Phương pháp chữa được bách bệnh: Khoa học hay tâm linh?

Cuốn sách "Hành trình về phương Đông" của tác giả Baird T.Spalding (Ảnh: First News)

Áp dụng lý thuyết cú hích vào lĩnh vực sức khỏe

Ruột thừa có thực sự thừa?

100 ngàn tỷ vi khuẩn đường ruột đang hoạt động thế nào trong cơ thể bạn?

Hệ miễn dịch: Phương thuốc mạnh mẽ nhất của cơ thể

Dưới góc nhìn của phương Tây, phương Đông luôn là một xứ sở thần bí và ẩn giấu nhiều điều chưa được khám phá. Những độc giả mang tư tưởng duy vật như tôi dễ có ấn tượng ban đầu rằng, những triết lý về sức khỏe của những vị đạo sỹ trong Hành trình về phương Đông là hư cấu. Nhưng khi bỏ qua định kiến của mình và mở lòng tiếp nhận cuốn sách, bạn đọc có thể chợt nhận ra nhiều phương pháp chăm sóc sức khỏe đơn giản mà hiệu quả không ngờ.

Hành trình của chữ "Duyên"

Hành trình về Phương Đông kể về những trải nghiệm của một đoàn khoa học gồm các chuyên gia hàng đầu của Hội Khoa học Hoàng gia Anh được cử sang Ấn Độ nghiên cứu về huyền học và những khả năng siêu nhiên của con người. Suốt hai năm trời rong ruổi khắp các đền chùa Ấn Độ, chứng kiến nhiều pháp thuật, nhiều cảnh mê tín dị đoan, thậm chí lừa đảo... của nhiều pháp sư, đạo sỹ... khiến các nhà khoa học cảm thấy chán nản, thất vọng.

Một tu viện (Ashram) tại núi Rishikesh ngày nay

Thế nhưng, “tất cả đều do nhân duyên, đến khi nào đủ duyên sẽ gặp" đã đưa họ đến với những điều kỳ diệu, bí ẩn vẫn được ẩn giấu - trên rặng Tuyết Sơn cũng có thể giữa một khu chợ đông đúc, đã giúp họ được chứng kiến, trải nghiệm, hiểu biết sâu sắc về các khoa học cổ xưa và bí truyền của văn hoá Ấn Độ như Yoga, thiền định, thuật chiêm duyên, nghiệp báo, luật nhân quả, cõi sống và cõi chết... Mỗi cuộc đối thoại đem đến cho người đọc những cảm nhận sâu sắc về các vấn đề cuộc sống: chữ Duyên (chương 1), về chiêm tinh học huyền bí hay lá số tử vi (chương 2), về những món nợ đời người của một đạo phái Jain "quá khích" ở Ấn Độ (chương 3), về thánh địa nơi cửa ngõ vào rặng Tuyết Sơn Rishikesh (chương 4), về thứ “phép thuật” lạ lùng huyền bí (chương 5), về cách chữa lành mọi bệnh tật (chương 6), về các bậc Thánh nhân trên rặng Tuyết Sơn (chương 7), về cõi giới vô hình (chương 8).

Cuốn sách kết thúc ở chương 9, khi những nhà khoa học bị bắt buộc trở về Anh Quốc, khi mà niềm tin và chữ duyên đã đưa họ đến với một cuộc sống khác. Và lựa chọn của họ không hề gây bất ngờ cho người đọc.

Dù biết cuốn sách là câu chuyện phóng tác của dịch giả Nguyên Phong dựa trên những ghi chép của tác giả Baird T.Spalding nhưng tâm trí người đọc như bị cuốn vào đó và những bí ẩn vô hình của thế giới chúng ta đang sống từng bước được giải mã, sáng tỏ với những sắp xếp, kết nối với nhau một cách thật logic, khoa học. Cuộc thám hiểm khám phá những điều huyền bí từ những đạo sỹ bí ẩn Ấn Độ của những nhà khoa học Anh Quốc thời xưa trong câu chuyện cũng là ước mong khám phá của muôn vạn độc giả. Những thắc mắc về nhân quả, tâm linh, luân hồi, tôn giáo, về Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo... và các đạo khác trên thế giới cũng được làm sáng tỏ.

Và cách chữa bệnh gần gũi với đời thường

Thế nhưng, với người viết, cuốn hút nhất của cuốn Hành trình về Phương Đông nằm ở 3 chương sách: Nhân duyên đến sẽ gặp được Chân sư (chương 1), Vị đạo sư có thể chữa lành mọi bệnh tật (Chương 6) và Cõi giới vô hình (bao gồm cả chương 8 và chương 9).

Đặc biệt gần gũi là chương 6 với phương thức chữa bệnh gần gũi, lý giải được mọi nguyên nhân gây bệnh tật.

Chương 6 của cuốn sách bắt đầu bằng khung cảnh một vị đạo sỹ người Ấn, người được mệnh danh có thể chữa mọi thứ bệnh, xem bệnh cho một bệnh nhân bị đau tim đến thời kỳ trầm trọng. Chỉ thông qua quan sát bệnh nhân, vị đạo sỹ đã có thể “phán” bệnh nhân sắp trải qua cơn đau tim, và dùng phương pháp điều trị của ông thì sẽ sống được thêm vài năm nữa. Rồi vị đạo sỹ bình tĩnh giải thích cho phái đoàn phương Tây về quan điểm bệnh tật là kết quả của những gì trái với tự nhiên. “Con người bẩm sinh đều khỏe mạnh, họ mắc bệnh vì các thói quen, lối sống không hợp tự nhiên, rồi theo thời gian tiêm nhiễm vào cơ thể làm suy nhược.[…] Muốn trừ bệnh hoàn toàn, chỉ có một cách duy nhất là cương quyết trừ tuyệt gốc và người duy nhất có thể chữa được là "chính mình" mà thôi, ngoài ra không có ai khác. Một khi bệnh nhân ý thức được điều này và nhất định theo đuổi cách trị đến cùng thì hầu như bệnh gì cũng có thể chữa khỏi.” (Chương 6, trang 152)


Tôi có thể liên tưởng hình ảnh này với những buổi chữa bệnh của những ông lang, bà mế ở nước ta. Bởi một phương thuốc chữa được bách bệnh là điều không tưởng với khoa học hiện đại nhưng lại hiện hữu ở một vùng hẻo lánh, tại một quốc gia kém phát triển như Ấn Độ ngày đó.

Stress được chứng minh là nguyên nhân của nhiều vấn đề sức khỏe

Nhưng khi bạn đọc nghiền ngẫm từng câu, từng chữ của vị đạo sỹ người Ấn, một quan điểm giản đơn nhưng sâu sắc về sức khỏe đã hiện lên trong đó. Mọi bệnh tật trong cơ thể con người đều xảy ra do “mất quân bình” (quân bình là trạng thái cân bằng giữa các thế lực trong cơ thể). Lối sống hiện đại, theo đuổi cám dỗ vật chất khiến con người quên chăm chút cho tinh thần. Những lo âu, phiền não – hay còn gọi là stress trong thời hiện đại – được khoa học chứng minh là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh tật. Khái niệm stress lần đầu được định nghĩa hoàn chỉnh vào năm 1936 bởi nhà nghiên cứu nội tiết Hans Selye. Ấy vậy mà từ năm 1924, hoặc sớm hơn nữa, những vị tu sĩ người Ấn Độ đã nằm lòng cơ chế gây bệnh này.

Theo Hành trình về phương Đông, yoga giúp cơ thể trở về trạng thái quân bình

“Nguyên lý của bệnh như sau: con người chìm đắm trong danh lợi, lo quanh nghĩ quẩn, tích trữ tài sản mà quên sự vô thường ở đời. Họ chỉ thấy lợi nhỏ mà quên hại lớn. Lo làm giàu vật chất mà quên tu tâm dưỡng tinh thần, vì thế thân thể suy nhược, tâm trí điên đảo, thần trí bất nhất, lại thêm tửu sắc quá độ, hỉ nộ bất thường, dinh dưỡng coi thường, và bệnh tật do đấy mà sinh ra” (Chương 6, trang 154). Hiểu được điều này, các đạo sỹ người Ấn dùng đến những biện pháp tu thân như học đạo hướng thiện, tập Yoga, thiền định để nâng cao sức khỏe của tinh thần. Vị đạo sỹ đã nhận ra ưu điểm của phương pháp này so với khoa học: “Khoa học công nhận rằng ăn uống điều độ có thể tránh được bệnh tật, nhưng biết rồi để đó chứ mấy ai theo?”

Một triết lý khác trong phương pháp chữa bách bệnh là chỉ có thể dựa vào chính mình. Vị đạo sỹ liên tục nhấn mạnh rằng chỉ bệnh nhân mới có thể tự chữa trị cho họ, và rằng một cơ thể khỏe mạnh có thể chống lại mọi thứ bệnh. “Ngay cả những lúc có bệnh thời khí khiến hàng trăm, hàng ngàn người lăn ra chết; nhưng vẫn có những kẻ sống sót đấy chứ”. Quan điểm này có sự giao thoa với quan điểm về hệ miễn dịch trong y học hiện đại. Cơ thể con người đã có sẵn một cơ chế phòng và chữa bệnh tuyệt vời, đó là hệ miễn dịch. Để có thể chữa bệnh tận gốc, con người phải “tự mình chữa cho mình” trước tiên từ việc thay đổi lối sống, ăn uống đúng cách để cơ thể trở lại trạng thái quân bình.

Nhịn ăn không phải phương pháp cải thiện sức khỏe an toàn

Bên cạnh những tư tưởng vượt thời không ấy, vị đạo sỹ người Ấn (hoặc dịch giả Nguyên Phong) không thể thoát khỏi ảnh hưởng của tâm linh và tôn giáo. Điều này thể hiện ở tư tưởng về “cám dỗ” , buông bỏ thì mới có thể giải thoát, hay quan điểm “linh hồn là bất diệt còn thể xác thì thô sơ, tạm thời”. Vị đạo sỹ chỉ dựa vào lý lẽ để thuyết phục phái đoàn về phương pháp chữa bệnh của mình. Uống nước suối và ăn cơm nhạt không khác gì phương pháp fasting (nhịn ăn) mà nhiều người sử dụng để tự mình chữa các bệnh nan y như ung thư, bệnh mạn tính như đái tháo đường. Chuỗi phim tài liệu (Un)Well của Netflix đã dành một tập phim để bàn về những hậu quả nguy hiểm khôn lường của phương pháp nhịn ăn chữa bệnh.

Những điều chưa được khoa học chứng minh không có nghĩa là sai. Tuy nhiên, mù quáng tin tưởng những liệu pháp chữa bách bệnh kỳ bí, nhiệm màu chưa chắc đã là “cửa sinh” cho người bệnh. Nhất là khi phương pháp sống thuận với tự nhiên yêu cầu ta phải cắt đứt với gia đình, công việc, xã hội. Con người là một động vật mang tính xã hội, và trong quá trình phát triển, không ít lần con người đã cải tạo, làm trái ý thiên nhiên. Nếu biết kết cục chờ đón mình là cái chết, con người sẽ không ngừng cống hiến và tận hưởng cho đến hơi thở cuối cùng.

Cuốn Hành trình về phương Đông do First News phát hành.

Giá bìa: 88.000 đồng.

Quỳnh Trang H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa