SUCKHOE+ Xa rac-02
SUCKHOE+ Xa rac-03
SUCKHOE+ Xa rac-04

Có lần, trên truyền hình HTV, tôi nói chuyện với một bác sỹ dinh dưỡng - là giám đốc trung tâm dinh dưỡng thành phố Hồ Chí Minh. Chị nhấn mạnh: trong 3 yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe giống nòi thì môi trường là yếu tố lớn nhất (50%), đến dinh dưỡng (30%), rồi mới đến gene (20%). Từ lâu, tôi tưởng, gene là phần lớn. Hèn chi, các cháu gốc Việt lớn lên ở Mỹ hay châu Âu khi về nước, cháu nào cũng to lớn mạnh khỏe hơn, không phải chỉ vì chúng được dinh dưỡng tốt, mà vì môi trường nước người tốt hơn Việt Nam ta. (?!)

Bảo vệ môi trường là câu chuyện dài và lớn. Ở đây tôi chỉ nói về thói quen nhỏ (nhưng rất xấu hổ) của người Việt ta: xả rác. Báo chí và dư luận xã hội đã nói nhiều về “tệ nạn” này, nhưng hình như càng ngày người Việt chúng ta càng xả rác nhiều hơn nơi cộng cộng.

SUCKHOE+ Xa rac-05
SUCKHOE+ Xa rac-06

Công viên gần nhà tôi - chung cư New City - thành phố Thủ Đức, có nhiều thùng rác hình con chim cánh cụt, trông rất đẹp, nhưng sức chứa quá nhỏ so với rác thải mà người đi dạo trong công viên cần bỏ vào đó. Hơn nữa, người gom rác không thường xuyên, nên lúc nào “miệng các con chim cánh cụt” cũng đầy rác, thấy tội nghiệp quá!

Nhưng rồi tôi tự hỏi: Rác ở đâu mà nhiều thế? Người đi dạo trong công viên xanh tươi, rộng rãi này cũng không phải quá đông? Có lẽ, cư dân ở các “chung cư cao cấp” chung quanh mang rác thêm vào hoặc những người vãng lai tổ chức picnic hay sự kiện cuối tuần và những ngày nghỉ lễ, “tặng” thêm rác cho công viên. Tôi thấy các công viên (thuộc các chung cư lớn) bây giờ có thiết kế những “không gian giao lưu” rất tiện nghi, gồm bếp và bàn ghế, để cư dân tự tổ chức những sự kiện họp mặt vui chơi. Đáng buồn là sau các sự kiện là “bãi chiến trường” gồm khăn ăn, hộp xốp, chai nước, và đôi khi cả thức ăn thừa vung vãi. Sáng thứ hai nào, tôi cũng thường thấy cảnh tượng xấu xí đó, hoặc tệ hơn nữa, là sau những dịp nghỉ lễ dài ngày.

Trường hợp nếu khu chung cư của bạn có hồ thì càng tệ hơn vì người dân vô tư mang thức ăn cho cá, nhất là bánh mì, cá ăn không hết, bánh mì thành rác cùng với bao ni-lông và hàng trăm thứ khác. Mặc dù có bảng cấm cho cá ăn, nhưng người ta vẫn nghĩ cho cá ăn là… vui và “nhân văn”, sao lại cấm!

Thỉnh thoảng, tôi cũng chịu khó liên lạc với người trong các ban quản trị công viên để phàn nàn, nhưng tất cả đều bất lực. Nhìn rộng ra, tôi thấy sự bất lực đối với rác là bao trùm toàn xã hội.

Nhớ lại, tối ngày 11/11/2021 đội tuyển quốc gia Việt Nam đã gặp đội Nhật Bản trên sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) trong khuôn khổ vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á. Nhật Bản thắng 1-0 trước tuyển Việt Nam. Tôi rất buồn, nhưng phút chốc lại vui vì hình ảnh các cầu thủ Nhật nhặt rác trên sân sau trận đấu. Nhiều người nói cầu thủ Nhật biết PR “sức mạnh mềm” cho nước họ, nhưng tôi nghĩ khác, đó chỉ là thói quen bình thường.

Còn nhớ, cách đây không lâu, đội tuyển Nhật đã thua đội tuyển Bờ Biển Ngà, nhưng cách hành xử đầy văn hóa của cả cổ động viên và các cầu thủ Nhật tại sân vận động Arena Pernambuco, ở thành phố Recife, Brazil đã khiến cổ động viên của tất cả các đội bóng khác phải nghiêng mình kính nể. Sau khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên, những người Nhật đã nán lại, cầm theo những chiếc túi nhựa để nhặt rác vương vãi tại khu vực ghế ngồi của các cổ động viên Nhật. Trong lúc cổ vũ, họ cũng giống như cổ động viên khác, có vứt rác xuống khán đài, nhưng khi trận đấu kết thúc, chính họ ở lại để thu dọn những rác mà mình đã vứt ra.

Có lần được mời kẹo trong buổi nói chuyện với một nhà kinh doanh nổi tiếng ở Tokyo, tôi không biết bỏ giấy bọc kẹo vào đâu, bèn bỏ vào túi quần. Một bạn Nhật trông thấy và nói: Ở Nhật chúng tôi người dân cũng có thói quen bỏ rác vào túi (hoặc ba-lô) như ông, và mang về nhà xử lý. Tôi hơi buồn khi nghĩ nếu một người Việt thấy tôi bỏ rác vào túi sẽ kêu “Sao ở dơ vậy?”.

Biết nói sao đây?

SUCKHOE+ Xa rac-07
SUCKHOE+ Xa rac-08

Khu tái định cư ở phường An Khánh, thành phố Thủ Đức, với trên 2.000 căn hộ bỏ trống nhiều năm, đã trở nên hữu dụng khi biến thành 8 bệnh viện dã chiến từ tháng 7 đến tháng 12/2021. Tuần rồi (cuối tháng 5/2022) một tài xế Grab đón tôi ở nhà - sát bên bệnh viện dã chiến số 8 đó, đã hỏi tôi: “Chú ở ngay tâm dịch, chắc đã FO?”. Khi nghe tôi nói “Chưa bị”, tài xế ngạc nhiên “Thật may và có thể đề kháng chú tốt”.

Người tài xế trẻ không thể hình dung chúng tôi và hàng ngàn cư dân chung quanh 8 bệnh viện dã chiến đó phải chịu đựng như thế nào: còi xe cứu thương hú cả ngày lẫn đêm, tiếng la hét, tiếng cầu kinh, tiếng gõ xoong chảo (không hiểu vì mừng được về nhà hay báo giờ cơm?)… Khổ nhất là khi trời mưa lớn, rác vệ sinh trôi theo cống rãnh ngập tràn khu dân cư, kể cả “cư xá nhà báo” khá cao ráo trước đây. Mùa gió, người bệnh cách ly, mở cửa sổ thả rác thoái mái xuống các công viên quanh đó, và gió mặc sức thốc rác bay lên tấp vào nhà dân. Vâng, trong tai ương, cùng chia sẻ nỗi đau là đạo lý. Chỉ tiếc, khi tôi viết bài báo này (đầu tháng 6/2022), nghĩa là gần 5 tháng các bệnh viện dã chiến “hoàn thành nhiệm vụ”, nhưng rác từ bệnh viện vẫn còn ở đó, ngày có vẻ nhiều hơn.

Sáng nào, tôi cũng đi bộ ra công viên, đi qua …rác. Chó, mèo kiếm ăn vung rác ra khắp đường, còn phía trong công viên cỏ xanh tươi là thế, mà rác vẫn không từ chối bay vương vãi. Đường chạy qua các chung cư tái định cư An Khánh, Thủ Đức (tức là Khu đô thị mới Thủ Thiêm cũ) là đường Lưu Đình Lễ mới hoàn thành, nối đến trung tâm hành chính Thủ Đức, tôi tin ngày nào, các lãnh đạo địa phương cũng đi qua, nhưng chắc không ai quan tâm trả lại “nguyên trạng” môi trường xanh, sạch, không rác cho cư dân, ít nhất cũng giống như trước khi xuất hiện các bệnh viện dã chiến.

SUCKHOE+ Xa rac-09

Trừ khi bạn thực sự tin tưởng vào ý tưởng của Elon Musk - giàu nhất thế giới hiện nay - về việc biến sao Hỏa thành một hành tinh có thể sinh sống khác, hãy nhớ rằng hành vi nhỏ nhất mà ai cũng làm được để gìn giữ môi trường sống duy nhất của chúng ta - là đừng xả rác.

SUCKHOE+ Xa rac-10

Rác thải là bất kỳ loại rác nào được vứt với số lượng nhỏ, đặc biệt là ở những nơi không thuộc về rác. Cùng với thời gian, rác sẽ chồng lên rác. Việc làm này là bất hợp pháp vì nó khiến nhà nước phải trả hàng trăm tỷ mỗi năm cho chi phí dọn dẹp. Nó cũng phác họa một bức tranh xấu xí của xã hội chúng ta. Những thứ rác thường xuyên nhất bao gồm bao bì thức ăn nhanh, tàn thuốc lá, chai nước uống, giấy gói, kẹo cao su, bộ phận thiết bị điện bị hỏng, đồ chơi, thủy tinh vỡ, thức ăn thừa hoặc phân… chó. Nuôi chó cưng là dấu hiệu của một xã hội văn minh và nhân văn, nhưng dắt chó ra đường và nơi công cộng để xả thải là một hành vi đáng bị phạt tiền nặng.

Ngay cả những hành vi như để các đồ vật tràn cạnh thùng rác, cố tình ném đồ từ xe cộ và bỏ đồ hoặc giấy gói bên đường cũng được coi là xả rác. Vứt rác là một hoạt động nguy hiểm theo nhiều cách. Đặc biệt, nó gây tổn hại đến sức khỏe từng cá nhân và cả cộng đồng, mà ta không hề biết.

SUCKHOE+ Xa rac-11

Bà Johnnise Downs, Giám đốc Sở dịch vụ công, thành phố Sacramento, California, Hoa Kỳ từng tuyên bố “Xả rác là một tội, nhưng lại không bị pháp luật trừng trị”. Và bà kêu gọi cần giáo dục thanh thiếu niên về lý do tại sao xả rác là xấu và ảnh hưởng của việc xả rác đối với các cộng đồng. Tôi nghĩ rằng, lời kêu gọi đó nên được đáp ứng ở mọi nơi trên thế giới, nhất là ở Việt Nam - nơi được xếp trong danh sách 10 nước xả rác nhiều nhất thế giới.

Nghiên cứu chỉ ra rằng bệnh xả rác có tính lây lan rất cao, khi ai đó nhìn thấy rác vất ở đâu đó, họ sẽ nghĩ rằng đó là nơi thích hợp để vất rác thêm. Trong hầu hết các trường hợp, đó là cố ý. Cố ý vì do thói lười biếng và vô cảm.

Sự lười biếng và vô cảm đã tạo nên thói quen xả rác đáng xấu hổ. Thông thường, những người thích xả rác là những kẻ lười biếng và không muốn vứt rác đúng chỗ. Ví dụ: rác sau các bữa tiệc nhóm nhỏ (gia đình, bạn bè) ở công viên nói lên điều đó.Sự vô cảm cũng khiến mọi người chỉ biết vứt rác bừa bãi vào bất cứ đâu mà không hề mảy may nghĩ đến những tác hại của hành vi đó. Hành động của người đi bộ vứt bỏ giấy gói kẹo cao su và các chất thải khác trên lòng đường, đường phố hay người lái xe vứt rác từ ôtô của họ cho thấy rõ thái độ như vậy. Đa số mọi người tin rằng có những người khác sẽ nhặt hoặc dọn dẹp nó. Từ năm 1994 Singapore cấm hẳn kẹo cao su. Việt Nam chúng ta thì chưa, nên ở bất cứ đâu, chúng ta cũng dễ bị đạp trúng kẹo cao su, và mang chúng về nhà, làm dơ nhà cửa, và còn không biết bao loại vi khuẩn gây bệnh nữa.

SUCKHOE+ Xa rac-12
SUCKHOE+ Xa rac-13

Cách đây nhiều năm, thành phố Hồ Chí Minh có một sáng kiến rất tốt, đó là “Ngày chủ nhật xanh”, trong đó chủ nhật hàng tuần thanh thiếu niên, dẫn đầu là lãnh đạo thành phố, xuống đường dọn dẹp rác, khơi thông cống rãnh, và trồng thêm cây xanh. Rất tiếc là chương trình này, được khởi xướng bởi nguyên Chủ tịch thành phố Trương Tấn Sang, và khi ông nhận nhiệm vụ khác, rời khỏi thành phố, thì chiến dịch không còn nữa. Các hành vi tích cực về môi trường sẽ giúp hạn chế thói quen tiêu cực là xả rác.

Ngoài ra, các chương trình và nhóm cộng đồng nên được tạo ra với bạn bè và hàng xóm để làm sạch khu phố với mục đích duy nhất là thực hiện các chiến dịch chống xả rác để nâng cao nhận thức. Các chương trình như “Chủ nhật xanh” và các sự kiện làm sạch cộng đồng có thể rất thú vị và đủ giá trị trong việc truyền bá thông điệp “chống xả rác”.

Cắm biển báo là một cách “cổ điển” để ngăn chặn tình trạng xả rác. Biển báo nên được đặt ở những nơi có nhiều rác và những nơi dễ bị xả rác, chẳng hạn như các đường phố gần các trạm giao thông công cộng. Những con đường được người đi bộ và người đi làm sử dụng hàng ngày cũng xứng đáng có biển báo dừng xả rác để liên tục nhắc nhở mọi người rằng xả rác là một điều xấu và do đó cần phải tránh.

Chính quyền địa phương có liên quan phải thực hiện các biện pháp thích hợp để đảm bảo lắp đặt nhiều thùng rác hơn ở các khu vực khác nhau để xử lý rác hiệu quả. Tuy vậy, những kiểu thùng rác để trang trí (như hình con chim cánh cụt tôi nhắc trên đây) sẽ không hiệu quả tại những nơi công cộng có đông người tụ tập. Đặt đủ thùng rác ở các nơi công cộng, đặc biệt ở công viên sẽ giúp hạn chế thói quen xả rác của người dân. Khi người dân thấy bất tiện bởi thiếu thùng rác công cộng, họ sẽ cho phép mình xả rác mà không cảm thấy áy náy. Và từ đó hình thành thói quen “tội ác”như nhà môi trường học Downs nói trên kia.

SUCKHOE+ Xa rac-14
SUCKHOE+ Xa rac-15

Giáo dục việc này nên bắt đầu trong trường học vì trẻ em và thanh thiếu niên đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành một quốc gia và làm cho nó trở nên sạch đẹp. Trẻ em là những người học giỏi, và chúng điều chỉnh hành vi của mình dễ dàng hơn hầu hết người lớn. Hiện nay, tại các công viên lớn ở thành phố Hồ Chí Minh như công viên Tao Đàn hay Hoàng Văn Thụ, vào mỗi sáng chủ nhật, có những nhóm thanh thiếu niên hội, đoàn sinh hoạt và sau mỗi buổi, các em thường ở lại dọn vệ sinh. Đây có thể là hình mẫu trong giáo dục thói quen tốt cho các em.

Cuối cùng, chúng tôi - với tư cách một người nghiên cứu về giáo dục truyền thông, đề nghị một môn học “Công dân giáo dục về môi trường và biến đổi khí hậu” riêng, không phải là tích hợp trong các môn học khác, ở cấp lớp tiểu học và trung học. Môn học này sẽ dựa trên lý thuyết “Niềm tin sức khỏe”, nói dễ hiểu là dựa trên bảo vệ sức khỏe con người và dân tộc, mà dạy cho học sinh nhận thức rõ và trở thành quán tính tích cực với môi trường, như thanh thiếu niên Nhật vậy.

SUCKHOE+ Xa rac-16
SUCKHOE+ Xa rac-17
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa