Báo động thực phẩm không đảm bảo trong các siêu thị

Mập mờ nguồn gốc sản phẩm

Những tưởng, rau, củ, quả tươi xuất xứ Trung Quốc chỉ có thể tung hoành tại các chợ dân sinh, nhưng ngay trong siêu thị thì hàng hóa Trung Quốc cũng ngập tràn.

Trong tháng 1/2014, đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP số 1 của thành phố do Giám đốc Sở Y tế làm trưởng đoàn đã phát hiện một số siêu thị có bán “rau an toàn” không rõ ràng nguồn gốc xuất xứ.

Theo kiểm tra, từ năm 2013, hệ thống siêu thị Minh Hoa, hệ thống siêu thị Le’s Mart, siêu thị Citimart Indochina Plaza... đã nhập mặt hàng rau củ quả từ Công ty TNHH sản xuất tiêu thụ rau an toàn số 5 Thôn Đầm (Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội) với cái mác “rau an toàn” để bán cho người tiêu dùng với giá cao.

Nhưng trên thực tế, phần lớn các mặt hàng “rau an toàn” này được mua ở chợ Vân Trì và một số nguồn trôi nổi trên thị trường rồi đóng gói, dán tem giả, “hô biến” thành rau an toàn. Đại diện phía nhà cung cấp còn tiết lộ, khi các siêu thị có nhu cầu mua các loại rau trái vụ, họ còn nhập cả hàng Trung Quốc về, và vẫn với quy trình đóng gói, gắn tem, số rau này đã trở thành “rau an toàn” có xuất xứ Việt Nam.


Nguồn gốc rau củ trong các siêu thị cũng rất mù mờ

Người tiêu dùng tin tưởng vào chất lượng “rau an toàn” bán trong các siêu thị trên đã bị “móc túi” trong một thời gian dài mà không hề biết những thực phẩm mình đã mua chẳng khác gì rau ngoài chợ cóc, chợ tạm, bởi nhà cung cấp cũng không chắc rau mình cung cấp cho siêu thị có dùng thuốc tăng trưởng, hôm nay phun hôm sau đã hái hay không. Trong khi đó, các siêu thị cũng viện cớ để phủ nhận trách nhiệm, cho rằng mình là “nạn nhân”.

Mới đây thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội đã quyết định thanh tra đột xuất hàng loạt điểm phân phối lớn, trọng tâm là các siêu thị và điểm sản xuất rau quả lớn.

Tại siêu thị Hiway Hà Đông, một trong những siêu thị lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội, hàng hóa rau, củ, quả tươi khá đa dạng, từ các loại rau xanh ăn lá như rau cải, mồng tơi, cải bắp, đến các loại củ như cà rốt, su hào, khoai lang và các loại quả tươi. Đặc biệt, rất nhiều trong số này có nguồn gốc Trung Quốc, như khoai tây, hành tây, cà rốt, cải bắp, cải thảo, súp lơ xanh - trắng, đến hành tỏi khô… Có mặt hàng, siêu thị Hiway Hà Đông còn đang lập lờ nguồn gốc như củ cải trắng.

Được bày bán với tấm biển ghi nguồn gốc xuất xứ Việt Nam, song trước thắc mắc của Đoàn thanh tra “mùa này Việt Nam không trồng được củ cải trắng, hơn nữa củ cải trắng Việt Nam không to như vậy”, thì đại diện siêu thị Hiway Hà Đông mới thừa nhận, “củ cải nhập từ Trung Quốc, có lẽ do nhân viên ghi nhầm xuất xứ”.

Chị Hiền, (Tô Hiệu - Hà Đông) cho biết: “Tôi cũng rất băn khoăn khi biết cà rốt bán tại siêu thị này được nhập từ Trung Quốc. Để rau củ đảm bảo, tôi đã không dám mua tại chợ dân sinh mà tìm vào tận đây để mua một ít về dùng, nhưng vẫn là hàng Trung Quốc”.

Ngày 25/7 Đội quản lý thị trường số 12 (chi cục quản lý thị trường Hà Nội) cho biết vừa phối hợp cùng đội 4, phòng cảnh sát môi trường (CATP Hà Nội) kiểm tra siêu thị Hanaromart (thuộc Công ty TNHH Thương mại Hanaro Việt Nam), số 18 Nguyễn Thị Định, quận Cầu Giấy, phát hiện hơn 105kg đường và 220kg bột mì đang bày bán, không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, không công bố chất lượng.

Theo tìm hiểu, rau, củ, quả Trung Quốc vào Việt Nam theo 2 hình thức, nhập khẩu chính ngạch qua đường cửa khẩu, hoặc được cư dân biên giới vận chuyển theo chính sách biên mậu, sau đó thu gom và đưa về xuôi. Mặc dù, hàng hóa nhập khẩu chính ngạch được kiểm tra về dịch hại và ATTP nhưng chỉ bằng cảm quan.

Cục Bảo vệ thực vật cho hay, từ đầu năm đến nay, chưa phát hiện lô hàng nào nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép đối với rau, củ, quả nhập khẩu. Song, với cách kiểm tra ATTP tại các cửa khẩu như hiện nay, kết quả này liệu có phản ánh đúng thực tế, người tiêu dùng có thể yên tâm khi mà rau, củ, quả Trung Quốc ngày một lấn lướt rau quả nội, tràn ngập trong các siêu thị ?

Chất lượng sản phẩm liệu có đảm bảo

Mới đây, gia đình anh Phạm Anh Vũ (Q7, TP.HCM) khi mua đặc sản chả cá Nha Trang hiệu “Hai Chị Em” tại siêu thị Co.opmart về ăn thử thì cả nhà bị đau bụng buồn nôn. Kiểm tra kỹ lại những miếng chả cá chưa ăn hết còn để trong tủ thì phát hiện sản phẩm có hiện tượng nấm mốc đốm xanh, đen và có mùi lạ.


Chả cá Hai Chị Em vi phạm tổng số vi khuẩn hiếu khí do Bộ Y tế quy định

Qua tìm hiểu, loại chả cá này có thương hiệu Hai Chị Em bị phát hiện nhiễm khuẩn nhưng vẫn được ngang nhiên bày bán trong các siêu thị BigC, Metro và Coop-mart trên toàn quốc, mới đây, Sở Công thương và Sở NN&PTNT thành phố HCM đã tiến hành kiểm tra xác minh sai phạm của nhà sản xuất.

Qua giám định kiểm tra, kết quả giám định mẫu chả cá viên đã cho thấy chỉ tiêu tổng số vi khuẩn hiếu khí trong lô chả cá kể trên lớn hơn 710 lần và chỉ tiêu Ecoli lớn hơn tới 880 lần so với mức tiêu chuẩn do Bộ Y tế quy định.

Ngày 1/8, chị Vân Anh có tới siêu thị Big C The Garden mua đồ. Trong đó, chị Vân Anh mua 2 gói bánh bao chay, một gói bánh bao chay khoai môn và một gói bánh bao chay sữa dừa thì phát hiện một chiếc bánh bao có 2 chỗ bị mốc xanh.
Công ty Cổ phần phát triển Phú Mỹ là nhà sản xuất sản phẩm bánh bao nghi bị mốc trên.

Thế nhưng đáp lại những thắc mắc của người tiên dùng, trả lời về sản phẩm nghi bị mốc, Công ty Cổ phần phát triển Phú Mỹ cho biết: "Sau khi kiểm tra sản phẩm khách hàng phản ánh và kiểm tra nhật trình sản xuất ngày 9/7/2014, chúng tôi nhận thấy bánh bao chay sữa dừa được chạy máy tạo hình lúc 8h30, trước đó lúc 8h15 chạy máy tạo hình bánh bao chay cốm, do sơ suất có dính chấm nhỏ màu xanh của bánh bao chay cốm vào bánh bao chay sữa dừa".


Bánh bao mốc trong siêu thị

Vị đại diện Công ty Cổ phần phát triển Phú Mỹ cũng thừa nhận: "Chúng tôi rất lấy làm tiếc để xảy ra sự việc trên gây hiểu nhầm cho khách hàng. Để tránh xảy ra tình trạng tương tự, chúng tôi đã tăng cường giám sát sản xuất và quy định cho xưởng sản xuất phải chạy máy tạo bánh cho tất cả các loại bánh bao trắng trước rồi mới chạy bánh bao màu cuối cùng"…

Mức xử phạt chưa đủ răn đe

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, mức xử phạt vi phạm đối với các siêu thị, trung tâm thương mại hiện nay còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. "Phạt một vài triệu, thậm chí 10 triệu đồng cũng chưa thấm tháp gì so với doanh thu một ngày của một siêu thị. Vì mức phạt còn quá nhẹ nên các siêu thị mới tiếp tục tái phạm", ông Phú khẳng định.

Năm 2004, Bộ Thương mại đã ban hành Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM ban hành Quy chế siêu thị, trung tâm thương mại, quy định cụ thể các điều kiện kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại. Hàng hóa muốn vào được siêu thị phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phải được kiểm tra kỹ trước khi nhập kho.

Tuy nhiên, theo ông Phú, kiểm tra đầu vào của hàng hóa là cần thiết, nhưng cần thiết hơn nữa là phải tăng cường kiểm soát trong quá trình kinh doanh bởi có thể khi hàng nhập vào vẫn đảm bảo chất lượng nhưng trong quá trình bày bán sẽ bị phân hủy, ôi thiu.

Khi bị phát hiện kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, các siêu thị thường đổ lỗi cho nhà sản xuất, cung cấp hàng hóa. Tuy nhiên, ông Phú khẳng định, trách nhiệm chính vẫn thuộc về các siêu thị và hiện nay, chúng ta vẫn chỉ quản lý chất lượng hàng hóa từ ngọn chứ chưa giải quyết triệt để từ gốc.

An toàn thực phẩm đang là vấn đề nhức nhối đối với các lực lượng chức năng, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, thế nhưng, ngay cả những nơi như siêu thị, nơi mà người tiêu dùng tin rằng hàng hóa luôn được đảm bảo vệ sinh an toàn lại tồn tại những bất cập như vậy thì người tiêu dùng hiện nay thật khó để trở thành “người tiêu dùng thông thái”.


CTV10
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin