TP.HCM: Bệnh nhi bị lõm ngực tăng bất thường

Lõm ngực là căn bệnh bẩm sinh ít người biết đến

Trẻ lõm ngực có cần phải mổ?

Thuốc xịt mũi có thể gây dị tật thai nhi

Trẻ bị dị tật đầu nhỏ điều trị thế nào?

1001 tác hại chết người vì uống thuốc khi mang thai

Chiều 28/7, bác sỹ Đào Trung Hiếu - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết, số trường hợp trẻ bị bệnh lõm ngực nhập viện điều trị tăng bất thường. Nếu trung bình hàng năm, tại bệnh viện ghi nhận và phẫu thuật cho khoảng 50 ca, thì chỉ mới từ đầu năm đến nay, con số này đã lên đến 80 ca trẻ bị lõm ngực. Hiện bệnh viện đang theo dõi điều trị cho hai anh em ruột (anh trai 15 tuổi, em gái 9 tuổi, ngụ Bến Tre) đều bị lõm ngực và vừa được phẫu thuật thành công.

Theo bác sỹ Hiếu, mùa Hè cũng là thời điểm ghi nhận nhiều trẻ bị lõm ngực nhập viện. Đây là một căn bệnh bẩm sinh, ít người biết đến. Việc nhận biết các dấu hiệu ở trẻ sơ sinh cũng rất khó. Chỉ khi trẻ lên 1 đến 2 tuổi thì hiện tượng lõm ngực mới rõ ràng. Căn bệnh này tiến triển theo các giai đoạn phát triển của xương. Xương sườn phát triển bất thường đẩy xương ức lõm ra phía sau, dẫn đến trẻ khó thở do phổi bị chèn ép. Những trường hợp nặng có thể gây các bệnh lý tim mạch. Do tim phổi cùng bị chèn ép, trẻ hô hấp khó khăn, vận động yếu.

Hiện phẫu thuật là cách duy nhất để giải quyết lõm ngực. Tuy nhiên, mổ chỉ có thể được áp dụng đối với lứa tuổi từ 7 đến 15 bởi cơ thể trẻ đã tương đối phát triển và phẫu thuật đưa thanh kim loại vào lồng ngực để nâng xương ức lên sẽ có hiệu quả. Bác sỹ đưa ra khuyến cáo nên cho trẻ bị lõm ngực đi bơi thường xuyên để giúp hô hấp tốt hơn, lồng ngực giãn nở thuận lợi cho cuộc phẫu thuật.

Các nghiên cứu trên thế giới cũng chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh. Chỉ có một nghiên cứu tại Hoa Kỳ cho thấy, cứ 300 - 400 ca sinh thì có 1 trẻ bị lõm ngực. Và trẻ nam bị lõm ngực cao gấp 3 lần trẻ nữ.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin