ai trong cộng đồng bị mắc bệnh nữa. Nam giới đã khỏi bệnh vẫn có thể lây truyền virus qua tinh dịch trong tới 7 tuần sau khi bình phục. Vì thế, điều quan trọng là sau khi bình phục họ cần tránh quan hệ tình dục trong ít nhất là 7 tuần, hoặc phải sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục trong thời gian 7 tuần sau khi bình phục.

Thông thường một người chỉ mắc bệnh khi tiếp xúc với động vật bị nhiễm virus Ebola, sau đó virus có thể lây truyền từ người sang người trong cộng đồng.

Đối tượng nào có nguy cơ cao nhất?
Trong một vụ dịch bệnh do virus Ebola, những đối tượng có nguy cơ cao nhiễm virus gồm:
• Cán bộ y tế;
• Thành viên gia đình hay người tiếp xúc gần với người mắc bệnh;
• Người đi dự tang lễ tiếp xúc trực tiếp với thi thể người chết do nhiễm virus Ebola.

Hiện nay, các chuyên gia y tế đang tiến hành nghiên cứu sâu hơn về nguy cơ nhiễm bệnh của một số nhóm đối tượng như những người bị suy giảm miễn dịch, hay những người đã có bệnh, có dễ bị cảm nhiễm hơn những người khác trong việc nhiễm virus Ebola không.

Dấu hiệu đặc trưng và triệu chứng của bệnh do virus Ebola là gì?
Sốt đột ngột, vô cùng mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, đau họng là những dấu hiệu và triệu chứng điển hình. Tiếp theo là các triệu chứng nôn, ỉa chảy, phát ban, suy giảm chức năng thận, gan, và ở một số trường hợp có xuất huyết nội và ngoại. Kết quả xét nghiệm chẩn đoán những người nhiễm virus Ebola cho thấy số lượng bạch cầu và số lượng tiểu cầu thấp và men gan tăng cao.


Các chuyên gia y tế đang làm việc tại vùng dịch là những người có nguy cơ lây nhiễm cao do chủng virus Ebola của năm nay có khả năng lây nhiễm từ người sang người

Thời gian ủ bệnh, hay thời gian từ khi nhiễm virus đến khi xuất hiện triệu chứng là từ 2 – 21 ngày. Bệnh nhân trở thành nguồn lây bệnh ngay sau khi họ bắt đầu có triệu chứng. Nhưng trong thời gian ủ bệnh họ không có khả năng lây lan. Bệnh do virus Ebola chỉ có thể được chẩn đoán xác định thông qua xét nghiệm.

Phương pháp điều trị bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola là gì?
Bệnh nhân bị bệnh nặng do virus Ebola cần được điều trị tích cực. Bệnh nhân thường mất nước và cần được bù nước với các dung dịch điện giải qua đường uống hay truyền tĩnh mạch. Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh này. Nhiều bệnh nhân khỏi bệnh sau khi được chăm sóc y tế thích hợp.

Để kiểm soát sự lây truyền của virus, người mắc bệnh hay nghi ngờ mắc bệnh cần được cách ly với các bệnh nhân khác trong cơ sở y tế và được nhân viên y tế điều trị, tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn đã khuyến cáo.

Có thể phòng chống bệnh không?
Hiện chưa có thuốc đặc trị hay vắc xin phòng bệnh do vi rút Ebola, nhưng nhiều phương pháp điều trị thuốc đang được phát triển. Nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ của bệnh và các biện pháp phòng tránh và nâng cao hệ miễn dịch cho người dân hiện đang là biện pháp duy nhất để giảm số ca mắc và tử vong do virus Ebola.

Các biện pháp phòng lây nhiễm bao gồm:
• Tránh tiếp xúc gần với động vật, xác động vật hoặc những trường hợp nghi nhiễm virus Ebola; Tránh lây nhiễm thứ cấp qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết cơ thể của người bệnh do thực hiện quản lý ca bệnh không an toàn hoặc các nghi thức mai táng không an toàn;
• Hiểu rõ đặc tính của bệnh, đường lây truyền, biện pháp phòng chống dịch bệnh.
• Theo dõi và tuân thủ các hướng dẫn do Bộ Y tế ban hành.
• Nếu bạn nghi ngờ người thân hay một ai đó trong cộng đồng bị nhiễm virus Ebola, cần động viên và giúp đỡ họ đến khám và điều trị tại cơ sở y tế.
• Không giết mổ động vật nghi ngờ bị nhiễm bệnh. Thịt và tiết canh của động vật nên được nấu chín kỹ trước khi ăn.
• Tự nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể trong mùa dịch bệnh với những khuyến cáo của các chuyên gia y tế.


Kiểm soát tại các cửa khâu đang được Bộ Y tế của nhiều quốc gia áp dụng triệt để

Những lời đồn về một số loại thực phẩm có thể giúp phòng ngừa hoặc điều trị bệnh do virus Ebola là thế nào?
Mặc dù hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nào cho căn bệnh này, song phương pháp điều trị tốt nhất là bệnh nhân được nhân viên y tế điều trị hỗ trợ tích cực, tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn, tự nâng cao hệ miễn dịch cơ thể bằng lối sống lành mạnh, tập luyện đầy đủ, dinh dưỡng hợp lý. Việc sử dụng các loại thảo dược, thực phẩm, thực phẩm chức năng để tăng cường sức khỏe và hệ miễn dịch cần có sự tư vấn của bác sỹ chuyên khoa.

Việc đi lại trong thời gian xảy ra dịch bệnh do virus Ebola có an toàn không? Tổ chức Y tế thế giới có khuyến cáo gì cho người du lịch không?
Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, Tổ chức Y tế Thế giới thường xuyên theo dõi và đánh giá tình hình sức khỏe cộng đồng, và sẽ đưa ra các khuyến cáo về hạn chế đi lại và giao thương quốc tế nếu cần, và có thể thông báo cho nhà chức trách các nước để triển khai áp dụng những khuyến cáo đó. Tổ chức Y tế Thế giới hiện đang xem xét và dự định sẽ đưa ra các khuyến cáo về đi lại trong mấy ngày tới.

Mặc dù người đi du lịch cần luôn cảnh giác để bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh, song nguy cơ lây nhiễm cho người đi du lịch rất thấp, do bệnh lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết cơ thể hay các chất bài tiết của người nhiễm bệnh.

Những người đang đi du lịch mà xuất hiện triệu chứng bệnh do virus Ebola cần phải được cách ly để tránh lây truyền cho người khác. Mặc dù nguy cơ đối với những người đồng hành trong trường hợp đó là rất thấp, song cần điều tra ngược lại quá trình tiếp xúc trong những tình huống như vậy.

Khuyến cáo chung của WHO về việc đi lại, du lịch:
• Người đi du lịch cần tránh mọi tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm virus Ebola.
• Nhân viên y tế đến những vùng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Ebola cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn được WHO khuyến cáo.
• Bất kỳ người nào đã từng lưu lại ở những vùng có các ca bệnh được ghi nhận trong thời gian gần đây cần cảnh giác theo dõi xem có triệu chứng nhiễm virus không, và đến ngay cơ sở y tế nếu thấy những dấu hiệu đầu tiên của bệnh.
• Các nhà lâm sàng điều trị, chăm sóc cho người du lịch từ các vùng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Ebola trở về và có các triệu chứng phù hợp với bệnh cần cân nhắc khả năng đó là bệnh do virus Ebola.
thuychi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin