Bao giờ mới chấm dứt được cảnh giết mổ mất vệ sinh?
Khảo sát của Chi cục Thú y Hà Nội cho thấy, nhu cầu sử dụng thịt GSGC của Hà Nội là 745,2 tấn/ngày, trong đó thịt trâu bò là 84,3 tấn/ngày, thịt lợn 492,2 tấn/ngày, thịt gia cầm 168,7 tấn/ngày. Tuy nhiên, hệ thống các cơ sở giết mổ GSGC của Hà Nội đều chưa bảo đảm VSATTP. Hiện TP có 7 cơ sở giết mổ bán công nghiệp với công suất thiết kế 112 tấn thịt gia cầm, 82 tấn thịt gia súc/ngày nhưng có tới 5 cơ sở ngừng hoạt động và 2 cơ sở hoạt động chỉ đạt 5% công suất thiết kế, so với 2.571 cơ sở giết mổ GSGC thủ công, không đảm bảo vệ sinh môi trường và VSATTP. Các cơ sở này cung cấp đến 83% sản phẩm giết mổ thịt lợn và 87% sản phẩm thịt gia cầm cho nhu cầu tiêu dùng hàng ngày. Sản lượng thịt được giết mổ tại các cơ sở thủ công đều chưa được kiểm soát vệ sinh thú y.
Vấn đề xây dựng các khu giết mổ GSGC tập trung đã được quan tâm từ lâu. Từ cơ sở giết mổ gia cầm công nghiệp tại chợ đầu mối Minh Khai (Phú Diễn, Từ Liêm) của công ty TNHH Nhà nước MTV Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội (Hadico) khánh thành vào năm 2007, đến cơ sở giết mổ gia súc của Tổng công ty thương mại Hà Nội tại Lương Yên đều đã phải đóng cửa. Hà Nội cũng đã phê duyệt các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp hiện đại, nhưng đến nay, hầu hết đều đang giậm chân tại chỗ. Người dân Thủ đô chưa biết đến bao giờ mới có thực phẩm tươi sống đảm bảo vệ sinh để sử dụng.
Theo quy hoạch giết mổ GSGC trên địa bàn TP, đến năm 2015, tổng cơ sở giết mổ công nghiệp là 8 cơ sở, tổng công suất giết mổ 34 tấn thịt trâu bò/ngày, 245 tấn thịt lợn/ngày, 78 tấn thịt gia cầm/ngày và công suất chế biến thực phẩm là 98 tấn/ngày, đáp ứng được 40% nhu cầu giết mổ trâu bò, 50,4% nhu cầu giết mổ lợn, 43,3% nhu cầu giết mổ gia cầm và chế biến đạt 12,6% so với nhu cầu giết mổ.
Dự án nào cũng bế tắc!
Quy hoạch là vậy, nhưng đến nay, các cơ sở giết mổ tập trung từ bán công nghiệp tới công nghiệp đều rơi vào bế tắc. Mặc dù TP đã có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút doanh nghiệp nhưng vẫn chưa tháo được nút thắt.
Giết mổ GSGC công nghiệp là cần thiết để đảm bảo VSATTP cho một TP đông dân như Hà Nội. Tuy nhiên,
sự chuyển qua chuyển lại giữa các ngành cũng đã phần nào làm chậm lại tiến độ. Được biết,
thời điểm trước, giết mổ GSGC được giao cho Sở NN&PTNT chủ trì. Khoảng năm 2006-2007 chuyển qua
Sở Công Thương chủ trì, và đến tháng 12/2012 lại trả về cho Sở NN&PTNT quản lý. |
Dự án xây dựng cơ sở giết mổ trâu bò tập trung tại huyện Phú Xuyên, ông Phan Minh Nguyệt cho hay: "UBND TP đã đồng ý về mặt chủ trương, giao Hadico cùng huyện Phú Xuyên thống nhất vị trí, nhưng cả Tri Thủy và Quang Lãng đều không muốn đặt cơ sở giết mổ trên địa bàn xã mình. Cuối cùng, chúng tôi phải chọn vị trí giáp ranh giữa hai địa bàn". Tuy nhiên đến nay, công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn gặp vô vàn khó khăn.
Trao đổi về thực trạng này, bà Nguyễn Thị Tam, Phó trưởng Phòng Chăn nuôi, Sở NN&PTNT cho hay, giết mổ GSGC là lĩnh vực khó, lợi nhuận thấp nên không thu hút được nhà đầu tư, trong khi hầu hết các dự án giết mổ hiện nay đều gặp khó về GPMB. Mặc dù trong nhiều cuộc họp cũng như văn bản, UBND TP đều đốc thúc các địa phương về mặt bằng, nhưng các huyện còn thiếu mặn mà. Phó trưởng Phòng Chăn nuôi lấy ví dụ, năm 2009, Công ty CP công nghệ thực phẩm Đức Việt đã được UBND TP đồng ý về mặt chủ trương xây dựng cơ sở giết mổ GSGC tập trung trên địa bàn huyện Sóc Sơn và giao chủ đầu tư thỏa thuận với UBND huyện về vị trí, nhưng mãi đến ngày 20/9/2013 vừa qua, huyện Sóc Sơn mới có báo cáo TP về việc chấp thuận cho Công ty Đức Việt xây dựng cơ sở giết mổ tập trung tại xã Minh Phú.
TP Hồ Chí Minh thực hiện giết mổ công nghiệp sau nhưng đến nay đã hoàn thiện. Với địa bàn Thủ đô, đại diện Sở NN&PTNT cho hay, sẽ đi từng bước, từ giết mổ bán công nghiệp, khi thói quen của người tiêu dùng dần thay đổi, quy mô chăn nuôi được mở rộng thì mới có thể tính đến giết mổ công nghiệp.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin
Bình luận của bạn