Khái quát chung, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, tại Việt Nam, tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm chủng từ trước đến nay không cao hơn so với thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Từ đầu năm 2013 đến nay có 11 trường hợp tử vong sau tiêm chủng thì cả 5 trường hợp này, theo đánh giá của Hội đồng và chuyên gia WHO đều không liên quan đến tiêm chủng.Hai trường hợp tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B và 1 trường hợp tử vong sau tiêm BCG (phòng lao) không liên quan đến tiêm chủng.
Riêng vụ việc 3 trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B tại bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa, Quảng Trị ngày 20/7/2013, bà Tiến giải thích, đây là sự cố hi hữu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng chưa từng xảy ra trong hơn 25 năm thực hiện chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Bộ Y tế đã phối hợp với Sở Y tế, cơ quan CSĐT CA tỉnh Quảng Trị và các đơn vị liên quan điều tra toàn diện về dịch tễ học, lâm sàng, quy trình tiêm chủng nhằm xác định nguyên nhân sự cố.
Dựa trên kết quả kiểm tra thực địa và kết quả khám nghiệm tử thi của cơ quan CSĐT tỉnh, Bộ Y tế sơ bộ kết luận đây là chùm ca bệnh phản ứng sau tiêm chủng vắc xin viêm gan B sơ sinh, do sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân. Đoàn điều tra đã phát hiện các sai sót trong quá trình thực hiện tiêm chủng như bảo quản, quản lý, triển khai tiêm vắc xin chưa đúng quy định của Bộ.
Ngày 10/10 Công an Quảng Trị đã khởi tố vụ án “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” xảy ra tại bệnh viện huyện Hướng theo Điều 99 - BLHS.
“Trên thực tế, ở một số nước việc sai sót trong quá trình thực hành tiêm chủng (tiêm nhầm thuốc) đã từng xảy ra, điều này không ai mong muốn” - báo cáo của Bộ trưởng Y tế nêu rõ.
Bản báo cáo của Bộ trưởng Y tế vừa được gửi tới các đại biểu chiều 25/10 nhưng ngày ký công văn thể hiện là 21/10. Ngoài nội dung "giải trình" về vấn đề phản ứng sau tiêm vắc xin, bản báo cáo cũng dành một phần nói về một số vụ việc tiêu cực trong ngành thời gian qua.
Về vụ việc rút ruột vắc-xin ở Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, Bộ trưởng cho rằng đây là sai phạm có tính chất cá nhân trong việc thực hiện quy định tiêm chủng của Bộ. Cán bộ trực tiếp tiêm chủng đã bị buộc thôi việc. Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tiến hành kiểm điểm phê bình trước lãnh đạo sở và bị cắt thi đua khen thưởng.
Liên quan đến nhân bản phiếu kết quả xét nghiệm để trục lợi bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức, Hà Nội, bà Tiến báo cáo vụ việc đang được điều tra làm rõ hành vi phạm pháp của các đối tượng, còn Thanh tra Bộ đã có công văn đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp bảo vệ người tố cáo.
Bộ Y tế cũng đã phát động phong trào thi đua thực hiện các điều y đức, các quy định chuyên môn, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, chấp hành pháp luật phòng chống tham nhũng… Song song với phong trào này là phong trào tố giác các sai phạm trong khi thi hành công vụ, nhiệm vụ của cán bộ trong ngành Y, qua đó có biện pháp chấn chỉnh ngay từ cấp cơ sở.
Báo cáo của Bộ trưởng Y tế gửi đến QH có mô tả: “Nguyên nhân của phản ứng sau tiêm chủng có thể do trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý sẵn có của trẻ, do đặc tính cố hữu của vắc xin, do sai sót trong thực hành tiêm (bảo quản vắc xin hoặc tiêm không đúng), do cơ địa, do các nguyên nhân khác hoặc không xác định được nguyên nhân. Tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 1 tuổi là 15,4% (năm 2012). Như vậy, mỗi ngày có khoảng 70 trẻ dưới 1 tuổi tử vong do các nguyên nhân khác nhau như viêm phổi, tim mạch… Đặc biệt, trong số này có 30 trẻ tử vong không rõ nguyên nhân. Nếu các trường hợp tử vong không rõ nguyên nhân này rơi vào các trẻ được tiêm chủng thì sẽ xảy ra hiện tượng tử vong tiêm chủng trùng hợp ngẫu nhiên với tử vong không rõ nguyên nhân. |
Bình luận của bạn