BV tuyến dưới thiếu thuốc cấp cứu, giải độc

Chuyển viện vì thiếu thuốc

Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TP.HCM vừa tiếp nhận bé trai N.H.Q. (ba tuổi, ngụ Q.10 TP.HCM) bị ngộ độc nước rửa vàng. Bác sĩ (BS) Bạch Văn Cam, cố vấn Khối Hồi sức cấp cứu (BV Nhi Đồng 1) cho biết, bệnh nhi được cấp cứu kịp thời nhờ nhà ở gần BV. Nếu bệnh nhi ở các tỉnh thì khả năng tử vong rất cao vì nhiều BV tuyến dưới thiếu thuốc điều trị ngộ độc.

Trước đó, người nhà bé Q. mua chất tẩy trang về đánh bóng chiếc nhẫn, đựng dung dịch này trong chai nước giải khát nên bé Q. uống nhầm. Các BS BV Nhi Đồng 1 cho biết: cách đây không lâu, BV này đã cấp cứu cho bé K.T.Th. (năm tuổi, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận), bị ngộ độc khoai mì. Bệnh nhi được chuyển viện với lý do "BV địa phương thiếu thuốcgiải độc".

Không chỉ có tuyến tỉnh, nhiều BV tại TP.HCM cũng đang thiếu thuốc đặc trị. Đại diện một BV tuyến quận cho biết: "Hiện, chúng tôi chỉ có huyết thanh kháng nọc rắn lục tre do Việt Nam sản xuất. Các loại thuốc giải độc ngoại nhập như: huyết thanh kháng nọc rắn hổ chúa, rắn chàm quạp; thuốc giải ngộ độc khoai mì, chất tẩy trắng, thuốc xanh methylen điều trị ngộ độc củ dền… đều không có. Gặp những trường hợp ngộ độc này, chúng tôi phải chuyển lên tuyến trên".

BS Trần Quang Bính, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, BV Chợ Rẫy cho biết: "Một số BV tuyến cuối cũng thiếu các loại thuốc giải độc ngoại nhập". Nếu bị rắn hổ chúa cắn, nguy cơ tử vong trong vòng ba giờ rất cao, lúc đó nếu y tế cơ sở không có thuốc điều trị thì chuyển lên tuyến trên cũng khó cứu sống được người bệnh. "Khó khăn cho các khoa cấp cứu là số bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rất ít, mỗi năm một BV tiếp nhận một vài ca, trong khi không phải thuốc giải độc nào cũng có giá rẻ. Điển hình như huyết thanh kháng độc tố rắn chàm quạp có giá hơn hai triệu đồng/lọ; nếu nhập về trữ nhiều mà không sử dụng thì quá hạn phải tiêu hủy" - một BS băn khoăn.


Nhiều loại thuốc giải độc hiếm nhưng rất cần để cứu sống bệnh nhân

Không nhập vì…không có lãi

BS Bạch Văn Cam giải thích: trong khoai mì cao sản (sử dụng làm bột ngọt, trong công nghiệp) hoặc các dung dịch tẩy rửa đồ trang sức như vàng, bạc... có độc chất cyanua. Nếu uống phải độc chất này, sẽ bị ức chế hô hấp, dẫn đến khó thở, co giật, hôn mê, trụy mạch. Nếu không có thuốc giải độc đặc trị sodium thiosulfat để truyền tĩnh mạch, người bệnh dễ tử vong. Một bệnh nhân ngộ độc cần từ sáu-tám ống sodium thiosulfat. Với bệnh nhân bị ngộ độc củ dền, có khi chỉ cần sử dụng một ống thuốc xanh methylen là qua cơn nguy kịch. Thế nhưng, hiện nhiều BV tuyến dưới, nhất là tuyến tỉnh luôn thiếu thuốc này. "Tại BV Nhi Đồng 1 đôi lúc nguồn thuốc vẫn bị… đứt hàng"- BS Cam lo lắng.

Đại diện một công ty dược cho biết: "Hiện, các loại thuốc đặc trị dùng khi cấp cứu bệnh nhân đều được cấp phép lưu hành trên thị trường Việt Nam. Thế nhưng, các BV cần số lượng ít nên nhiều công ty dược không nhập vì… không có lãi. Một số công ty trong nước nhập thuốc về vì tính nhân đạo, hỗ trợ người bệnh; các công ty nước ngoài có văn phòng tại Việt Nam dường như không tham gia. Ngay cả khi chúng tôi cử người ra nước ngoài mua, họ cũng không thèm giao dịch khi giá trị mua thuốc chỉ vài ngàn USD. Để có thuốc, chúng tôi phải mua lại từ các công ty trung gian ở nước ngoài, từ lúc ký kết hợp đồng đến nhận hàng phải mất nhiều tháng".

Hiện công ty dược nêu trên đã không còn nhập thuốc xanh methylen. Đợt gần đây, theo yêu cầu của hai BV tuyến cuối tại TP.HCM, công ty này có nhập về 300 hộp, mỗi hộp 10 ống xanh methylen nhưng hai BV chỉ sử dụng gần 100 ống, số còn lại phải hủy.

Theo đề xuất của một số BS, Bộ Y tế phải có trách nhiệm bàn bạc với các địa phương để cấp ngân sách mua thuốc đặc trị dùng cấp cứu bệnh nhân.

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin