Xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, những năm qua lây lan hội chứng "viêm da, dày sừng bàn tay bàn chân", 250 người mắc bệnh, 24 người đã chết. Các theo dõi dịch tễ cho thấy bệnh thường bùng phát theo chu kỳ, đặc biệt là trước Tết Nguyên đán. Thống kê của ngành y tế địa phương, năm 2013 toàn tỉnh Quảng Ngãi có 16 trường hợp tái phát bệnh dày sừng lòng bàn tay, bàn chân ở hai huyện vùng cao Ba Tơ và Sơn Hà. Tất cả đều được điều trị khỏi.
Tiến sĩ Viên Quang Mai, Phó viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, kiểm tra gạo của đồng bào ở làng Rêu, xã Ba Điền. Ảnh:Trí Tín.
Ngày 30-31/12, Đoàn công tác Bộ Y tế về tận nơi để giám sát tình hình dịch tễ vùng dịch, kiểm tra các ca bệnh cũ và bệnh nhân mắc bệnh mới trong năm. Trao đổi với PV, tiến sĩ Viên Quang Mai, Phó viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang cho biết, sau một năm trở lại Ba Điền, đoàn công tác không thấy xuất hiện thêm ca bệnh dày sừng lòng bàn tay, bàn chân nguy kịch, bản làng giờ được xây dựng khang trang, môi trường sạch sẽ hơn trước.
Tiến sĩ Mai khuyến cáo, dù căn bệnh này đã tạm ổn định, ngành y tế Quảng Ngãi vẫn cần duy trì, tiếp tục thực hiện các phác đồ điều trị Bộ Y tế ban hành, hướng dẫn đồng bào phơi, bảo quản lúa để tránh ẩm mốc. Cấp bổ sung vitamin, giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ nhằm phòng tránh bệnh bùng phát trở lại gây nguy hiểm tính mạng cho người dân.
Cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Trần Quang Trung thăm, tặng quà đồng bào vùng mắc bệnh. Ảnh:Trí Tín.
Về vấn đề này, tiến sĩ Trần Minh Như Nguyện, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho rằng, cần tiếp tục thu thập thêm bằng chứng, theo dõi, nghiên cứu thêm mới đi đến kết luận chính xác, khoa học. "Bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân ở Quảng Ngãi chưa từng được ghi nhận trên thế giới. Do vậy, xác định được nguyên nhân, yếu tố nguy cơ có thể gây bệnh là thành công bước đầu", tiến sĩ Nguyện cho biết.
WHO cho rằng cần tổ chức hội thảo chuyên sâu để đánh giá và kết luận về nguyên nhân gây bệnh viêm da này.
Bình luận của bạn