Bộ trưởng Đam cũng chia sẻ. "Tôi không nhớ đây là kỳ họp Chính phủ thứ mấy liên tiếp có câu hỏi liên quan đến y tế. Quan điểm của Chính phủ luôn rất quan tâm đến chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân. Mỗi khi có sự cố, bao giờ Chính phủ cũng chỉ đạo rất nghiêm khắc. Không chỉ xử lý vụ việc đó mà quan trọng nhất, mỗi lần có sự cố thì từ trung ương đến địa phương phải soát xét lại, tăng cường kỷ cương kỷ luật, không để sai phạm tương tự xảy ra nữa. Và lần này cũng vậy".
* Xin hỏi bộ trưởng là Chính phủ chỉ đạo như thế nào về vụ việc này?
- Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế báo cáo. Cụ thể là Phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực này đã có ý kiến chỉ đạo và Văn phòng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ Y tế và các địa phương rà soát các quy định, đặc biệt phải tăng cường thanh tra, kiểm tra vì văn bản đã có rất nhiều rồi.
Ngành y tế có rất nhiều đóng góp trong bảo vệ sức khỏe người dân trong điều kiện đất nước còn khó khăn. Nhưng có một thực tế là ngành y tế còn nhiều yếu kém bất cập. Trong đội ngũ của ngành y tế gồm 400.000 người thì có 60.000 bác sĩ. Không phải không có những người, thậm chí có những nơi là tập thể nhỏ có biểu hiện suy thoái, biến chất về y đức, không làm đúng chức năng của người thầy thuốc, làm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người dân mà còn gây mất lòng tin cho toàn xã hội. Sau những vụ việc xảy ra, điều quan trọng là ngành y tế phải tăng cường công tác quản lý nhà nước để việc chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn, nhất là vấn đề y đức.
* Bộ trưởng nghĩ thế nào về việc cộng đồng mạng kêu gọi bộ trưởng Bộ Y tế từ chức?
- Chưa cần làm đến bộ trưởng, bất kỳ một người dân nào khi nghe đến những tiêu cực liên quan đến tính mạng con người, nhất là các hành vi thiếu nhân tính, trong lòng rất phẫn uất. Nhưng khi mình đảm đương một cương vị, nhất là cương vị bộ trưởng, được Đảng phân công, được Quốc hội là cơ quan quyền lực đại diện cho ý chí của nhân dân phê chuẩn thì điều quan trọng nhất là làm tốt nhất với trách nhiệm cao nhất của mình.
Cá nhân tôi không nghĩ rằng cứ xảy ra một vụ việc cụ thể thì một người bộ trưởng nghĩ ngay đến việc từ chức hay không từ chức. Điều đầu tiên nghĩ là tại sao lại như vậy, do chủ quan của ngành mình hay khách quan, do thời kỳ mình chỉ đạo hay do nhiều thời kỳ để lại? Điều quan trọng nhất là phải có quyết tâm, lộ trình, kế hoạch để làm sao tình hình tốt hơn với tất cả trách nhiệm.
Tôi cũng nói thế này, không biết có đúng không vì đây là cảm xúc không chỉ vụ việc này đâu, có những vụ báo chí đưa lên, ngay cả như tôi từng này tuổi rồi nhưng nói thật có những vụ việc vẫn còn khiến tôi run người lên vì sợ như những vụ việc về đạo đức xã hội, những hành vi vi phạm pháp luật, giết người man rợ.
Tôi nhớ không nhầm, năm vừa qua có khoảng 1.530 vụ giết người. Công an có nói khoảng 80% do ngoại cảnh tác động chứ không phải có âm mưu gì. Trong số này liệu có những người thuộc sự quản lý của ngành này hay ngành khác không? Chắc là có chứ. Trong giới báo chí đang ngồi đây cũng có những người vi phạm hình sự không? Chúng ta nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm khắc tích cực nhưng tình cảm và ý chí của chúng ta là phải làm sao để sự nghiệp tốt hơn.
Tôi nghĩ rằng vừa qua báo chí đã có thông tin rất nhiều, khách quan, chân thực và đa chiều. Chúng tôi tiếp nhận những thông tin đó chính là những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân gửi đến lãnh đạo ngành y tế cũng như lãnh đạo của tất cả các ngành liên quan nhiều đến đời sống thì chắc chắn là từng người có trách nhiệm đều nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình và đều biết rõ mình phải làm gì để không phụ lại tấm lòng của nhân dân.
Bình luận của bạn