Trước tình hình này, theo AFP, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã đưa ra một số hướng dẫn về cách mọi người chủ động bảo vệ chính mình và ngăn chặn bệnh Ebola.
Theo đó, mọi người phải theo dõi các triệu chứng khi mắc bệnh như sốt, nhức đầu, đau cơ, khớp, suy nhược, tiêu chảy, nôn mửa, đau dạ dày, biếng ăn và trong một số trường hợp có thể dẫn đến xuất huyết. “Ebola không lây nhiễm cho đến khi các triệu chứng này xuất hiện”, ông Stephan Monroe, Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia về bệnh dịch và bệnh truyền nhiễm từ động vật thuộc CDC nói.

Đội ngũ của Tổ chức Thầy thuốc không biên giới chuẩn bị mang thức ăn cho các bệnh nhân bị cách ly tại trung tâm điều trị ở Kailahun
Ngoài ra, WHO cũng cảnh báo những người đàn ông đã khỏi bệnh Ebola vẫn có khả năng lây bệnh trong bảy tuần sau đó qua tinh dịch của họ. Bên cạnh đó chúng ta cũng cần tránh tiếp xúc với thi thể bệnh nhân nhiễm Ebola. WHO khuyến cáo đối với thi thể người bệnh, cách tốt nhất và an toàn nhất là hỏa thiêu. Trong khi đó CDC khuyến cáo cần cách ly theo dõi ngay những trường hợp bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của bệnh.
Đối với nhân viên y tế, hai tổ chức trên kiến nghị nên tuân thủ các biện pháp phòng ngừa như mang khẩu trang, găng tay và áo dài tay để bảo vệ bản thân khi điều trị cho bệnh nhân. Đặc biệt, chúng ta cần tránh ăn thịt tái hoặc sống, bởi Ebola có thể lây nhiễm sang người từ máu, nội tạng hay chất dịch của các loài động vật nhiễm virus này. Thời gian ủ bệnh của Ebola kéo dài 21 ngày và đến nay vẫn chưa có vaccine ngừa Ebola cho người hay động vật.
Bình luận của bạn