Bà bầu phù chân có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Trong khi mang thai, cơ thể thai phụ thường có hiện tượng giữ nước để làm tăng lượng tuần hoàn

PGS.TS.BS Vũ Thị Nhung, chủ tịch hội Phụ sản TP.HCM:

Trong khi mang thai, cơ thể thai phụ thường có hiện tượng giữ nước để làm tăng lượng tuần hoàn. Vì vậy vào khoảng ba tháng cuối thai kỳ, thai phụ thường có triệu chứng bị phù. Ngoài ra, do tử cung lớn có thể chèn ép sự tuần hoàn khiến máu khó lưu thông từ chân về tim, cũng góp phần làm cho bị phù chi dưới. Đó là tình trạng phù sinh lý.


Tuy nhiên có những trường hợp phù bệnh lý, thai phụ thường kèm thêm cao huyết áp, tiểu ra chất đạm (protein niệu) và không chỉ phù chân mà còn phù toàn thân. Đây là trường hợp bệnh lý nguy hiểm, được gọi là tiền sản giật. Nếu không được theo dõi và xử trí kịp thời thì bệnh có thể chuyển từ nhẹ sang nặng và nặng nhất là tiến tới sản giật. Đây là một tai biến sản khoa có thể gây tử vong cho mẹ và con.

Để có thể phòng ngừa, tốt nhất là vợ bạn nên đi khám thai định kỳ để được hướng dẫn bởi bác sỹ chuyên khoa. Trước mắt cô ấy tránh ăn nhiều chất có muối mặn, theo dõi cân nặng thường xuyên. Bình quân mỗi tháng chỉ nên tăng khoảng 2kg, nếu tăng cân quá nhanh và phù nhiều thì phải đi khám thai ngay, không chờ đến đúng hẹn.

Khi sinh nên đến cơ sở y tế có nữ hộ sinh hoặc bác sỹ đỡ đẻ để cuộc sinh nở được an toàn.

linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Hỏi đáp Phòng bệnh & Điều trị