6 điều nên và không nên khi đi khám chữa bệnh

Dưới đây là 6 điều mà gia đình và bệnh nhân nên làm khi đi khám chữa bệnh

1. Tìm thầy thuốc đúng chuyên khoa

Không ít cơ sở y tế trưng biển quảng cáo có giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ “giỏi”, đã hoặc đang công tác tại các “bệnh viện nổi tiếng”, là thầy thuốc “ưu tú, nhân dân”, có kinh nghiệm nhiều năm công tác, đã tu nghiệp ở nước ngoài…, tham gia khám chữa bệnh, nhưng thực tế lại không như vậy. Trong nhiều trường hợp, các thầy thuốc có tên không hề tham gia khám chữa bệnh tại thời điểm quảng cáo.

Một trường hợp khá phổ biến nữa là cơ sở y tế có chuyên gia đúng như quảng cáo nhưng bác sĩ thuộc chuyên ngành này lại nhận khám cho bệnh nhân chuyên ngành khác. Chẳng hạn bác sĩ chuyên ngành thần kinh khám và điều trị cho bệnh nhân tâm thần. Người bệnh và gia đình, hoặc do thiếu hiểu biết, hoặc do sợ bị kỳ thị, có thể chấp nhận để bác sĩ chuyên khoa thần kinh khám cho người bệnh tâm thần. Họ không hiểu rằng thần kinh và tâm thần là hai lĩnh vực khác xa nhau, và không có gì đảm bảo là bác sĩ thần kinh giỏi sẽ điều trị tốt các bệnh tâm thần.

Vụ án phòng khám Cát Tường, khi một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ, là một ví dụ minh chứng cho sự nguy hiểm khi người bệnh phó thác tính mạng cho bác sĩ không đúng chuyên khoa mình cần. Tốt nhất, gia đình nên tìm hiểu trước xem thầy thuốc mình định khám có đúng như quảng cáo không, có thuộc chuyên khoa mình cần khám hay không. Ở các nước phát triển, chính phủ buộc các thầy thuốc phải hành nghề đúng với bằng cấp chuyên khoa mình được cấp phép.

Một thầy lang tự quảng cáo có khả năng chữa khỏi các bệnh ung thư từng bị báo chí lật tẩy. Ảnh có tính minh họa

2. Không vội tin vào lời tuyên truyền của thầy thuốc về tài năng của họ

Cố gắng dùng nhiều kênh khác nhau để kiểm chứng thông tin, nếu có thể. Trên thực tế, không ít bệnh nhân đã trở thành nạn nhân của một số bác sĩ không trung thực. Những người này liên kết với nhau, chuyển người bệnh đến hết thầy thuốc này tới thầy thuốc khác. Như trái bóng bị đá đi đá lại, người bệnh có thể bị hao tổn nặng nề về sức lực và tài chính.

3. Không tự đề nghị thầy thuốc cho mình làm xét nghiệm, xin kê thuốc đắt tiền, không đề nghị được tiêm truyền

Gia đình và bệnh nhân nên cẩn thận với các bác sĩ thường xuyên yêu cầu làm lại xét nghiệm, chụp chiếu đắt tiền không cần thiết, với lý do cho "cẩn thận". Nếu phát hiện thầy thuốc có những đề nghị bất thường, nên tìm những người khác tin cậy để hỏi lại.

Theo đúng chuẩn mực, thầy thuốc cần quan sát và hỏi bệnh kỹ, rồi thăm khám lâm sàng, nếu cần thiết mới cho người bệnh làm thêm xét nghiệm. Người thầy thuốc tốt sẽ luôn tự hỏi xét nghiệm này có thật cần thiết không, có giúp ích gì cho chẩn đoán và điều trị không, bệnh nhân có khả năng chi trả hay không… Khi kê đơn, họ cũng đặc biệt lưu tâm tới khả năng chi trả của bệnh nhân, cố gắng chọn loại thuốc hiệu quả mà kinh tế. Thuốc đắt không nhất thiết là thuốc tốt, và thuốc rẻ không nhất thiết là thuốc tồi. Điều quan trọng là chọn đúng thuốc đúng bệnh.

Khi thấy bác sĩ kê nhiều loại thuốc đắt tiền, chẳng hạn các thuốc được quảng cáo là bổ gan, bổ não, tăng cường miễn dịch… hãy hỏi rõ về tác dụng của thuốc, vì sao phải dùng thuốc và có nhất thiết phải dùng thuốc này không. Với các loại thuốc điều trị đắt tiền, hãy hỏi xem có lựa chọn tương đương với giá thấp hơn không…

4. Cảnh giác với các thầy thuốc kê đơn kèm theo lời giải thích chỉ có thể mua thuốc ở địa điểm họ giới thiệu hoặc ở chính nơi bạn khám.

5. Hiểu rõ quyền của người bệnh, gạt bỏ tâm lý sợ thầy thuốc

Nếu chưa hiểu tường tận về chẩn đoán, cách điều trị và dự phòng căn bệnh của mình thì đừng ngần ngại đặt câu hỏi cho thầy thuốc. Không phải bao giờ bạn cũng được giải thích hợp lý nhưng nếu không hỏi bạn sẽ chẳng bao giờ có được câu trả lời.

6. Đừng vội tin những lời hứa hẹn của thầy thuốc

Đừng vội tin rằng họ có thể chữa cho bạn khỏi hẳn bệnh, nhất là với những bệnh mạn tính. Tránh cam kết nếu chữa khỏi thì hết bao nhiêu cũng chịu, điều này có thể đẩy một số thầy thuốc vào những việc làm thiếu đạo đức.

6 lưu ý trong sử dụng thuốc điều trị

1.Không tự mua thuốc điều trị.

2. Không sử dụng lặp lại nhiều lần đơn thuốc đã hết hiệu lực mà không đi khám lại.

3. Tránh bày cho người khác sử dụng đơn thuốc như của mình mà không khuyên họ đi khám bệnh và làm theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Điều này có thể dẫn đến tai nạn cho người khác.

4. Không mua thuốc quá liều, quá số lượng mà thầy thuốc chỉ định, sai sót này có thể dẫn tới việc người bệnh tự sát.

5. Không tự ý thay đổi liều lượng và cách sử dụng thuốc trong đơn khi không có ý kiến của thầy thuốc. Hãy đến khám lại ngay khi phát hiện có các biểu hiện bất thường.

6. Khi chữa cùng lúc hai hoặc nhiều bệnh, cần tư vấn thầy thuốc về tương tác giữa các thuốc.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn