Nguyên nhân nào khiến máy bay Vietnam Airlines xịt lốp?

Chiếc Airbus A321 từ Đà Nẵng ra Hà Nội bị xịt lốp

Máy bay Vietnam Airlines bị xịt lốp

Siêu máy bay A350 của Vietnam Airlines bị hỏng cánh

Trục trặc kỹ thuật, máy bay Vietnam Airlines quay đầu hạ cánh khẩn cấp

Vietnam Airlines dẫn đầu danh sách chậm, hủy chuyến dịp 30/4

Quan sát vết cắt trên lốp máy bay Airbus A321 gặp sự cố sáng 8/1, ông Trần Thắng, kỹ sư làm việc tại công ty sản xuất động cơ máy bay Pratt & Whitney ở Connecticut (Mỹ) phân tích, 30 phút sau khi cất cánh tổ lái mới phát hiện lốp bị giảm áp suất, cho thấy tốc độ từ khi lốp bị cắt đến khi xì hơi là rất chậm. Vì thế nhiều khả năng vết cắt hình thành sau khi máy bay cất cánh. Có thể trong quá trình càng thu lốp vào thân, phần lốp bị cà vào khung máy bay, tạo vết cắt. 

Kỹ sư Trần Thắng. Ảnh: Nguyễn Đông.

Một khả năng khác, theo ông Thắng, là chiếc A321 va chạm với vật thể khi chuyển bánh trên đường băng. Tuy nhiên, điều này ít xảy ra vì vết cắt nằm bên hông của lốp xe. Một vật thể từ đường băng khó tạo vết cắt bên hông.

"Máy bay trọng lượng lớn, lao với tốc độ nhanh để rời đường băng và khi lăn qua một vật thể thì lốp sẽ bị hư hại nặng, hoặc có thể nổ như các sự cố máy bay trên thế giới", kỹ sư 15 năm kinh nghiệm trong ngành hàng không nói.

Thường xuyên về Việt Nam, quan sát đường băng, Việt kiều này rất bất ngờ khi có quá nhiều phương tiện từ xe chở hành khách, xe tiếp nhiên liệu đến vận chuyển hành lý chạy lòng vòng trong khu vực máy bay đậu. Đã có sự cố xe tiếp xăng dầu va vào cánh máy bay.

Việc có nhiều phương tiện đi vào gần khu vực máy bay, theo ông Thắng, có thể làm rơi vãi vật thể. Khi máy bay khởi động với tốc độ cao tạo lực hút rất lớn, một ôtô con đậu cách xa cả chục mét cũng có thể bị hút vào. Vì thế nếu có những vật thể ở gần máy bay sẽ bị hút vào động cơ máy bay và ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến an toàn bay.

"Ở công ty tôi, khi đi qua khu vực lắp ráp động cơ không được ăn uống, hay khi làm việc kỹ sư không được mang đồ trang sức, dây đeo cổ, bút cắm trên áo để đề phòng việc rơi rớt đồ vật vào quá trình lắp ráp. Nói như thế để thấy cái gì liên quan đến hàng không phải tuyệt đối an toàn", ông Thắng nói và cho rằng khi lấy hành lý phải kiểm tra kỹ xem có vật thể gì rơi ra xuống khu vực máy bay hay không. Sân bay nhỏ cũng phải có phạm vi an toàn, không thể để nhiều phương tiện đi lại như hiện nay, làm gia tăng rủi ro vật thể rơi rớt.

Vết cắt trên lốp máy bay A321 sáng 8/1. Ảnh: Người lao động.

Nghiêng nhiều về khả năng bánh máy bay Airbus A321 bị rách do gặp dị vật trên đường băng khi cất cánh, một chuyên gia giao thông trong nước phân tích đường băng có nhiều phương tiện hoạt động nên có vật liệu, thiết bị rơi vãi, việc chèn qua những vật liệu này không phải là chuyện bất ngờ. 

"Vết cứa là minh chứng khá rõ lốp bị tác động bởi vật bên ngoài. Vết cắt không phải giữa lốp có thể do máy bay lăn nhanh chèn qua làm vật liệu kia bật lại cứa vào thành lốp", chuyên gia nói. 

Ngoài ra, ông cũng cho rằng vì đảm bảo an toàn nên lốp máy bay thường được các hãng hàng không thay định kỳ, thậm chí trước thời hạn kiểm định. Do vậy, khả năng lốp hư hỏng, kém chất lượng ít xảy ra.

Phát biểu trong buổi họp báo ngay sau sự cố, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Hàng không, cho rằng nhiều khả năng dị vật bên ngoài tác động làm lốp máy bay xịt. Tuy nhiên, cơ quan này không loại trừ nguyên nhân chất lượng lốp. Ngay sau khi máy bay hạ cánh, bộ lốp đã được tháo để kiểm định, phục vụ điều tra. 

"Nếu có trục trặc về lốp thì máy bay phải có cảnh báo. Với chiếc A321, trước khi cất cánh, máy bay không có tín hiệu cảnh báo, hệ thống máy móc hoạt động bình thường", ông Thanh nói thêm.

Cục Hàng không đã yêu cầu nhà chức trách sân bay Đà Nẵng kiểm tra hiện trạng đường băng sân đỗ để tìm nguyên nhân, song phía sân bay Đà Nẵng báo cáo không phát hiện vấn đề gì bất thường.

Đánh giá về tình trạng máy bay, đại diện ngành hàng không cho biết, chiếc A321 số hiệu đăng ký VN601, được Vietnam Airlines đưa vào khai thác từ năm 2013. Lần bảo dưỡng gần nhất là ngày 19/10/2015.

Kỹ sư Trần Thắng cho biết thêm, động cơ V2500 của máy bay A321 do công ty Pratt & Whitney sản xuất, còn phần thân là của hãng Airbus. Đây là một trong những loại máy bay an toàn nhất thế giới hiện nay. 

Trước đó máy bay Airbus A321 của Vietnam Airline chở 173 người, gồm 162 khách và phi hành đoàn, rời Đà Nẵng lúc 8h59 sáng 8/1, dự kiến 9h57 hạ cánh xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội). Tuy nhiên, sau 30 phút khởi hành, tổ lái phát hiện lốp số 1 của càng chính bên trái bị giảm áp suất và yêu cầu trợ giúp khẩn nguy từ mặt đất.

Các phương án khẩn nguy được kích hoạt. Toàn bộ lực lượng tại sân bay Nội Bài cũng như tại Đài kiểm soát không lưu được huy động. Xe cứu thương, cứu hỏa, lực lượng trải bọt trên đường hạ cất cánh sẵn sàng để phòng cháy nổ. Sau khi áp dụng tất cả các biện pháp, đến 10h24 máy bay hạ cánh an toàn xuống Nội Bài, chậm 27 phút so với lịch trình.

Pratt & Whitney là công ty sản xuất động cơ máy bay đầu tiên của thế giới, trang bị động cơ máy bay dân sự cho các hãng Boeing (Mỹ), Airbus (châu Âu), Bombardier (Canada), Embraer (Brazil), MRJ (Nhật) và máy bay quân sự như F-15, F-22, F-35.

Kỹ sư Trần Thắng làm việc tại đây với các vị trí như thiết kế, phân tích mô phỏng, quy trình ráp động cơ máy bay và đã tham gia dự án thiết kế động cơ máy bay Airbus 380, máy bay tàng hình F-22, F-35. Ông từng được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng bằng khen vì sưu tầm 150 bản đồ cổ và 3 sách atlas khẳng định Trung Quốc không có Hoàng Sa. 

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn