Empty
Empty
Empty
Empty

Luận điểm của Kierkegaard rằng chúng ta sống cuộc sống ở phía trước, nhưng hiểu nó theo chiều ngược lại có thể không có ý nghĩa gì khác hơn là chúng ta nhớ về quá khứ.

Nghịch lý là, trong những đặc điểm giúp con người là con người và phân biệt chúng ta với các loài động vật khác, đó là chúng ta biết nhìn lại quá khứ. Thật khó để tưởng tượng rằng các loài khác lại nghiền ngẫm nhiều đêm về một căn bệnh được chữa lành để rút ra cho mình một điều gì đó. Như tôi đang nhớ về căn bệnh phì đại tuyến tiền liệt của tôi khi tôi bước vào tuổi 70.

Một người bạn bác sĩ giới thiệu tôi đến khám một bác sĩ chuyên khoa niệu. Sau khi siêu âm, và chỉ cho xem những hình ảnh trên màn hình mà thật ra tôi không hiểu gì cả, minh họa rằng tôi cần phải mổ tuyến tiền liệt (prostate). Ông nói: “Màn hình không nói dối và các thuật toán cũng cho ra các số đo chính xác bệnh phì đại tuyến tiền liệt của ông, và ông nên mổ”. Sau vài ngày lo lắng, tôi quyết định đến khám ở một bác sĩ khác, theo lời khuyên của một người bạn từng trải qua căn bệnh này. “Bạn nên khám lại với bác sĩ này, vì ông đã mổ tuyến tiền liệt cho tôi, đến nay rất tốt.” Tôi làm theo lời khuyên. Sau khi siêu âm, đo các chỉ số (tất nhiên, bằng các thiết bị số), ông chỉ màn hình, và nói với tôi: “Ông không phải lo. Không phải ai có số đo vượt mức cho phép đều phải mổ. Bạn ông, dù kích thước tiền liệt nhỏ hơn, nhưng phải chỉ định mổ, vì các chỉ số tham khảo khác rất tệ”. Ông cho tôi uống thuốc và cho đến bây giờ, tôi trở lại bình thường, quan trọng nhất là không lo lắng. Tôi nhớ vị bác sĩ này nói với tôi: “Người cao tuổi sẽ có các bệnh già, không thể khác, quan trọng là không quá lo, mà thêm nặng nề”.

Giữa hai vị thầy thuốc, tôi chọn người sau, không phải vì ông tránh mổ cho tôi, mà vì ông đã cho tôi một lời thông cảm. Cũng như đồng nghiệp của ông, ông cũng diễn dịch các dữ liệu từ máy, nhưng với một cách khác - một cách đầy chia sẻ, vì ông đã hiểu bản chất tuổi tác, ông biết phân biệt tôi thuộc người già, chứ không chỉ nhấn mạnh loại bệnh mà tôi mắc phải. Sau khi cho thuốc, ông thường xuyên nhắn tin thăm hỏi, cố gắng giữ liên lạc với người cao tuổi mắc bệnh như tôi.

Hơn 2.000 năm trước, Hippocrates đã nói, "Biết loại người nào mắc bệnh còn quan trọng hơn là biết loại bệnh nào mà một người mắc phải". (Tất nhiên, ý sâu của Hippocrates không phải phân biệt chủng tộc, hay giai cấp, mà ông khuyên thầy thuốc chú ý đến con người, chứ không đơn thuần chú mục vào căn bệnh).

Empty

Bây giờ, tôi đang đọc lần hai cuốn sách mới xuất bản năm 2022 của bác sĩ Eric Topol: “Y học sâu: Cách mà A.I. giúp y học trở lại với con người” (Deep medicine: How A.I helps medicine human again).

Empty

Thú thật tôi không thể hiểu hết các thuật ngữ y khoa của cuốn sách, nhưng điều cốt lõi, mà tôi chia sẻ là thông điệp chính mà tác giả muốn nói: A.I. có thể giúp y học trở lại với con người hơn, nghĩa là nhân văn hơn.

Khi nhìn vào hệ thống y tế Việt Nam trong đại dịch COVID-19, có lẽ ấn tượng là các vụ tiêu cực, tham nhũng của chính các bác sĩ y khoa làm công tác điều hành. Tiền đã làm cả hệ thống y tế, dù ít dù nhiều, đã đánh mất khuôn mặt con người - tính nhân văn - bản chất làm nên đặc điểm duy nhất của nghề y. Nhưng mặt khác, cũng cho thấy, khuôn mặt con người này quá tải: tỷ lệ các bác sĩ và y tá bị kiệt sức và trầm cảm tăng cao hơn bao giờ… Khuôn mặt con người cũng méo mó trên cả thầy thuốc và bệnh nhân. Phần lớn chúng ta khi đi khám bệnh hay điều trị bệnh đều hồi hộp, chờ đợi, đều cảm thấy yếu thế, “mất quyền”. Chúng ta dễ dàng xin xỏ, thậm chí “chi tiền”, dúm dúi, cho các nhân viên y tế để có chỗ tốt, để được thăm khám trước, để không bị hắt hủi, xô đẩy… Tôi thông cảm sự quá tải của bệnh viện, nhưng sâu xa vẫn thấy cả họ và người bệnh đang dần đánh mất “quyền người.”

Chính vì vậy, tôi hào hứng với ý tưởng của các bác sĩ và nhà khoa học về “trí tuệ nhân tạo” (A.I) khả dĩ giúp trả lại “quyền người” trong thực tế y khoa.

Empty

“Các thuật toán sắp xếp tinh vi có thể sàng lọc hàng triệu cặp cơ sở DNA để xác định một đột biến gene chưa được biết đến trước đây có thể tạo miễn dịch trong cơ thể người. Một hệ thống AI khác có thể tận dụng những tiến bộ mới nhất trong bộ gene chính xác để xác định phương pháp điều trị thành công. Hoặc khi bác sĩ mệt mỏi, làm việc quá sức và vì vậy chẩn đoán bệnh không chính xác, lúc đó AI đã có thể cứu vãn tình hình”.

Bạn có thể đọc vô số câu chuyện về những bác sĩ làm việc quá sức hoặc vô trách nhiệm. Ở Việt Nam chúng ta thì không thiếu những tin xấu hàng ngày về bệnh viện, về thầy thuốc, về toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe. Những mảng tối này có thể được thắp sáng nhờ A.I, học máy, mạng lưới thần kinh sâu và y học sâu.

Bác sĩ S. Scott Graham, một giáo sư y khoa và hùng biện tại Đại học Oxford cho rằng những người đam mê AI cũng như các nhà phê bình đang nói về “mùa hè A.I” và “mùa đông A.I”. Nghĩa là, trong suốt 80 năm qua, đã có những giai đoạn xen kẽ giữa sự nhiệt tình của AI và sự khinh miệt, bỏ bê A.I. Những tiến bộ tương đối gần đây trong học máy kết hợp với tốc độ tính toán ngày càng tăng, ít tốn kém hơn… Chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng của A.I trong lãnh vực y tế tập trung vào chẩn đoán, tiên lượng, quản lý hệ thống chăm sóc sức khỏe, khám phá thuốc mới, lập mô hình bệnh tật… Tất cả điều đó đã dẫn đến một mùa hè AI đặc biệt nóng bỏng. Các công nghệ nổi tiếng như thuật toán công cụ tìm kiếm, trình tổng hợp tin tức, nguồn cấp dữ liệu mạng xã hội...… cũng là một phần của mùa hè A.I hiện tại.

Mặt khác, nhiều câu chuyện cảnh báo về A.I, rộng hơn, cho thấy rằng chúng ta nên cảnh giác. Ông chủ Twitter, người giàu thứ hai hành tinh, Elon Musk nói: “A.I có thể hủy diệt con người” (A biggest risk of A.I is to destroy humanity. CNN, 17/5/2023. Khi tôi đang viết bài này, thì hội nghị thượng đỉnh G7 (tức là các nước phát triển, giàu nhất thế giới) họp tại Hiroshima (Nhật Bản) từ 19 - 21/5/2023 và tại đây 3 chủ đề thào luận chính là: Chiến tranh, suy thoái kinh tế, và luật lệ hạn chế nguy hiểm do A.I có thể gây ra.)

Empty

Trong một bài báo được xuất bản trên tạp chí Science, các nhà nghiên cứu đã nêu ra viễn cảnh về “các cuộc tấn công đối nghịch” - những thao tác có thể thay đổi hành vi của A.I. Chẳng hạn, bằng cách thay đổi một vài pixel khi quét phổi, ai đó có thể đánh lừa A.I. để nhìn thấy một căn bệnh không có thực, hoặc không nhìn thấy một căn bệnh đang tồn tại.

Mối lo ngại ít hơn là tin tặc có thể khiến bệnh nhân bị chẩn đoán sai, mặc dù khả năng đó vẫn tồn tại. Nhiều khả năng là các bác sĩ, bệnh viện và các tổ chức khác có thể thao túng A.I. trong phần mềm thanh toán hoặc bảo hiểm nhằm nỗ lực tối đa hóa lợi tức.

Samuel Finlayson, một nhà nghiên cứu tại Trường Y Harvard và M.I.T. và một trong những tác giả của bài báo, đã cảnh báo rằng vì có quá nhiều “tiền tươi” được trao tay trong ngành y tế nên các bên liên quan đã đánh lừa hệ thống bằng cách thay đổi mã hóa đơn và dữ liệu một cách tinh vi trong hệ thống máy tính theo dõi các lần khám. A.I. có thể đã “giúp” tạo nên mùa đông khắc nghiệt này.

Empty

Chẳng hạn, bằng cách phân tích hàng ngàn lần quét mắt, một mạng lưới thần kinh có thể học cách phát hiện các dấu hiệu mù lòa do tiểu đường. Quá trình “học máy” này diễn ra trên quy mô khổng lồ - hành vi của con người được xác định bởi vô số mẩu dữ liệu khác nhau - đến mức nó có thể tạo ra hành vi bất ngờ của riêng mình.

Vào năm 2016, một nhóm tại Carnegie Mellon đã sử dụng các mẫu in trên gọng kính để đánh lừa hệ thống nhận dạng khuôn mặt khiến họ nghĩ rằng người đeo là người nổi tiếng. Khi các nhà nghiên cứu đeo kiếng, hệ thống đã nhầm họ với những người nổi tiếng, như Milla Jovovich và John Malkovich .

Bác sĩ Eric Topol nhấn mạnh: “Điều tôi hào hứng nhất là sử dụng tương lai để cải thiện quá khứ: Phục hồi dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Bằng cách trao cả món quà là thời gian cho các bác sĩ lâm sàng, những người chiếm tỷ lệ cao nhất từng được ghi nhận về tình trạng kiệt sức và trầm cảm, đồng thời trao quyền cho bệnh nhân, những người cần được chăm sóc nhất . Nhưng sẽ đòi hỏi sự tích cực đáng kể của cộng đồng y tế để đứng lên bảo vệ bệnh nhân và không cho phép các bác sĩ lâm sàng chạy đua tăng năng suất lao động mà quên chăm sóc bệnh nhân, làm xói mòn mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân.

Empty

Như trên đã nói: A.I được cảnh báo sẽ tạo ra “mùa đông ảm đạm” khó lường. Nhưng A.I đồng thời, ít nhất trong y học, sẽ giúp cho bác sĩ nhẹ gánh, có thời gian trở lại là thầy thuốc đúng nghĩa và bệnh nhân là người mắc bệnh hơn là “con bệnh biết đi”. Máy học hi vọng giúp bác sĩ không còn hành nghề như những cỗ máy nữa.

A.I có tiềm năng lớn để giúp đỡ con người, nhưng đối với bác sĩ Eric Topol, ông cho rằng A.I. sẽ giúp thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo về mặt y tế. Cuộc cách mạng này sẽ vượt qua mọi nỗ lực của con người, ít nhất là y học. Bản thân y học đang ở thời điểm khủng hoảng. Với tư cách là một người hành nghề bác sĩ, Eric Topol cho rằng, mặc cho tất cả những tiến bộ phi thường trong y học bốn thập kỷ qua, chúng ta vẫn thường xuyên mắc lỗi trong khám chữa bệnh cho bệnh nhân, nhất là người nghèo, những người ít học, những người yếu thế.

Empty

Đây là một nguyên tắc vượt thời gian, miễn là chúng ta đang thảo luận về con người và không làm chậm qui trình phát triển của con người. Cuối cùng, chúng ta vẫn quay trở lại với sự thật vinh quang rằng: chúng ta là con người với sự phức tạp của cả thể chất và tinh thần. Sự tương tác giữa cái này và cái kia vẫn còn rất bí ẩn.

Điều không có gì bí ẩn là đây: khi chúng ta ốm, chúng ta có một nhu cầu cơ bản là được chăm sóc. Chúng ta muốn bác sĩ và các điều dưỡng - một đội gồm các cá nhân có nghề, có tâm chứ không phải một cỗ máy. Như Francis Peabody đã nói nhiều năm trước, “Bí quyết chăm sóc bệnh nhân là chăm sóc bệnh nhân.”

“. . . Những lời này đã khắc sâu vào tâm trí của nhiều thế hệ sinh viên y khoa, kết thúc bài giảng của Francis W. Peabody cho sinh viên Harvard vào ngày 21 tháng 10 năm 1925, và vẫn giá trị cho đến hôm nay. Bài giảng có tựa đề “Chăm sóc bệnh nhân” được trích trong bài này và đáng được đọc, đặc biệt là ngày nay, khi công nghệ y tế tập trung nhiều vào bệnh tật hơn là bệnh nhân. Chúng ta muốn những người khám chữa bệnh cho chúng ta biết rằng trái tim của chúng ta vẫn đập, đôi tai chúng ta vẫn đang lắng nghe điều sâu nhất, những gì chúng ta sống và sẽ chết cho. Đó là, và sẽ luôn là, mong muốn sâu sắc nhất của chúng ta - những người bệnh.

Empty
Empty
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa