Cù lao Thới Sơn hay còn gọi là cồn Lân thuộc thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang
Hà Giang du ký
Đặc sắc ẩm thực ở xứ sở hoa tam giác mạch
48h chữa lành tại Tà Xùa
Cẩm nang khám phá “thiên đường mây” Tà Xùa
Cù lao Thới Sơn, hay còn gọi là cồn Lân thuộc ấp Thới Hòa, xã Thới Sơn, Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Với diện tích lên đến 1.200 ha, đây là một trong những cồn có diện tích lớn nhất tại "Tứ linh": Long-Lân-Quy-Phụng.
Tôi bắt đầu hành trình khám phá Cù lao Thới Sơn bằng một chén trà mật ong thơm lừng. Chén trà sóng sánh, thoang thoảng mùi gừng cùng dư vị ngọt thanh của từng giọt mật ong được nuôi cấy trên chính mảnh đất cù lao. Uống trà, tôi còn được nghe người dân kể chuyện đời, chuyện đất. Họ nói về những mảnh đất phù sa màu mỡ đã nuôi dưỡng họ từ đời này qua đời khác, về cách họ tạo nên từng giọt mật ong thanh ngọt.... Mỗi câu chuyện mà họ kể với khách du lịch đều chứa đựng niềm tự hào mà họ dành cho mảnh đất quê hương mình.
Trong khi tôi còn mải mê với vị trà ngọt, tiếng đờn ca tài tử từ xa vọng lại như một lời mời gọi đầy mê hoặc... Giai điệu trầm bổng, khi ngân dài, khi ngắt lửng cùng với giọng hát ngọt ngào, sâu lắng kể về những câu chuyện tình yêu, về cuộc sống lam lũ mà chân chất, nghĩa tình. Với người dân Cù lao Thới Sơn, đờn ca tài tử không chỉ là giải trí mà còn là hơi thở của cuộc sống. Đó là nơi họ gửi gắm những niềm vui, nỗi buồn cũng như những tâm tư khó nói thành lời…
Tạm rời không gian đờn ca, tôi lại theo chân người dân đến gian làm cốm nổ. Những hạt lúa vàng óng được rang giòn trên bếp, hòa cùng nước cốt dừa và đường thắng, tạo thành một món ăn giòn tan, thơm nức mùi dừa. Người dân kể rằng, cốm nổ không chỉ là món ăn mà còn là cách để họ lưu giữ những dư vị đồng ruộng sau mỗi mùa gặt. Để rồi đây, lại trở thành một đặc sản nức tiếng xứ cù lao!
Tiếng vó ngựa lộc cộc lại đưa tôi rời khỏi không gian làm cốm, tôi bắt đầu hành trình trên những con đường nhỏ quanh co trên đất cù lao. Hành trình tiếp theo của buổi trải nghiệm, tôi được chèo thuyền trên những dòng kênh rạch uốn lượn. Chiếc thuyền nhỏ lướt nhẹ trên mặt nước phẳng lặng, hai bên là hàng dừa nước xanh ngát soi bóng. Tiếng mái chèo khua nước nhịp nhàng, hòa cùng tiếng chim ríu rít đã tạo nên một không gian thơ mộng, trong trẻo và bình yên đến lạ kỳ. Mỗi khúc quanh của dòng kênh như mở ra một khung cảnh mới, khi thì là những rặng dừa nghiêng mình theo gió, khi lại là những mái nhà thấp thoáng xa xa…
Điểm nhấn cuối cùng trong chuyến hành trình của tôi là trải nghiệm làm kẹo dừa. Những trái dừa tươi sau khi được nạo kỹ lưỡng sẽ lấy phần nước cốt trắng ngần, rồi đem nấu chung với đường và mạch nha trên bếp lửa liu riu. Hỗn hợp từ từ chuyển sang màu vàng óng. Sau đó, người thợ cẩn thận khuấy đều tay để kẹo không bị cháy. Khi đạt đến độ sánh mịn hoàn hảo, hỗn hợp được đổ ra khuôn và nhanh chóng cắt thành từng viên nhỏ. Khi nếm thử, vị ngọt thanh của dừa hòa quyện cùng sự béo ngậy của mạch nha tan chảy trong miệng. Đến đây tôi mới hiểu, vì sao kẹo dừa chỉ ngon nhất khi ở làm trực tiếp ở nơi trồng và sản xuất ra chúng, để rồi trở thành một đặc sản riêng có của miền Tây sông nước.
Rời Cù lao Thới Sơn, mỗi du khách đều mang theo một dư vị riêng biệt. Đó có thể là hương thơm ngọt lành của trái cây miền Tây, âm thanh nhịp nhàng của mái chèo khua nước hay ánh mắt hiền hậu, nụ cười chất phác của người dân nơi đây. Không cần cầu kỳ hay hoa mỹ, Thới Sơn chinh phục lòng người bằng chính sự giản dị, yên bình – nơi mọi muộn phiền được gột rửa và chữa lành đúng nghĩa...
Bình luận của bạn