Trao đổi với báo giới chiều 2/4 về 3 ca tử vong do tiêm nhầm thuốc gây mê ở Quảng Trị, TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định: "Đây là một sự cố hy hữu nhưng đau xót với những người làm dự phòng, cho chương trình tiêm chủng mở rộng 25 năm qua. Tuy nhiên, sự việc làm sáng tỏ nghi ngờ về chất lượng các loại vaccine.
Trước khi tiêm chủng, mỗi cán bộ y tế cần tuân thủ kiểm tra để đảm bảo chất lượng, dịch vụ tiêm phòng.
Đúng là như vậy, nên đây mới là một bài học đau xót với cán bộ tiêm chủng cần rút kinh nghiệm. Trên thế giới đã ghi nhận trường hợp tiêm nhầm thuốc như tại Yemen năm 1997, tiêm Insulin cho 70 trường hợp, gây tử vong 21 trẻ. Ở Việt Nam, trong lịch sử 25 năm chương trình tiêm chủng mở rộng, đây là lần đầu tiên.
Khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã nghĩ rằng nguyên nhân không phải do chất lượng vaccine vì cùng lô đó nhiều cháu khác tiêm an toàn. Bộ Y tế đã mời cơ quan công an vào cuộc và đến nay sự việc đã được làm rõ. Nhưng Bộ Y tế đã có những chấn chỉnh ngay sau thời điểm tháng 7.2013, chúng tôi cũng đã đi kiểm tra 13.000 điểm tiêm chủng, tức là 98% điểm tiêm, tỉ lệ không đạt khoảng 1,7%. Chỉ những nơi đạt tiêu chuẩn về mọi mặt mới được làm tiếp.
Cũng chưa có nơi nào khác phạm phải sai lầm tương tự ở Quảng Trị. Bộ Y tế cũng đã ban hành văn bản ngay từ năm 2013 về chấn chỉnh thực hành tiêm chủng, chứ không phải đợi đến có kết luận chính thức như hôm nay mới làm.
Sau khi Bộ Y tế ban hành quyết định 3039 chấn chỉnh, công tác tiêm chủng hiện nay yên tâm hơn không?
Chắc chắn là chất lượng an toàn tiêm chủng được nâng cao hơn. Ngoài việc những điểm tiêm chủng, qua kiểm tra thấy không đạt yêu cầu phải dừng, các địa phương tập huấn nhiều hơn, khám sàng lọc tốt hơn. Không cho tiêm quá 50 cháu trong 1 buổi tiêm chủng.
Các sự cố gần đây khiến một số bà mẹ lo lắng hơn về tiêm chủng, nhưng cũng có mặt tốt là họ đòi hỏi cao hơn khi đưa con đi tiêm. Ví dụ như trường hợp ở Thanh Hóa vừa qua, có một số cháu bé sinh mổ có sức khỏe không tốt nên cán bộ y tế chưa tiêm phòng tiêm gan B trước 24h, các bà mẹ đã thắc mắc. Điều đó cũng khiến chất lượng tiêm chủng theo đó bắt buộc phải nâng cao hơn.
Thưa ông, cũng liên quan đến tiêm chủng mở rộng với bệnh sởi. Hiện nay, có những cháu bé mắc bệnh dưới độ tuổi tiêm phòng mũi đầu tiên lúc 9 tháng. Vì thế, có ý kiến đề nghị tiêm sởi sớm hơn, Bộ Y tế có xem xét vấn đề này?
Lịch tiêm chủng do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo. Nói như vậy không phải là ta phụ thuộc hoàn toàn vào WHO mà không xem xét kỹ tình hình thực tế trong nước. Vắc xin phòng ho gà được tiêm cho trẻ lúc 2 tháng, vaccine bại liệt cũng cho trẻ uống lúc 2 tháng. Bởi ở thời gian đó, miễn dịch phòng các bệnh trên của mẹ truyền cho con hết.
Việc tiêm phòng là cần thiết để bổ sung cho trẻ có miễn dịch tốt hơn. Với bệnh sởi, theo tính toán 9 tháng. Với các trường hợp gần đây mắc sớm hơn đều là không nhận được miễn dịch do mẹ truyền cho. Một trong những nguyên nhân là lúc trước tỉ lệ cộng đồng có mắc sởi cao nên sau đó họ đã được miễn dịch với bệnh.
Hiện nay, tỉ lệ mắc thấp hơn do đã được tiêm phòng, miễn dịch của người mẹ không đủ truyền cho con. Các cháu mắc bệnh vì thế. Theo thống kê, số trẻ mắc sởi trước 1 tuổi chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong quần thể mắc sởi nói chung. Vì thế, theo chúng tôi không nên vì 1 vài trẻ, làm ảnh hưởng đến đặc thù tiêm chủng của hàng triệu cháu bé khác. Hơn nữa, căn cứ vào diễn biến sau nhiều vụ dịch sởi, chúng tôi cho rằng chưa cần phải điều chỉnh lịch tiêm.
Vắc xin tiêm phòng thủy đậu đã hết, như nhiều điểm tiêm phản ánh lâu nay vẫn chưa được khắc phục, thưa ông?
Vắc xin thủy đậu đã nhập về, đang trong quá trình thẩm định. Tiêm phòng là tối ưu, nhưng cho dù chưa cho con tiêm được vaccine này, bà mẹ không nên quá lo lắng, vì thủy đậu là bệnh khá lành tính. Đó cũng là lý do Bộ Y tế chưa đưa vaccine này vào chương trình tiêm chủng mở rộng, ưu tiên phòng dịch bệnh khác nguy hiểm hơn.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận của bạn