Theo WHO, tổng số ca nhiễm đã lên đến 8399 trường hợp với tỷ lệ tử vong xấp xỉ đạt 49%. Số người chết vì Ebola tập trung chủ yếu ở Tây Phi, có 8 ca tử vong do sốt xuất huyết Ebola ở Nigieria và một trường hợp tử vong ở Mỹ. Liên Hợp Quốc (UN) thông báo số lượng nhân viên y tế chết vì Ebola đã vượt 233 người.
Trường hợp Ebola ở châu Âu, cô Teresa Romero đang trong tình trạng nguy kịch mặc dù đã được điều trị tích cực tại một bệnh viện ở Madrid. Thủ tướng Tây Ban Nha, Mariani Rajoy cho biết ông đã thiết lập một Ủy ban đặc biệt để đối phó với các tác động tiêu cực của trường hợp nhiễm Ebola đầu tiên ở châu Âu. Ông thừa nhận tình hình đang trở nên “phức tạp và khó khăn” nhưng nhấn mạnh Chính phủ đã có một kế hoạch rõ ràng.
Tại Liberia, Tổng thống Ellen Johnson Sirleaf đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp cho phép áp đặt lệnh cách ly bất kỳ ai có biểu hiện Ebola. Các nhà lập pháp từ chối trao thêm quyền hạn cho Tổng thống. Nghị sỹ Bhofal Chambers cảnh báo các cường quốc bên ngoài đóng quân tại Liberia sẽ biến nước này thành một “nhà nước quân sự”.
GS. TS. Chris Dye, chuyên gia của WHO thừa nhận WHO đã không nghĩ rằng dịch bệnh lại bùng phát mạnh như vậy. Mặc dù Tổ chức Bác sỹ không biên giới (MSF) đã cảnh báo nguy cơ từ rất sớm, WHO lại tuyên bố rằng Ebola không phải là một bệnh dịch và Ebola cũng không phải là một vấn đề mới.
GS. Chris Dye nói rằng WHO sẽ tiếp tục kêu gọi tăng viện trợ cho Tây Phi. Điều quan trọng bây giờ là chúng ta phải nhìn về phía trước: “Chúng tôi đã kêu gọi một khoản kinh phí trị giá 1 tỷ USD; cho đến nay, chúng tôi mới có khoảng 300 triệu USD nhưng số tiền này sẽ tăng lên nhanh chóng”.
Bình luận của bạn