Những người suýt chết, tàn phế vì thử thuốc sai lệch

Các cuộc thử nghiệm thuốc luôn tiềm ẩn rủi ro - Ảnh: Telegraph

Thuốc mới trị ung thư não sắp được thử nghiệm

Thử nghiệm thành công gel dán nano phôi phục mô mềm

Thử nghiệm thành công thuốc điều trị sởi đầu tiên trên thế giới

Thử nghiệm thành công loại thuốc có thể ngăn chặn bệnh sởi

Trong quá khứ, đã có không ít scandal thử thuốc khiến ngành dược lao đao.

Theo AFP, hiện nhà chức trách Pháp đã mở ba cuộc điều tra riêng biệt về phòng thí nghiệm Biotrial ở thành phố Rennes.

Cơ sở này tổ chức chương trình thử nghiệm thuốc cho công ty dược Bồ Đào Nha Bial. Các nhà điều tra Pháp sẽ xác định bi kịch từ cuộc thử thuốc xuất phát từ lỗi kỹ thuật hay từ một chất trong loại thuốc được thử nghiệm.

Loại thuốc này có tác dụng chữa các bệnh rối loạn tâm lý. Tổng cộng 90 người tình nguyện khỏe mạnh đã tham gia thử thuốc. Chính quyền cho biết trong số các nạn nhân, có ba người nhiều khả năng cũng sẽ bị tổn thương não vĩnh viễn.

Nhưng tấn thảm kịch ở Rennes không phải là vụ thử thuốc thảm họa đầu tiên. Đã từng có nhiều chương trình thử nghiệm thuốc đầy hứa hẹn nhưng kết thúc với những cái chết và chấn thương khó hiểu.

Thảm họa Northwick Park

Năm 2006, công ty dược Đức TeGenero được cấp phép thử nghiệm kháng thể nhân tạo TGN1412 tại Bệnh viện Northwick Park ở London (Anh).

Các thử nghiệm trên khỉ cho thấy thuốc chữa trị tốt ung thư máu và viêm khớp mạn tính. Mỗi người tình nguyện tham gia thử thuốc được trả mức phí 2.000 bảng Anh.

Sau khi uống thuốc, sáu người tình nguyện khỏe mạnh đổ gục xuống và lập tức được đưa vào phòng cấp cứu. Tất cả đều suýt chết, bốn trong số đó vật lộn với tử thần nhiều ngày do hàng loạt bộ phận cơ thể như hệ miễn dịch, gan, thận... suy yếu trầm trọng.

Dù thoát chết nhưng hệ miễn dịch của họ bị tổn thương trầm trọng. Một số bệnh nhân sau đó bị cụt ngón tay và ngón chân. Họ mô tả luôn có cảm giác đầu mình bốc cháy và mắt muốn lồi ra ngoài.

Ngành dược cả thế giới chấn động mạnh. Công ty TeGenero rơi vào cảnh phá sản ngay trong năm 2006 và được một công ty Nga mua lại.

Đầu năm 2007, các nhà khoa học xác định thuốc TGN1412 phản ứng trong cơ thể người hoàn toàn khác trong cơ thể động vật. Bộ Y tế Anh sau đó đã thắt chặt các quy định quản lý quy trình thử nghiệm thuốc.

Bồi thường 75 triệu USD

Năm 2009, tập đoàn dược khổng lồ Pfizer quyết định chi 75 triệu USD để bồi thường cho các nạn nhân trong chương trình thử nghiệm thuốc tai hại hồi năm 1996 khiến 11 trẻ em ở Nigeria thiệt mạng.

Khi đó, Pfizer tổ chức chương trình thử nghiệm thuốc Trovan trị bệnh viêm màng não trên 200 trẻ em ở Kano, Nigeria. Trong thời điểm đó, ở Kano đang xảy ra đại dịch viêm màng não, sởi và tả khiến hơn 12.000 người thiệt mạng.

Theo Chính phủ Nigeria, Pfizer thử thuốc mà không có giấy phép của nhà chức trách. Tổng cộng 11 trẻ em thiệt mạng sau khi uống thuốc Trovan, ngoài ra 189 trẻ em khác bị mù, điếc, tê liệt và tổn thương não.

Chính quyền bang Kano và các nạn nhân đâm đơn kiện đòi Pfizer bồi thường 2,75 tỷ USD. Nhưng rốt cuộc vụ kiện đã được dàn xếp với số tiền bồi thường chỉ là 75 triệu USD.

Sau đó thuốc Trovan được sử dụng hạn chế tại Mỹ. Năm 1999, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo các bác sĩ không kê đơn thuốc Trovan vì nó có dính líu tới sáu trường hợp thiệt mạng và 14 trường hợp suy gan nghiêm trọng.

Một năm sau, thuốc Trovan bị đình chỉ tại Mỹ.

Thuốc giảm cholesterol gây chết người

Năm 2006, đại gia dược Pfizer cũng phải ngừng thử nghiệm loại thuốc torcetrapib có tác dụng giảm lượng cholesterol và ngăn ngừa các bệnh tim mạch. Pfizer đã tốn khoảng 800 triệu USD để phát triển và thử nghiệm loại thuốc này với kỳ vọng nó sẽ đem lại doanh thu lên tới hàng tỷ USD.

Tuy nhiên, cuộc thử nghiệm trên 15.000 người dẫn tới 82 trường hợp thiệt mạng.

Các nghiên cứu sau đó cho thấy torcetrapib làm tăng huyết áp, dẫn tới các vấn đề về tim mạch và không có bất kỳ tác dụng chữa bệnh nào đáng kể. Đến nay vẫn còn rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp về thảm họa torcetrapib.

Chết vì liệu pháp gene

Jesse Gelsinger, 18 tuổi, là người đầu tiên chết trong một cuộc thử nghiệm liệu pháp gene. Gelsinger bị mắc bệnh gan do đột biến gen và tham gia cuộc thử nghiệm do Viện Liệu pháp gen thuộc ĐH Pennsylvania (Mỹ) thực hiện năm 1999.

Gelsinger được tiêm véctơ đưa gene đã điều chỉnh vào cơ thể. Bốn ngày sau, Gelsinger qua đời vì chết não và các bộ phận trong cơ thể đồng loạt suy yếu.

Điều tra của FDA cho thấy các nhà khoa học tham gia cuộc thử nghiệm đã vi phạm một số quy định an toàn.

Gelsinger vẫn được thử thuốc dù xét nghiệm cho thấy anh có tỷ lệ ammonia cao, không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn. Sau đó ĐH Pennsylvania đã bồi thường cho gia đình nạn nhân một số tiền không tiết lộ.

Cần hiểu rõ nguy cơ

Các cơ quan y tế quốc tế đều đưa ra khuyến cáo cần thiết về lợi ích và nguy cơ đối với những người tình nguyện tham gia thử thuốc. Khuyến cáo luôn ghi rõ việc sử dụng thuốc thử nghiệm có thể dẫn tới các tác dụng phụ nghiêm trọng, thậm chí gây chết người.

Dù vậy, những lợi ích mà người tình nguyện được thụ hưởng cũng rất đáng kể, đó là tiếp cận với liệu pháp mới, được chăm sóc y tế tại trung tâm hàng đầu, tự chủ động trong kế hoạch chăm sóc y tế bản thân và đóng góp vào sự phát triển của y học.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin