4 năm chiến thắng tử thần

Người viết gặp anh Nguyễn Văn Thu, 62 tuổi (Lương Khánh Thiện, Hải Phòng) tại phòng khám của bác sỹ Phan Văn Bình – Phó khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện K. Cứ 3 tháng một lần, anh Thu lại lên viện kiểm tra lại vết mổ ung thư trực tràng từ 4 năm trước. Kết quả kiểm tra cho thấy sức khỏe của anh Thu vẫn tốt, không thấy dấu hiệu di căn của khối u.


“So với những lần khám trước, lần tái khám này với tôi khá căng thẳng. Cách đây 6 tuần, tôi đã đưa tiễn người bạn, cùng bệnh, cùng thời gian điều trị và cùng được phẫu thuật cắt bỏ khối u như tôi, thậm chí là phẫu thuật trước tôi 3 tháng. Nhưng cách đây 6 tháng, anh có đến nhà và tâm sự về sự tái phát của căn bệnh, phải điều trị lại. Giờ cầm kết quả xét nghiệm của lần tái khám này, tôi mới thực sự yên tâm. Tôi không mong gì nhiều, chỉ cần căn bệnh thực sự ổn định là vui rồi”, anh Nguyễn Văn Thu cho biết.

Từ tuyệt vọng đến niềm vui khôn tả
Viện lý do dạo này trí nhớ không còn như trước, anh Thu nói rằng chẳng nhớ chính xác mình phát bệnh từ lúc nào. Chỉ nhớ, từ lúc phẫu thuật lấy khối u đến nay đã được gần 4 năm (năm 2009). Thời gian trước khi lên bàn phẫu thuật lấy khối u cũng là hơn một năm đấu tranh tâm lý, giữa phẫu thuật hay không.

Anh Thu kể, khoảng đầu năm 2008, anh bị một đợt tiêu chảy mà không có nguyên nhân. Mua thuốc uống nhưng không dứt nên người mệt mỏi, sức khỏe giảm sút. Hơn 1 tháng trong tình trạng này, anh mới đi khám. "Cầm kết quả K trực tràng thấp trên tay mà tôi bàng hoàng. Tôi chẳng nhớ lúc ấy mình có phản ứng gì nữa. Hình như cả hai vợ chồng tôi ngồi ở bệnh viện đó rất lâu, mãi mới đứng lên về nhà. Về đến nhà, tôi vào phòng nằm, không muốn tin vào điều đã xảy ra, cũng không muốn đi khám nữa. Lúc đấy, tôi chỉ muốn tin, đây chỉ là một giấc mơ, không phải thực tại phũ phàng mà gia đình tôi phải chấp nhận", anh Thu kể.

Hơn một tháng sau, với sự động viên của bạn bè, vợ con, anh chị em trong gia đình, anh Thu mới đi khám lại tại Bệnh viện K. Vẫn là K trực tràng thấp, giai đoạn 3A. Bệnh viện chuyển anh xuống Cơ sở 2 Tam Hiệp để điều trị và có chỉ định phẫu thuật. Nếu không phẫu thuật thì chỉ sống thêm được khoảng 15 tháng. "Lúc đấy, tôi có hỏi bác sỹ là sau phẫu thuật tôi có được nối lại hậu môn không hay phải đeo hậu môn ngoài? Bác sỹ điều trị lúc đó không dám chắc chắn nên tôi bỏ về, không điều trị nữa. Vợ con được một phen khóc hết nước mắt, khuyên giải mãi không thôi", anh Thu cho biết.

Về nhà, lần theo những loại thuốc Nam, thuốc Bắc, chỗ nào có người khỏi bệnh bằng phương pháp gì anh và người nhà cũng cố tìm đến để hỏi thật ky nhưng rồi cũng chẳng theo được đến cùng. Đến khi sức khỏe xuống dốc quá nên anh lại quay lại bệnh viện điều trị. "Lần này, tôi được chỉ định xạ trị, chuẩn bị cho phẫu thuật. Kết quả rất tốt. Thấy tôi không muốn phẫu thuật vì lo không nối được hậu môn, bác sỹ Hưng – khoa Xạ trị – đã khuyên tôi nên phẫu thuật. Anh động viên, phân tích cho tôi những điểm lợi, bất lợi của phẫu thuật và không phẫu thuật để tôi cân nhắc. Nên tôi đồng ý. Và điều may mắn nữa là tôi gặp được bác sỹ Phan Văn Bình – Phó trưởng khoa Ngoại Tổng hợp.

Trước phẫu thuật, bác sỹ Bình đã có buổi nói chuyện chân tình với tôi. Bác sỹ Bình hứa, dù chỉ là xác suất nhỏ nhất cũng sẽ nối hậu môn nhân tạo cho tôi, để tránh những bất tiện mà việc đeo hậu môn ngoài gây ra. Nhưng đấy là nếu chưa có hiện tượng di căn. Sau mấy ngày cân nhắc, tôi quyết định phẫu thuật. Ca mổ diễn ra tốt đẹp. Rất may, khối u chưa di căn và bác sỹ đã lấy được hết khối u ra khỏi cơ thể, lại còn nối được hậu môn nhân tạo cho tôi. 10 ngày sau, tôi được xuất viện, điều trị tại nhà với thuốc và thực phẩm chức năng", anh Thu tiếp.

Lần tái khám đầu tiên, tôi lo lắm, rất may vết mổ tốt, không có hiện tượng di căn. Từ đó, cứ 3 tháng tôi lại đi khám lại và lấy thuốc. Cho đến giờ, cuộc sống của tôi gần như trở lại như bình thường, chỉ có chút xíu bất tiện do hậu môn nhân tạo đem lại thôi. Tâm lý cũng đã thoải mái hơn nhiều so với những tháng sau phẫu thuật. Nhưng thế đã là may mắn lắm rồi. Tôi vẫn đùa với vợ con rằng, sau phẫu thuật ung thư, có được sức khỏe thể chất và tinh thần tốt như tôi thì hiếm lắm đấy. Có lẽ, tôi đã thắng được căn bệnh ung thư rồi nhỉ...", anh Thu cười.

May mắn do phát hiện sớm

Thạc sỹ Phan Văn Bình, Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện K

Thạc sỹ Phan Văn Bình, phó khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện K nhận định, trường hợp của anh Nguyễn Văn Thu khá may mắn bởi phát hiện bệnh ở giai đoạn không quá muộn, đáp ứng tốt với quá trình điều trị dù từ khi phát hiện bệnh đến lúc bệnh nhân chấp nhận phẫu thuật kéo dài khá lâu. Bác sỹ Bình giải thích: Xét nghiệm trước phẫu thuật, anh Thu đang ở giai đoạn 3A ung thư trực tràng thấp. Nhưng chưa phẫu thuật chưa thể xác định được mức độ di căn của bệnh. Đây cũng chính là điều khiến bệnh nhân băn khoăn trì hoãn quyết định phẫu thuật. Bản thân người bệnh muốn được nối hậu môn nhân tạo để tránh những bất lợi tâm lý và thực thể cho cuộc sống sau này. Nhưng điều này chỉ có thể thực hiện được nếu không có di căn, mà chỉ có thể chắc chắn sau khi phẫu thuật mà thôi. Sau rất nhiều lần phân tích, anh Thu mới chấp nhận. Rất may, không có hiện tượng di căn sang các bộ phận khác nên đã có thể bóc tách hết khối u khỏi cơ thể, nối hậu môn nhân tạo – giảm cho người bệnh những bất tiện trong cuộc sống và những bất ổn trong tâm lý. Thêm vào đó là bệnh nhân đáp ứng tốt với hóa trị và xạ trị. Dù sau phẫu thuật có hiện tượng nhiễm trùng nhưng cũng hồi phục nhanh. Bệnh nhân cũng thực hiện đầy đủ những yêu cầu trị liệu sau phẫu thuật. Hiện nay, 4 năm sau phẫu thuật bóc bỏ khối u, những xét nghiệm kiểm tra định kỳ cho thấy bệnh nhân không có dấu hiệu di căn, sức khỏe tốt. Vết mổ và vết nối hậu môn nhân tạo tốt. Tâm lý bệnh nhân tốt... Nên có thể gọi là một thắng lợi lớn trong điều trị ung thư.

ThS. Phan Văn Bình cho biết thêm: “Cũng có nhiều bệnh nhân giống anh Thu, rất sợ phẫu thuật với quan điểm “Động dao kéo vào người thì ung thư phá nhanh hơn, tử vong nhanh hơn”. Đây là quan điểm hoàn toàn sai lầm, bởi điều trị ung thư là một quá trình kết hợp: xạ trị, phẫu thuật, hóa trị – tạo cơ hội cho người bệnh ổn định bệnh tật, kéo dài sự sống. Nên người bệnh không nên bi quan, không nên bỏ phẫu thuật khi được chỉ định.

Bệnh nhân cũng thường hỏi tôi về việc sử dụng thêm các loại thuốc Nam, thuốc Bắc hay TPCN. Theo tôi, việc bệnh nhân sử dụng kết hợp TPCN hay thuốc truyền thống cũng là một cách tốt. Bởi, việc sử dụng kết hợp này sẽ giúp người bệnh ổn định về tâm lý, tuân thủ tốt hơn quá trình điều trị. Hay như với TPCN, sẽ giúp người bệnh tăng cường sức đề kháng, giúp cơ thể khỏe lên, đáp ứng với thuốc điều trị tốt hơn thì không nên ngăn cản họ sử dụng. Nhưng trước khi sử dụng, người bệnh cũng nên tham vấn ý kiến bác sỹ để có được sự kết hợp tốt nhất”.

thuychi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin