Benzene - "thủ phạm" gây ung thư

Với công thức hóa học C6H6, benzene là chất lỏng không màu, có mùi thơm ngọt.

Hiện diện nhiều nơi

Benzene có trong thành phần các chất dùng để chế tạo các vật dụng bằng nhựa plastic, cao su, nilông và các loại sợi tổng hợp. Đó là lý do vì sao chúng ta luôn ngửi được mùi thơm nhẹ nhàng "sang trọng" khá đặc trưng từ các thiết bị nhựa ở phần đầu xe khi ngồi vào xe hơi lúc mới khởi động, hoặc từ các sản phẩm nhựa và cao su hay các trang phục, đồ vật dệt từ sợi tổng hợp lúc còn mới.

Benzene được dùng để chế tạo thuốc nổ, các hóa chất nhiếp ảnh, thuốc nhuộm, keo dán, sơn, chất tẩy rửa, thuốc và hóa chất diệt côn trùng. Ngay tờ báo bạn đang cầm trên tay cũng có sự hiện diện của benzene: được sử dụng như là một dung môi trong công nghệ in ấn, chế bản, đồ họa! Trong tự nhiên benzene được sản sinh từ các vụ phun núi lửa hay các đám cháy rừng, và là một thành phần tự nhiên có trong dầu thô, xăng dầu và khói xe, đặc biệt là khói thuốc lá.

Hít phải hoặc ăn uống thực phẩm nhiễm benzene ở nồng độ rất cao có thể gây tử vong. Nhẹ hơn, và nếu chỉ trong thời gian ngắn có thể bị liệt, hôn mê, lú lẫn, choáng, buồn ngủ, tim đập nhanh, nặng ngực, khó thở, nôn ói.

Nếu sống, làm việc ở nơi có quá nhiều vật dụng chứa benzene, hít thở không khí chứa nhiều benzene lâu ngày có thể bị tổn thương não không hồi phục, mờ mắt, nhức đầu kinh niên hay ngất xỉu. Với phụ nữ, nhiễm benzene có thể gây teo buồng trứng và hậu quả là vô sinh, gây rối loạn kinh nguyệt. Với đàn ông có thể làm biến dạng hoặc giảm chất lượng tinh trùng.

Nhiễm benzene thời gian dài còn làm giảm hồng cầu gây ra thiếu máu, có thể gây xuất huyết nhiều, giảm miễn dịch nên dễ bị nhiễm trùng.

Benzene dính vào da thì làm da khô, ngứa, sưng đỏ. Nếu rơi vô mắt sẽ gây kích thích đau rát và tổn thương giác mạc.

Người ta nhiễm benzene như thế nào?

Ở ngoài trời, bạn có thể nhiễm một lượng nhỏ benzene từ khói xe, khói thuốc lá. Đáng lưu ý là nguy cơ nhiễm benzene ở trong nhà còn nhiều hơn ngoài trời! Benzene có mặt trong các vật dụng có keo dán, sơn, vécni, các vật bằng cao su, nhựa, plastic... và gần 50% số người nhiễm benzene là từ khói thuốc lá!

Người ta có thể nhiễm benzene khi uống hoặc tắm rửa với nước từ các nguồn bị nhiễm benzene do rò rỉ từ các bồn chứa xăng dầu ngầm dưới đất hoặc từ bãi rác thải độc hại. Các nghề nghiệp tạo ra hoặc sử dụng benzene thì bị nhiễm nhiều hơn, ví dụ nhân viên ở các nhà máy lọc dầu, nhà máy sản xuất sản phẩm hóa dầu, sản xuất dược phẩm, sản xuất lốp xe, cây xăng, thợ in, thợ đóng giày, lính cứu hỏa, nhân viên phòng thí nghiệm...

linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin