Virus gây ung thư: ngăn ngừa cách nào?


Hình ảnh virus Epstein - Barr gây ung thư vòm mũi họng.

Virus Epstein - Barr: Loại ung thư này đầu tiên thấy có mặt ở bệnh ung thư hàm dưới của trẻ em vùng Uganda (loại bệnh này do Epstein và Barr phân lập nên virus này được mang tên virus Epstein - Barr). Về sau người ta còn phân lập được loại virus này ở trong các khối ung thư vòm mũi họng, bệnh có nhiều ở các nước ven Thái Bình Dương đặc biệt là ở Quảng Đông, Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Ở nhiều bệnh ung thư vòm còn thấy kháng thể chống lại kháng nguyên của virus Epstein - Barr. Tuy nhiên, người ta chưa khẳng định vai trò gây bệnh trực tiếp của virus Epstein - Barr đối với ung thư vòm mũi họng. Trong dân chúng tỷ lệ nhiễm loại virus này tương đối cao nhưng số trường hợp ung thư vòm không phải là nhiều. Hướng nghiên cứu về virus Epstein - Barr đang còn tiếp tục và đặc biệt ứng dụng phản ứng IgA kháng VCA để tìm người có nguy cơ cao nhằm chủ động phát hiện sớm ung thư vòm mũi họng.

Virus viêm gan B: Gây ung thư gan nguyên phát hay gặp ở Châu Phi và Châu Á trong đó có Việt Nam. Virus này khi thâm nhập cơ thể gây viêm gan cấp, kể cả nhiều trường hợp thoáng qua. Tiếp theo là một thời kỳ dài viêm gan mạn tiến triển không có triệu chứng. Tổn thương này qua một thời gian dài sẽ dẫn đến hai biến chứng đó là xơ gan toàn bộ và ung thư tế bào gan. Điều này phần nào giải thích sự xuất hiện nhiều ổ nhỏ trong ung thư gan và tính chất tái phát sớm sau cắt gan. Ngoài ra, xơ gan đã làm cho tiên lượng của bệnh ung thư gan xấu đi rất nhiều. Việc khẳng định virus viêm gan B gây ung thư gan giữ vai trò rất quan trọng. Nó mở ra một hướng phòng bệnh tốt bằng cách tiêm chủng chống viêm gan B. Phát hiện người mang virus bằng xét nghiệm HBsAg (+) và những người này nên dùng vaccin.

Virus gây u nhú thường truyền qua đường sinh dục: Loại này được coi là có liên quan đến các ung thư vùng âm hộ, âm đạo và cổ tử cung, các nghiên cứu đang tiếp tục.

Virus HTLV1 là loại virus (Retro virut) liên quan đến gây bệnh bạch cầu tế bào T gặp ở Nhật Bản và vùng Caribê.

Ngoài ra, có một số ký sinh trùng và vi khuẩn có liên quan đến ung thư. Chỉ một loại ký sinh trùng được coi là nguyên nhân gây ung thư, đó là sán Schistosoma. Loại sán này thường có mặt với ung thư bàng quang và một số ít ung thư niệu quản ở những người Ảrập vùng Trung Đông, kể cả người Ảrập di cư. Cơ chế sinh ung thư của loại sán này hiện chưa được giải thích rõ.

Loại vi khuẩn đang được đề cập đến vai trò gây viêm dạ dày mạn tính và ung thư dạ dày là vi khuẩn Helicobacter Pylori. Các nghiên cứu đang được tiếp tục nhằm mục đích hạ thấp tác hại Helicobacter Pylori và giảm tần số ung thư dạ dày, đặc biệt là ở các nước châu Á.

Khuyến cáo của thầy thuốc:
- Loại trừ tác nhân sinh học liên quan đến ung thư bằng lối sống khoa học; vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường tốt.
- Cần đến thầy thuốc khi đau ốm để được điều trị đúng, sớm và triệt để, loại trừ các yếu tố nguy cơ gây ung thư.

Dự án Phòng chống ung thư quốc gia
(Theo Sức khỏe & Đời sống)
thuychi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin