Thu mình trong góc phòng điều trị Khoa Nam Bệnh viện Tâm thần TPHCM, T.N (38 tuổi, ở Hóc Môn) luôn miệng nói cười lảm nhảm, thỉnh thoảng lại lấm lét đưa mắt nhìn quanh. Gặp ai đi ngang qua, N. cũng cố níu lại cho bằng được để giải thích về chiếc “máy phát tín hiệu” mà một người nào đó đã cố tình đặt vào trong đầu để hãm hại mình...
Theo hồ sơ bệnh án, N. thường xuyên chè chén cùng đám bạn bè từ 3 năm nay. Từ khi nghiện rượu, ngày nào về nhà N. cũng đập phá đồ đạc, đánh chửi vợ con. Cách đây gần 1 tháng, N. bỗng dưng bỏ ăn, bỏ uống, trốn biệt trong phòng, nhất định không chịu ra ngoài gặp ai. Người nhà hỏi mãi anh ta mới chịu “tiết lộ” là phải trốn vì thường nghe thấy một giọng nói lạ trong đầu xui mình… tự sát. Quá hoảng sợ, người nhà vội vàng phá cửa, “rước” N. đến bệnh viện trong tình trạng toàn thân co giật.
Đây chỉ là một trong số các "đệ tử của lưu linh" điển hình đang được điều trị ở Bệnh viện này.
Theo các bác sỹ ở Bệnh viện Tâm thần TPHCM, tác hại của rượu không chỉ hủy hoại gan như nhiều người vẫn tưởng. Hiện nay, số người bị rối loạn tâm thần do rượu đang ngày càng gia tăng, báo động về một hiểm họa do rượu gây ra mà ít người nghĩ đến như: biến đổi tâm thần, hoang tưởng, dễ bị kích động, cáu gắt, ghen tuông… dẫn đến những hành vi tiêu cực.
Trong số bệnh nhân đến điều trị loạn thần do nghiện rượu tại Bệnh
viện Tâm thần TPHCM, có đến 60% bệnh nhân có ảo giác. Những ảo giác phổ
biến nhất là nhìn thấy máu, thấy rắn rết bò đầy mình, thấy ma quỷ vào
nhà hoặc người khác cầm dao, gậy đến săn đuổi, giết hại mình.
Trong cơn ảo giác, bệnh nhân rối loạn tâm thần có 2 xu hướng, hoặc là
tấn công trở lại hoặc là chạy trốn.
|
Bác sỹ Nguyễn Hữu Thăng, người trực tiếp điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần TPHCM cho biết, cơ chế gây rối loạn tâm thần do rượu là khi Methanol và Andehyt có trong rượu sẽ tích lại trong máu. Nếu cơ thể không đào thải kịp sẽ ứ đọng và tác động đến hệ thần kinh trung ương, gây ngộ độc chuyển hóa.
Trong thời gian ngắn, quá trình này sẽ hủy hoại một số hệ thống trên cơ thể; làm suy giảm chức năng gan, thận; ảnh hưởng vùng cảm xúc, vùng trí nhớ trên não cũng như khả năng điều khiển hành vi.
Bác sỹ Thăng cho hay, đối với trường hợp bệnh nhân chạy trốn thì khi hết cơn hoang tưởng sẽ trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân tìm cách phòng vệ thì sẽ rất nguy hiểm. Bởi khi ấy, người bệnh có thể tấn công bất kỳ ai mà họ nghĩ có thể gây hại cho mình.
Theo tài liệu của giới chuyên môn, nghiện rượu là tình trạng thèm muốn, phụ thuộc vào rượu, không kiểm soát được liều lượng khi uống. Những người nghiện rượu dù muốn từ bỏ nhưng thật không dễ dàng, mặc dù biết tác hại của rượu. Đa phần người nghiện chỉ ngưng uống rượu khi đã có bệnh lý về thể chất hoặc tinh thần.
Bác sỹ Vũ Đình Vương, Trưởng Khoa Nam (Bệnh viện Tâm thần TPHCM) cho biết, điều trị nghiện rượu là cả một quá trình dày công, đòi hỏi sự hợp tác tốt từ người bệnh và gia đình. Giai đoạn điều trị nội trú trong bệnh viện thường dành cho người nghiện có các triệu chứng rối loạn về tâm thần. Nguyên tắc điều trị giai đoạn này là nâng cao thể trạng, giải độc, làm dịu cơn thèm rượu và điều trị tình trạng loạn thần bằng các thuốc hướng tâm thần.
Tuy nhiên, theo bác sỹ Vương, điều trị và cắt cơn cho người nghiện rượu cũng không khó bằng giai đoạn duy trì và chống tái nghiện. Để không tái nghiện, trước hết bản thân người nghiện cần có nghị lực và quyết tâm đoạn tuyệt với bia, rượu, sau đó là tuân thủ nghiêm chế độ điều trị và liệu pháp tâm lý theo hướng dẫn của bác sỹ. Có như vậy việc chống tái nghiện rượu mới có hiệu quả lâu dài.
Trong năm 2013, Bệnh viện Tâm thần TPHCM đã tiếp nhận và điều trị 266
bệnh nhân mắc chứng loạn thần do lạm dụng bia, rượu. Riêng 3 tháng đầu
năm 2014, Bệnh viện cũng đã tiếp nhận và điều trị trên 40 trường hợp,
với các triệu chứng phổ biến như biến đổi tâm thần, hoang tưởng, dễ bị
kích động, cáu gắt…
|
Bình luận của bạn