Thịt nhập khẩu giá rẻ: Ăn vào để chết từ từ?

Thịt gà, thịt bò ngoại nhập giá rẻ: Mua nhiều ăn bừa có hại vào thân?

Phát hoảng với kho chứa thịt ngoại trôi nổi

Nghịch lý, thịt bò Úc rẻ hơn gà công nghiệp!

Thịt cấp đông có an toàn?

Các tỷ phú ngành IT chạy đua sản xuất thịt nhân tạo

Thịt ngoại lấn át giá thịt Việt

Hiện nay, thịt gà Mỹ, bò Úc, trâu Ấn Độ, sụn non Tây Ban Nha… có giá rẻ hơn thịt nội địa, đang được nhiều đơn vị chào bán trong siêu thị, trên mạng và đã tràn ra cả chợ dân sinh. Giá thịt bò Mỹ chỉ khoảng 200.000 đồng/kg (rẻ hơn giá thịt bò trong nước từ 30.000 - 50.000 đồng/kg), bắp bò Úc giá 250.000 đồng/kg, đùi gà Mỹ chỉ 50.000 đồng/kg (rẻ bằng nửa giá đùi gà công nghiệp trong nước)… Người bán đều cam đoan các sản phẩm có giấy chứng nhận, kiểm dịch rõ ràng. Lượng thịt này cũng đang được tiêu thụ khá nhiều, chủ yếu là quán ăn, nhà hàng, khách sạn...

Theo số liệu của Hội Chăn nuôi Việt Nam, giá thành sản xuất lợn thịt ở Mỹ thấp hơn 25 - 30% so với ở Việt Nam. Thịt bò Australia - loại nhập bò sống về Việt Nam để giết mổ, sau khi trừ các chi phí vận chuyển, thuế, kiểm dịch... là khoảng 170.000 - 180.000 đồng/kg. Trong khi đó, thịt bò nuôi tại Việt Nam giá trên dưới 200.000 đồng/kg.

Giá thịt nhập khẩu có biến động theo từng ngày nhưng không chênh lệch quá lớn (Ảnh: N.Thảo)

Nguyên nhân thịt ngoại giá rẻ hơn là vì một số mặt hàng như: Chân, đùi, nội tạng… thường là phụ phẩm ở nước ngoài nhưng lại là “đặc sản” ở Việt Nam. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng trong nước về loại thịt này ngày càng cao cộng với giá cả cạnh tranh đang là lý do chính khiến số lượng thịt nhập khẩu về Việt Nam ngày càng tăng. Đặc biệt thịt gà Mỹ có giá rẻ hơn nhiều so với gà nuôi trong nước.

Đáng chú ý, trong năm nay, Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại tự do TPP, trong đó có những đối tác lớn như thịt bò Australia, thịt lợn Đan Mạch, thịt gà Thái Lan, nhiều mặt hàng thịt từ Mỹ… Do đó, trên thị trường, nguồn thịt lớn từ các nước lớn có ngành chăn nuôi phát triển sẽ ngày càng tấn công sâu rộng và thị trường Việt Nam. Người tiêu dùng sẽ có nhiều cơ hội để dùng các sản phẩm thịt ngoại chất lượng với giá cả phải chăng.

Thịt ngoại liệu có tốt 100%?

Một lãnh đạo Hội chăn nuôi Việt Nam đã từng thừa nhận, sản phẩm ngoại đang lấn át hàng Việt về giá. Tuy nhiên, đa phần các sản phẩm này kém tươi hơn so với hàng Việt Nam. Riêng một số loại thuộc nhóm phụ phẩm như: Chân gà, cánh gà, đùi gà, nội tạng gia súc/gia cầm… thì do các nước Mỹ, châu Âu gần như không tiêu thụ nên họ bán khá rẻ cho các nước muốn nhập khẩu, thậm chí có những sản phẩm đã gần hết hạn sử dụng bán với giá gần như cho.

Thêm nữa, ở nhiều quốc gia, các loại phụ phẩm gia súc và gia cầm đều bị buộc phải tiêu hủy hoặc làm phân bón. “Nhiều siêu thị ở các nước này để cả phụ phẩm gia súc, gia cầm tại cửa siêu thị mong người dân lấy đi để không tốn tiền tiêu hủy. Nhưng Việt Nam lại ăn hàng thải của họ”, chủ một doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm tiết lộ.

Ví dụ như mặt hàng thịt bò Australia, theo nhiều nhà nhập khẩu thì thịt bò chủ yếu là bò sữa ở nước ngoài đã qua vắt sữa nhưng không ăn thịt, sau đó chuyển sang bán cho Việt Nam… Điều này, phần nào minh chứng cho việc, thực phẩm đưa về Việt Nam phải chăng là đồ hết hạn, thải loại?

Đối với các thực phẩm sạch, dù có là phụ phẩm nhưng nếu vẫn đảm bảo vệ sinh, đảm bảo chất lượng thì không sao, nhưng đối với các thực phẩm “bẩn” đội lốt “đã qua kiểm dịch, đã được chứng nhận” sẽ gây ra nguy hại khôn lường.

BS. Trần Văn Ký - phụ trách văn phòng phía Nam của Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam cho biết, các loại thịt động vật không đạt chuẩn thường bị nhiễm các loại vi khuẩn như: E.coli hay Campylobacter jejun (hai loại vi khuẩn thường có nhiều trong nội tạng của động vật). Khi ăn phải các loại thực phẩm có chứa vi khuẩn này rất dễ xảy ra ngộ độc với biểu hiện tiêu chảy, nôn và làm hư thận. Ngoài bị nhiễm các loại vi khuẩn gây ngộ độc, các loại phụ phẩm gia súc, gia cầm bẩn trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ thường bị ngâm tẩm hóa chất, các phụ gia độc hại nên khi ăn phải các loại thực phẩm này rất nguy hiểm đến sức khỏe.

Chính vì vậy, nếu như Nhà nước không quan tâm đến khâu kiểm soát chất lượng hàng nhập ngoại, thì người tiêu dùng Việt sẽ phải “đối diện với cái chết từ từ, đặc biệt là giới công nhân, những người phải ăn thịt nhập ngoại giá rẻ”.

Dù là sản phẩm nhập ngoại cũng vẫn có loại tốt và loại chưa thực sự tốt như người tiêu dùng mong đợi. Trước khi mua hàng nhập khẩu nên chú ý đến thời gian nhập khẩu cũng như nhóm hàng ưa chuộng. Bởi lẽ, nếu cứ chăm chăm vào giá rẻ, dễ mua nhầm sản phẩm kém chất lượng, thậm chí đã quá hạn.
BT H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn