Mỗi tháng, một người trưởng thành Việt Nam uống rượu bia đến mức nguy hại ít nhất một lần (ảnh minh họa)
Tặng mẹ mỹ phẩm gì nhân Ngày của Mẹ?
Mẹ và bé cùng làm thạch dừa táo tàu nấm tuyết
Miền Bắc nắng nóng, nhiệt độ tăng nhanh
Tìm lại hạnh phúc làm mẹ sau 14 năm mang tiếng “cau điếc”
Kết quả điều tra quốc gia được Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế công bố ngày 8/5/2017 về mức độ sử dụng rượu bia của người Việt Nam nhóm tuổi từ 18 đến 69 cho thấy: có tới 77,3% nam giới và 11,1% nữ giới được khảo sát cho biết có uống rượu bia trong 30 ngày qua. Trong đó, tỷ lệ người uống rượu bia ở mức nguy hại với ít nhất 1 lần uống từ 60g cồn trở lên trong vòng 1 tháng chiếm tới 44,2% ở nam giới và 1,2% ở nữ giới.
Lạm dụng rượu bia không chỉ gia tăng các loại bệnh nguy hiểm như viêm gan, xơ gan, viêm loét dạ dày, bệnh lý tim mạch, huyết áp, ung thư... mà còn để lại nhiều hệ lụy cho xã hội trong trạng thái người uống bị say xỉn, kích động như gia tăng bạo hành gia đình, ẩu đả, gây rối trật tự công cộng, tai nạn giao thông...
Để hạn chế những nguy cơ trên, Chính phủ đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia và đồ uống có cồn (tháng 7/2015) do Bộ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng Ban. Bộ Y tế được giao là đơn vị chủ trì xây dựng dự án Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia, hiện đã hoàn thiện hồ sơ đưa vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2018 của Quốc hội.
Đến nay, các tỉnh thành trên cả nước đã bước đầu áp dụng những biện pháp kiểm soát như: cấm sử dụng rượu bia và đồ uống có cồn trước và trong giờ làm việc, trong bữa ăn trưa; xử phạt các vi phạm lạm dụng rượu bia đối với công chức viên chức, người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông; kiểm soát nguồn rượu bia sản xuất trong nước và nhập khẩu...
Tuy nhiên, trên thực tế, thực trạng sử dụng rượu bia của người Việt Nam đang ngày càng gia tăng. Theo báo cáo tình hình phát triển công nghiệp, thương mại của Bộ Công thương, sản lượng bia năm 2016 của Việt Nam là 3,788 tỷ lít. Tính trung bình mỗi người Việt uống 42 lít bia trong năm, tăng khoảng 4 lít so với năm 2015. Tỷ lệ tiêu thụ rượu bia của Việt Nam hiện đang xếp thứ 3 tại khu vực Châu Á và xếp thứ 25 trên toàn thế giới.
Mặt khác, gần đây nhiều vụ ngộ độc do sử dụng phải rượu giả, rượu pha chế từ cồn công nghiệp đã khiến nhiều người mất mạng. Nhiều vụ buôn bán trái phép, kinh doanh rượu lậu cũng được cơ quan chức năng phanh phui.
Từ thực tế trên, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng nhận định: “Dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp ngăn chặn, hạn chế lạm dụng rượu bia nhưng việc tuân thủ pháp luật của người sản xuất, kinh doanh, người sử dụng rượu bia còn rất thấp. Nguyên nhân một phần là do lực lượng kiểm tra, kiểm soát còn mỏng và hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ nhưng nguyên nhân chính do rượu bia là mặt hàng rất phổ biến bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận ở mọi lúc, mọi nơi.
Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có nhiều ngày nghỉ tết, lễ - hội văn hóa, đi liền với những ngày này là thời điểm người dân sử dụng rất nhiều rượu bia. Tuy nhiên, nhận thức của người dân về tác hại của các loại đồ uống có cồn còn hạn chế nên tình trạng sử dụng, lạm dụng ngày càng phổ biến.
Để đẩy lùi tình trạng lạm dụng rượu bia trong cộng đồng, ngăn chặn rượu lậu tràn vào từ các quốc gia khác, ngăn chặn rượu giả, rượu kém chất lượng sản xuất trong nước, đại diện Bộ Y tế cho rằng, Chính phủ cần sớm ban hành Luật phòng chống tác hại của rượu bia; quy định rõ chất lượng rượu tự nấu; có chế tài xử phạt nghiêm đối với vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh buôn bán và sử dụng rượu.
Bình luận của bạn