Bọ xít hút máu người gây bệnh gì?

Thực tế là bọ xít hút máu người đã có mặt ở tất cả các quận, huyện ở Hà Nội, số người bị chúng đốt cũng tăng nhanh. Ngoài ra, bọ xít hút máu người (BXHMN) cũng xuất hiện ở các tỉnh thành khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… Vấn đề nhiều người quan tâm là loại bọ xít hút máu người này có thể gây ra chứng bệnh gì? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn đọc trả lời câu hỏi đó.

Đặc điểm của BXHMN

Nghiên cứu của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho thấy, thời gian BXHMN phát tán mạnh trong ba tháng 6, 7, 8. Các ổ BXHMN thường ở những nơi ẩm thấp, bỏ hoang, có vụn vải hoặc gỗ mục, có nhiều chuột. Từ ổ, bọ xít có thể phát tán ra xung quanh trong bán kính 1,5 – 2km và cứ thế chúng lan truyền đi khắp nơi. Theo PGS.TS. Trương Xuân Lam, hiện chưa có nghiên cứu khẳng định bọ xít hút máu ở Việt Nam có khả năng truyền bệnh hay không. Còn TS. Hồ Đình Trung – Phó Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng Trung ương cho biết: BXHMN là một loại trung gian truyền bệnh, nó chỉ gây bệnh khi hút máu ở người có mang mầm bệnh. Nhưng ở Việt Nam không có mầm bệnh, giả sử nếu có thì cũng cực kỳ ít, vì thế, bọ xít bị nhiễm bệnh rất nhỏ. Nguy cơ lây bệnh sang người cũng không đáng kể. Đến thời điểm này, nước ta chưa ghi nhận một trường hợp nào mắc bệnh do bọ xít truyền.


Vậy BXHMN gây bệnh gì?

Để giúp bạn đọc mở rộng hiểu biết, chúng tôi giới thiệu 2 loại bệnh do BXHMN gây ra trên thế giới.

Bệnh Chagas ở châu Mỹ

Bệnh Chagas xảy ra ở châu Mỹ, lây từ động vật sang người, qua vết đốt của BXHMN. Bệnh có 2 thể: cấp tính và mạn tính. Bệnh cấp tính thường sốt nhẹ do nhiễm kí sinh trùng lần đầu. Sau khi bệnh cấp tự lành, hầu hết bệnh nhân chuyển sang bệnh mạn tính với đặc tính là có kí sinh trùng trong máu, dễ phát hiện kháng thể kháng ký sinh trùng, không có triệu chứng lâm sàng. Một số bệnh nhân bị tổn thương tim, đường tiêu hóa làm bệnh nặng lên và tử vong.

Triệu chứng bệnh: có hai thể cấp tính và mạn tính.

Thể cấp tính có thời gian ủ bệnh từ 1 – 2 tuần sau khi bị bọ xít đốt. Tại vết đốt, nổi ban đỏ chai cứng và sưng (Chagoma) kèm theo nổi hạch. Nếu ký sinh trùng vào niêm mạc mắt, có dấu hiệu Romana, là một dấu hiệu đặc trưng trong bệnh Chagas cấp gồm: phù nề không đau một bên mi mắt và mô quanh hốc mắt kéo dài đến 2 tháng. Bệnh nhân bị mệt mỏi, sốt cao, chán ăn, phù nề vùng mặt và tay chân, nổi hạch toàn thân, gan, lách to. Triệu chứng hiếm gặp là viêm cơ tim nặng, nhưng hầu hết bệnh nhân tử vong đều do suy tim. Có bệnh nhân bị viêm não, màng não. Đa số bệnh nhân cấp tính sau đều trở thành người mang mầm bệnh không triệu chứng hoặc trở thành mạn tính.

Thể mạn tính có triệu chứng rõ ràng sau nhiều năm hay hàng chục năm. Triệu chứng có thể gặp là loạn nhịp tim, viêm cơ tim và nghẽn tắc mạch máu. Một số bệnh nhân có nghẽn tắc mạch não, viêm não, màng não lan tỏa có hoại tử và xuất huyết. Bệnh nhân đau ngực, khó nuốt và nôn, thực quản thường bị giãn to, đau. Bệnh nhân thường khó thở khi hít vào, nhất là trong khi ngủ. Nhiều trường hợp bị viêm phổi, gầy yếu suy nhược, sút cân, dễ bội nhiễm và có thể tử vong.

Bệnh ngủ ở châu Phi

Bệnh ngủ do kí sinh trùng T. brucei gây ra, truyền bệnh cho người qua vết đốt của BXHMN. Sau khi bị BXHMN đốt, tùy loại ký sinh trùng gây bệnh mà có thời gian ủ bệnh từ 3 ngày đến vài tuần, hoặc từ vài tháng đến vài năm.

Bệnh nhân có thể có các triệu chứng: nổi săng tại vết bọ xít đốt. Mới đầu là ban sẩn đỏ, sau thành nốt phỏng, xung quanh trắng, rất đau. Bệnh nhân bị sốt nhẹ thất thường, nhưng cũng có khi sốt cao 40 – 410C, sốt thành từng đợt. Bệnh nhân có gan và lách to, nhức đầu, mất ngủ, đau khớp, sút cân, thiếu máu, phù, tim đập nhanh, nổi hạch…

Sau 4 – 8 tháng, bệnh nhân có biểu hiện: gầy yếu, suy kiệt, phù, hay mệt mỏi, nhức đầu… Rối loạn tâm thần như vẻ mặt buồn bã, lãnh đạm, ngủ gật ban ngày (nên gọi là bệnh ngủ). Thời gian đầu là ngủ gà ban ngày, nhất là vào buổi sáng nhưng đêm lại ngủ không yên giấc và hay mê sảng. Sau đó, ngủ gà tăng dần, thậm chí ngủ cả khi đang ăn. Bệnh nhân nhìn thờ ơ, thiếu sức sống và nói ngắc ngứ, không rõ ràng do run lưỡi. Dấu hiệu ngoại tháp như múa vờn, run, rung cơ cục bộ, đi kéo lê chân. Cuối cùng, bệnh nhân hôn mê và tử vong.

Lời khuyên của thầy thuốc

Tuy nói bệnh là ở châu Phi hay châu Mỹ, nhưng hiện nay, sự giao lưu toàn cầu là rất phổ biến nên việc mầm bệnh lây lan đến nước ta không thể nói là không có. Vì vậy, việc phòng tránh không để bị bọ xít đốt hút máu là rất quan trọng. Khi ngủ, nên mắc màn để phòng tránh bọ xít đốt.


Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin