Cuốn sách Dám bị ghét của hai tác giả người Nhật Bản là Nhà triết học Kishimi Ichiro và Koga Fumitake
Hệ miễn dịch: "Chiến binh thầm lặng" giúp cơ thể tự phòng, chữa bệnh
“Chìm đắm” trong hương vị của Tứ đại danh trà Thái Nguyên
Ruột thừa có thực sự thừa?
Áp dụng lý thuyết cú hích vào lĩnh vực sức khỏe
“Người khổng lồ thứ ba”
Nhà tâm lý học Alfred Adler - Người được mệnh danh là một trong “ba người khổng lồ của tâm lý học hiện đại”, sánh ngang với Freud và Jung. Adler vốn là thành viên tích cực trong Hiệp hội phân tâm học Vienna do Freud đứng đầu. Nhưng ông đã tách ra do xung đột về quan điểm và khởi xướng “Tâm lý học cá nhân” dựa trên lý thuyết riêng của mình. Trường phái tâm lý học hoàn toàn mới do Alfred Adler sáng lập vào đầu thế kỷ XX, hiện nay, chúng ta thường gọi là Tâm lý học Adler. Tâm lý học Adler là một tư tưởng, một quan điểm học thuật gần gũi với triết học Hy Lạp.
Nhà tâm lý học Alfred Adler
Những nét chính trong tư tưởng của nhà tâm lý học Alfred Adler được trình bày một cách sinh động và hấp dẫn qua năm đêm đối thoại tranh luận, thẳng thắn, cởi mở giữa hai nhân vật: Chàng thanh niên và Triết gia, trong cuốn sách "Dám bị ghét". Sách được phát hành vào 12/2013, tính đến nay đã xuất bản được hơn 1,7 triệu bản và là một trong những cuốn sách bán chạy nhất tại thị trường Nhật Bản trong những năm qua.
"Dám bị ghét" đề cập đến những đối tượng: Những người dễ bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh, những người hay cảm thấy tự ti và những người không cảm thấy hạnh phúc. Khác với Freud cho rằng quá khứ và hoàn cảnh là động lực làm nên con người ta của hiện tại, Adler chủ trương “cuộc đời ta là do ta lựa chọn” và tâm lý học Adler được gọi là “tâm lý học của lòng can đảm”. Bạn bất hạnh không phải do quá khứ và hoàn cảnh, càng không phải do thiếu năng lực. Bạn chỉ thiếu "can đảm" mà thôi.
Vứt bỏ nhu cầu được thừa nhận
Vì muốn được bố mẹ khen ngợi mà chúng ta cố gắng học tập. Cũng vì muốn những người xung quanh trầm trồ, thán phục mà chúng ta nỗ lực để vào được những trường đại học tốt, được nhận vào làm trong những công ty nổi tiếng. Tất cả những việc này đều là nhu cầu được thừa nhận. Chúng ta làm chỉ với mong muốn được những người xung quanh khen ngợi.
Tuy nhiên, Adler đã chỉ trích vấn đề này ông cho rằng đây là một việc rất nguy hiểm. Nếu không ý thức được vấn đề này, con người sẽ bị nhu cầu được thừa nhận kiểm soát. Một lúc nào đó, chúng ta sẽ chỉ hành động với mục đích làm hài lòng những người xung quanh. Nếu bạn sống vì những con đường đã được vạch sẵn bởi những người xung quanh, các bạn sẽ dần đánh mất bản thân và hạnh phúc cũng sẽ dần dần rời xa.
Điều mà bạn cần nhận ra ở đây là "chúng ta không sống để đáp ứng với mong đợi của người khác". Tuy nhiên, có một câu hỏi được đặt ra: Liệu nhu cầu được thừa nhận có thể vứt bỏ được hay không? Câu trả lời của Alder là cần phân biệt đâu là vấn đề của bản thân, đâu là vấn đề của người khác. Đích đến cuối cùng khi bạn sống vì nhu cầu được thừa nhận, là một cuộc sống thiếu tự do, luôn phải lo nghĩ đến đánh giá của người khác. Nên sống theo cách này, bạn sẽ không cảm thấy hạnh phúc.
Bạn có đủ “can đảm để dám hạnh phúc”?
Nhân vật Triết gia đã lần lượt lý giải những câu hỏi, những thắc mắc của Chàng thanh niên về cuộc sống, về mối quan hệ giữa người và người dựa trên nền tảng Tâm lý học Adler.
Trong cuộc sống, hãy “cứ sống tự do, ai ghét mình thì cứ để họ ghét”, càng không phải vì trong một mối quan hệ nào đó mà thay đổi bản thân để vừa vặn với đối phương, đừng cố gắng thay đổi bản thân vì sợ hãi một mối quan hệ tan vỡ, nó sẽ khiến bạn mất tự do hoàn toàn. Một người sẽ hạnh phúc hơn và tự do hơn nếu họ sống "từng khoảnh khắc", làm nhiệm vụ của mình trong cuộc sống và không làm nhiệm vụ của người khác.
Tuy nhiên, nếu xung quanh bạn là những người bạn, mình suy nghĩ và có những hành động cống hiến để giúp đỡ những người bạn đó, thì nó sẽ khiến bạn cảm thấy hạnh phúc. Đây cũng là điều Adler muốn nói, bằng việc cảm thấy mình đang cống hiến cho người khác sẽ khiến bạn cảm nhận được giá trị của bản thân và cảm thấy hạnh phúc.
Cuốn sách được viết dưới hình thức đối thoại khiến cho những tranh luận trở nên thẳng thắn, quyết liệt và cởi mở hơn. Từ đó, độc giả có được cái nhìn đa chiều giữa hai quan niệm mâu thuẫn. Đó cũng là cách hay để bản thân mỗi người có được sự phản biện của riêng mình, dựa trên kinh nghiệm và tri thức của bản thân.
"Dám bị ghét" dù đặt ra một vấn đề mang tính triết học: “Làm thế nào để sống hạnh phúc?”, nhưng cuốn sách tuyệt nhiên không dùng đến những lý luận trừu tượng xa cách, mà mỗi ý tưởng đều được dẫn giải cụ thể, thực tế, khiến độc giả tiếp cận dễ dàng. Chỉ có điều, nhân vật Triết gia chỉ dựa trên tư tưởng của Tâm lý học Adler để phản bác, tranh luận khiến cho cuộc đối thoại có vẻ hơi gượng ép và phiến diện.
Nhưng tôi nghĩ những thông điệp sống, quan niệm sống và những triết lý nhân sinh được truyền tải qua góc nhìn của Chàng thanh niên và nhà Triết gia trong cuốn sách "Dám bị ghét", đặc biệt giá trị đối với những người ở độ tuổi đôi mươi - người đang muốn thấu hiểu chính bản thân mình để tạo nên những giá trị cho xã hội.
Cuốn "Dám bị ghét" do Nhã Nam phát hành.
Giá bìa: 96.000 đồng.
Koga Fumitake – Người viết tự do, sinh năm 1973. Sở trường là những tác phẩm đối thoại, vấn đáp. Dựa trên những cuộc đàm đạo với Kishimi Ichiro, anh đã vận dụng thể loại đối thoại trong triết học Hy Lạp cổ đển để viết nên cuốn sách này.
Bình luận của bạn