2015: Tăng cường cảnh giác với các dịch bệnh lạ

Cả thế giới đang đứng trước nguy cơ của nhiều loại dịch bệnh lạ

Sẽ trực dịch bệnh 24/24 trong dịp lễ, tết

Online ứng phó tình huống bùng phát dịch bệnh truyền qua thực phẩm

Tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh mùa Đông – Xuân

Dịch bệnh hiếm gặp bùng phát tại Bồ Đào Nha

Dịch bệnh Ebola tiếp tục đe dọa an ninh y tế thế giới

Dịch bệnh diễn biến phức tạp trong năm 2014

Mặc dù dịch bệnh Ebola xuất hiện trên thế giới từ năm 1976 nhưng năm 2014 bùng phát mạnh mẽ nên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố tình trạng khẩn cấp đối với sức khỏe cộng đồng.

Ngoài ra, bệnh sởi ghi nhận ở 175/194 quốc gia và vùng lãnh thổ; Cúm A/H7N9 tiếp tục có số mắc cao và diễn biến phức tạp tại Trung Quốc; Dịch MERS-CoV, bại liệt, dịch hạch… có nguy cơ bùng phát mạnh trở lại sau một thời gian tạm lắng xuống.

Trong nước, bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng đang có nguy cơ bùng phát mạnh nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Nguyên nhân là do sự biến đổi của các tác nhân gây bệnh, vấn đề ô nhiễm môi trường, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường yếu kém, đô thị hóa, biến đổi khí hậu… đặc biệt sự giao lưu đi lại của người dân ngày càng rộng rãi tạo điều kiện cho dịch bệnh nhanh chóng lan truyền từ vùng này sang vùng khác.

Cần phải chủ động trước nguy cơ dịch cúm gia cầm

Nhận định về kết quả phòng chống dịch năm 2014, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết: “Quả thực là rất vất vả, nhưng cũng đã đạt được kết quả quan trọng, đồng thời cũng rút ra được những kinh nghiệm, bài học, cần phải có giải pháp tích cực cho những năm tới. Trước tiên là việc khống chế không cho sự xâm nhập của dịch bệnh Ebola, MERS-CoV, dịch hạch xâm nhập vào Việt Nam. Dịch cúm A/H7N9 bùng phát mạnh ở Trung Quốc 2 vụ dịch liên tiếp, thậm chí có cả ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) giáp biên giới nước ta, song chúng ta cũng chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh…”.

Đồng thời, các dịch bệnh lưu hành trong nước như cúm A/H5N1, sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt rét, dại... đều có số mắc và tử vong giảm đáng kể so với giai đoạn 2006 - 2013. Việt Nam tiếp tục giữ vững thành quả thanh toán bại liệt và loại trừ uốn ván sơ sinh.

Cảnh giác với dịch bệnh lạ năm 2015

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu: “Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường; Các bệnh dịch mới phát sinh, bệnh nguy hiểm cũng có thể xảy ra. Dịch bệnh Ebola ở Châu Phi chưa khống chế được; Dịch cúm trên gia cầm và trên người đang bùng phát ở nhiều nơi. WHO cũng đang cảnh báo sự quay trở lại của một số bệnh dịch cũ như lao, sốt rét, HIV, nguyên nhân có thể do kháng thuốc, sự giao lưu, đi lại giữa các quốc gia, sự biến đổi khí hậu…”.

Dịch bệnh Ebola vẫn đang hoành hành trên thế giới chưa có dấu hiệu giảm

Để chuẩn bị tốt công tác phòng chống dịch trong năm 2015, Bộ Y tế đã chủ động xây dựng các kế hoạch phòng chống dịch bệnh theo từng tình huống dịch bệnh, trong đó đẩy mạnh các hoạt động giám sát, phát hiện sớm và xử lý ngay khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông đại chúng tuyên truyền, thông tin kịp thời tới người dân về tình hình dịch bệnh và các khuyến cáo, biện pháp phòng bệnh; Tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch chủ động, sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện, ứng dụng khoa học tiên tiến trong phòng chống dịch bệnh.

Đồng thời đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra việc triển khai, thực hiện các hướng dẫn chuyên môn tại các đơn vị, địa phương; Cần phải ứng phó kịp thời, khoa học và hiệu quả trên tinh thần trách nhiệm, quyết tâm và quyết liệt; Liên tục đặt trong trạng thái sẵn sàng, chủ động phòng chống dịch.

Hướng dẫn diệt, chống muỗi cho người dân nhằm phòng chống bệnh sốt xuất huyết

Mỗi bệnh dịch có một đặc điểm riêng, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch một cách phù hợp mới mang lại hiệu quả được. Bệnh nào là sử dụng vaccine, bệnh nào diệt vector (muỗi, bọ chét…), bệnh nào thực hiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… Việc phòng chống phải dựa trên sự tham gia mạnh mẽ của chính quyền các cấp và huy động cả cộng đồng. Về lâu dài là phải giải quyết tốt được vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, nâng cao các ý thức, giáo dục người dân thay đổi hành vi phòng bệnh, thay đổi tập quán, cách sống lạc hậu đảm bảo phòng bệnh chủ động.

Một yếu tố quan trọng trong công tác phòng chống dịch, bệnh là ý thức, trách nhiệm của người dân. Hãy coi phòng chống dịch bệnh là một phần trách nhiệm của mình. Khi có dịch xảy ra cả cộng đồng phải chung tay phòng chống dịch. Đồng thời Nhà nước có chính sách để  hệ thống y tế nói chung và y tế dự phòng nói riêng có đủ năng lực để tham mưu và triển khai tốt các hoạt động phòng chống dịch.

“Việc công khai và cập nhật tình hình dịch bệnh sẽ giúp người dân, cộng đồng chủ động hơn trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; Tuy nhiên việc truyền tải thông tin như thế nào là rất quan trọng”, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết.
Vi Dũng H+ (Theo vncdc)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn