28 người tử vong do chó dại cắn

Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay, từ đầu năm 2014 đến nay đã có 9 tỉnh, thành phố có báo cáo về trường hợp chó nghi mắc bệnh dại bao gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Yên Bái.

Thống kê sơ bộ cho thấy, cả nước có khoảng 10 triệu con chó và từ năm 2009 đến nay đã phát hiện 865 con chó bị bệnh dại, trong khi đó tỉ lệ tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó tại các địa phương đạt thấp (dưới 60%).

Từ đầu năm đến nay, cả nước đã phát hiện rất nhiều trường hợp chó mắc bệnh dại, nghi mắc bệnh dại, chó lạ, chó thả rông cắn người tại nhiều tỉnh phía Bắc, gây tâm lý hoang mang trong xã hội, làm nhiều người chết.

Trước tình hình bệnh dại xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có công điện yêu cầu các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc, khẩn trương thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự phát sinh, lây lan bệnh dại, giảm xuống mức thấp nhất số người bị chó cắn và tử vong.

Theo đó, cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết chó nghi mắc bệnh dại, các biện pháp phòng chống hiệu quả; các địa phương có bệnh dại cần công bố bệnh định kỳ; nghiêm cấm vận chuyển, buôn bán chó trong vùng dịch; tổ chức quản lý chó nuôi theo quy định và tiêm phòng bổ sung vắc xin dại cho toàn bộ chó, mèo trong vùng dịch; tổ chức bắt giữ và xử lý đối với chó thả rông...

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng yêu cầu các địa phương rà soát số lượng chó, mèo nuôi trên địa bàn và kết quả tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo, đảm bảo tỉ lệ tiêm phòng đạt trên 80% so với tổng đàn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Cách truyền lây:

- Bệnh lây chủ yếu qua vết cắn, virút dại được truyền trực tiếp từ chó dại sang chó khỏe và người qua nước bọt tại vết cắn.

- Virút có nhiều trong nước bọt của thú mang bệnh dại. Qua vết cắn, liếm vết thương của người hoặc con vật khác, virút sẽ xâm nhập vào cơ thể, nhân lên và hướng tới hệ thần kinh, phá huỷ mô thần kinh, gây nên những kích động điên dại và kết thúc bằng cái chết.

- Nếu ở vùng có dịch bệnh dại, các chất thải như: nước dãi, nước tiểu, . . .của động vật bị bệnh dại chứa hàm lượng virút cao cũng có nguy cơ lây nhiễm đối với các động vật đã có vết thương hở. Đặc biệt, virút dại đã có trong nước bọt của chó, mèo từ 10 - 15 ngày trước khi con vật phát bệnh, vì vậy tại thời điểm này nếu người bị chó, mèo cắn, liếm hoặc tiếp xúc trực tiếp với con vật thì người rất dễ bị lây nhiễm virút dại, tuy nhiên do con vật chưa có triệu chứng lâm sàng nên người dễ bỏ qua mà không chú ý đề phòng.

Khuyến cáo của các chuyên gia để phòng chống bệnh dại:

- Hạn chế nuôi chó.

- Tiêm phòng dại cho chó.

- Chó nuôi phải xích, nhốt.

- Chó ra đường phải có rọ mõm.

- Người bị chó, mèo nghi dại cắn phải đi tiêm phòng dại sớm, đầy đủ.

Cách xử trí khi bị súc vật nghi dại cắn:

- Rửa thật kỹ vết cắn bằng xà phòng và các chất sát khuẩn để diệt virus dại.

- Nếu phải cắt lọc vết thương chỉ được khâu trong trường hợp vết cắn đã quá 5 ngày.

- Cần đến ngay cơ sở y tế khi: Bị cắn nhiều vết nguy hiểm; Bị cắn ở đầu, mặt, cổ, đầu chi, bộ phận sinh dục; Không theo dõi được con vật.

- Phải tiêm vắcxin phòng dại và kháng dại sớm.

- Không nên điều trị thuốc Nam khi bị chó, mèo dại cắn.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin