Bé gái "nuốt" bàn chải dài gần 20cm

ban-chai-JPG-8513-1395895716.jpg
Chiếc bàn chải dài gần 20 cm gây sốc cho các bác sĩ khi chui vào dạ dày bệnh nhi. Ảnh minh họa: Thiên Chương

Ngày 27/3, bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM, người tham gia cấp cứu cho biết, đây là tai nạn rơi dị vật vào đường tiêu hóa hy hữu nhất mà bệnh viện này từng tiếp nhận. Nạn nhân được đưa đến viện trong tình trạng hoảng loạn. Qua chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ xác định chiếc bàn chải đã đi qua thực quản và chui hẳn xuống dạ dày.

Cũng theo ông Đẩu, do chiếc bàn chải nằm ngang trong dạ dày nên không thể xoay được bằng việc gắp nội soi. Cuối cùng, êkíp phải chấp nhận cách mổ hở để đưa chiếc bàn chải dài khoảng 20 cm ra khỏi dạ dày của bé gái.

"Cũng may bàn chải không có cạnh sắc nhọn nên bệnh nhi không bị tổn thương nào ở thực quản cũng như dạ dày", ông Đẩu cho biết.

Một trường hợp khác, bác sĩ Nguyễn Phúc Thịnh, khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho hay cách đây khoảng 3 tuần cũng tiếp nhận một bé trai 4 tuổi nhập viện sau khi nuốt cây kim lấy tủy răng tại phòng nha khoa. Phải mất gần 2 tiếng đồng hồ, cây kim dài 4,5 cm chui vào tận tá tràng mới được đưa ra khỏi cơ thể bé. Phụ huynh cho biết, khi nha sĩ trám răng, bé há mồm lâu nên mỏi và nuốt luôn chiếc kim.

Trường hợp khác cũng nhập viện vào đầu tháng 3 khi bé trai 4 tuổi ngậm cây đinh chơi rồi chạy đến nói với mẹ "nuốt đinh rồi". Phụ huynh phát hoảng đưa đến Bệnh viện đa khoa Cần Giuộc, Long An chụp phim thấy cây đinh đã rơi vào dạ dày.

cay-dinh-7798-1395895716.jpg

Cây đinh nằm trong đường tiêu hóa của bé trai 4 tuổi hồi tháng 3. Ảnh: Bác sĩ Phúc Thịnh

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, cây đinh đã có xu hướng rơi xuống ruột non và cũng mất gần 2 giờ đánh vật với dị vật, các bác sĩ mới gắp được cây đinh dài khoảng 4 cm bằng phương pháp nội soi.

Theo bác sĩ Hoàng Lê Phúc, Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 1, dị vật đường ăn có nhiều loại, có trẻ nuốt khi là pin đồng hồ, nút áo, nuốt đồng xu... Nguy hiểm nhất là các vật nhọn (có thể đâm thủng những nơi nó đi qua), vật có từ tính làm hại nhịp tim, vật có chất ăn mòn làm hỏng dạ dày hoặc ruột. "Đây là những trường hợp cần thiết phải mổ cấp cứu", ông Phúc nói.

Cũng theo bác sĩ Phúc, đa phần những ca bị dị vật đường ăn được đưa đến viện là do cha mẹ giao cho người khác trông mà không chú ý bé, trong khi đó các bé hiếu động thường tự tìm vật lạ và cho vào miệng ngậm.

Ở nước ngoài, những đồ chơi nhỏ khi bán trên bao bì đã có hướng dẫn nhắc nhở phụ huynh. Ở Việt Nam, không ghi, hoặc có ghi cảnh báo mà không chú ý, hoặc đồ chơi của các bé lớn hơn bị bé nhỏ chưa có ý thức lấy cho vào miệng rồi nuốt. "Tốt nhất nhà có trẻ nhỏ thì nên dọn sạch các vật chúng có thể cho vào miệng. Nếu bé quá hiếu động thì phải chấp nhận cho vào cũi", ông Phúc nói.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin