Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao thứ 14 trong 22 nước có số người mắc bệnh lao cao nhất thế giới
Một số nghiên cứu cho thấy, người hút thuốc lá có nguy cơ mắc lao cao gấp hai lần những người không hút thuốc. Việc hút thuốc sẽ làm giảm khả năng chống lại virus và vi khuẩn xâm nhập vào phổi như khuẩn lao.
Vi khuẩn gây bệnh lao cũng có thể dần dần phát triển sức đề kháng nếu người bệnh lạm dụng các loại thuốc kháng sinh. Lạm dụng kháng sinh làm gia tăng tình trạng kháng thuốc. Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 5.000 bệnh nhân lao kháng thuốc xuất hiện, trong đó gần 6% là lao siêu kháng thuốc.
Một số triệu chứng nhẹ ban đầu của bệnh lao như sốt, ho và giảm cân khiến nhiều người không chú ý trong thời gian dài khiến bệnh ngày càng phát triển và dễ dàng lây lan cho người khác và cộng đồng.
Viêc sử dụng kháng sinh trong điều trị lao là rất cần thiết. Sử dụng kháng sinh sẽ giúp tiêu diệt các vi khuẩn lao trong cơ thể. Tuy nhiên cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng kháng sinh, cũng như phải tham khảo và sử dụng kháng sinh theo phác đồ điều trị của các bác sỹ. Tránh việc lạm dụng kháng sinh, gây nên tình trạng kháng thuốc.
Các vi khuẩn gây bệnh lao không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến phổi của bệnh nhân mà đôi khi, nó cũng ảnh hưởng đến các cơ quan khác như tim và thận.
Hầu hết các trường hợp mắc bệnh lao có thể được điều trị bằng thuốc nếu được phát hiện sớm. Việc phát hiện bệnh sớm sẽ khiến quá trình điều trị dễ dàng hơn. Khi thấy có các triệu chứng như ho, khạc đờm kéo dài hơn 2 tuần, nhất là trong trường hợp sử dụng kháng sinh điều trị viêm phổi, viêm họng mà không khỏi, thì cần nghĩ ngay đến bệnh lao.