Bác sỹ chỉ cách nhận diện cơn ho cần dùng thuốc hay không khi trời nồm

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, thấy trẻ ho cha mẹ đừng vội sốt ruột, bởi cơn ho giúp tống đờm ra ngoài sẽ làm bệnh nhanh khỏi hơn. Ảnh: H.Hải

Không khí lạnh suy yếu, Bắc Bộ nồm ẩm đến hết tuần

Bạn đã biết dùng máy điều hòa, máy hút ẩm hiệu quả khi trời nồm?

Nồm ẩm kéo dài, cha mẹ chú ý chăm sóc con kẻo bệnh

Mẹo giặt và phơi quần áo nhanh khô trong ngày nồm ẩm

Đừng vội chữa ho cho trẻ

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, thời tiết Hà Nội đang trong những ngày ẩm ướt vì mưa Xuân, trời nồm, số lượng bệnh nhi đến khám vì hô hấp tăng lên, chiếm đến 60%.

“Viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới là phổ biến nhất và cả hai căn bệnh này đều kèm theo những cơn ho dễ khiến bố mẹ hoảng sợ. Nhiều người khi đưa con đến khám chỉ mong mỏi bác sỹ “kê cho cháu thuốc gì bớt ho”, “nghe con ho mẹ thắt hết cả ruột”, “bác sỹ kê giúp cháu thuốc gì đỡ ho vì cứ ho nhiều là dễ nôn trớ”… Đây là tâm lý khó tránh, nhưng lại là sự nóng vội sai lầm của các bà mẹ”, PGS. Dũng nói.

Trong khi đó, nhiều cơn ho thực sự lại có lợi cho bệnh lý của trẻ, giúp tống ra ngoài dịch nhầy, đờm… để trẻ nhanh khỏi bệnh hơn. Vì thế, PGS. Dũng đưa ra lời khuyên cha mẹ cần bình tĩnh trước cơn ho của trẻ, không tìm mọi cách giúp trẻ hết ho.

Bởi những cơn ho do nhiễm khuẩn hô hấp trên ở trẻ thực chất là làm bà mẹ, mọi người xung quanh lo lắng nhưng với trẻ lại không phải vấn đề phiền phức, kể cả cơn ho gây nôn.

Bởi thực tế điều trị lâm sàng cho thấy, ho có thể làm trẻ tỉnh giấc khi đang ngủ, nôn nhưng rất hiếm khi làm trẻ kiệt sức hoặc không thể ngủ được vì ho. Nhiều khi ho một cơn, nôn sạch, thay đồ xong trẻ lại ngủ một mạch đến sáng. Vì thế, các bác sỹ luôn cân nhắc kỹ dùng loại thuốc nào thích hợp với con ho của trẻ, thậm chí không cần dùng thuốc để tự khỏi.

Khi nào dùng thuốc giảm ho?

“Mẹ thì mong muốn con dứt ho, trong khi ho lại là phản xạ có lợi, bác sỹ phải làm sao?”, PGS. Dũng nêu vấn đề.

Theo ông, mỗi cơn ho ở các bệnh lý khác nhau lại có các biểu hiện khác nhau và thầy thuốc sẽ là người ra quyết định trẻ dùng loại thuốc gì.

Ho do cảm lạnh, virus, nhiễm khuẩn hô hấp trên:

Lúc này, nhóm thuốc ho thảo dược, long đờm được nghĩ đến dù những cơn ho do tác nhân trên, dù không dùng thuốc, cơn ho sẽ “hết lúc nào không biết” sau vài ngày hoặc 1 – 2 tuần.

Nếu quá sốt ruột với những cơn ho của trẻ, có thể cho trẻ uống thuốc ho đông y, hoặc các loại thuốc ho tự chế từ thảo dược như mật ong ngâm chanh đào, lá hẹ, vỏ quýt hấp mật ong, hoa hồng hấp đường phèn…

Ho do viêm phổi, viêm phế quản:

Có rất nhiều nhóm thuốc ho, trong đó nhóm thuốc ho long đờm với Acetylcystein có tác dụng tiêu chất nhày, làm giảm độ đặc quánh của đờm ở phổi bằng cơ chế kích thích để bệnh nhân dễ ho tống đờm ra ngoài.

Đây là lý do mà “sao uống thuốc ho trẻ vẫn ho", nhưng thực tế lại lợi cho trẻ khi ho vì viêm phế quản, viêm phổi.

Hay với thuốc ho có hoạt chất carbocysteine cũng có tác dụng làm loãng chất tiết phế quản, giảm độ quánh và đặc của đờm làm cho bệnh nhân dễ dàng ho, bật ra đờm nhưng lại chỉ dùng trong bệnh lý hô hấp nhưng có hiện tượng khó khạc đờm như các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và dưới ở thể nhẹ và vừa.

Ho do viêm mũi dị ứng:

PGS. Dũng cho biết, có bệnh nhi đến khám sau cả 1 – 2 tháng đi khám nhiều nơi vì trẻ cứ ho không dứt. Nghe cơn ho của trẻ, bác sỹ lại nhận ra vấn đề từ…. mũi. Do trẻ bị viêm mũi dị ứng (dù không tiết dịch) nhưng lại kích thích gây ra những cơn ho đặc trưng dai dẳng.

Có rất nhiều loại thuốc ho trên thị trường, tùy vào đặc tính cơn ho, bệnh mà trẻ đang mắc bác sỹ mới có thể đưa ra chỉ định phù hợp. Việc dùng tuỳ tiện có thể gây hại bởi mỗi loại thuốc lại có công dụng khác nhau. Ảnh: H.Hải

Lúc này, xịt thuốc chữa dị ứng mũi sẽ làm giảm cơn ho. Hoặc dung thuốc có Clopheniramine, thuốc Diphenhydramin sẽ mang lại tác dụng chữa ho do viêm mũi dị ứng.

Thuốc thường được phối hợp với một số chế phẩm khác để điều trị ho và cảm lạnh.

“Đặc biệt chú ý loại thuốc này lại không dùng được cho bệnh nhân ho do viêm phế quản, viêm phổi hoặc trong cơn hen phế quản cấp vì có thể làm quánh niêm mạc dịch, dễ dẫn đến suy thở hoặc có tác dụng phụ như: gây khô miệng, buồn ngủ hoặc làm một số trẻ ăn kém hơn. Đây là lý do tôi luôn nhấn mạnh, dùng thuốc ho loại nào cần có chỉ định của thầy thuốc”, PGS. Dũng nói.

Ho kích ứng:

Nhóm thuốc ho có thuốc phiện và dẫn chất như Dextromethorphan được bác sỹ kê cho các trường hợp ho kích ứng, do nó có tác dụng lên trung tâm ho ở hành não.

Thuốc ho này có công dụng giảm ho nhất thời đối với các trường hợp ho do kích thích nhẹ ở phế quản, thường gặp trong ho cảm lạnh thông thường. Thuốc không có tác dụng long đờm. Mặc dù độc tính thấp nhưng nếu dùng liều cao có thể gây ức chế hô hấp do ức chế hệ thần kinh trung ương.

Với loại thuốc ho này lại cần thận trọng không nên dùng cho trẻ dưới 2 tuổi và những trường hợp bệnh nặng có ứ đọng nhiều đờm dãi.

Ngoài ra, thuốc ho có Codein cũng có tác dụng giảm ho do tác động trực tiếp lên trung tâm ho ở hành não. Tuy nhiên thuốc làm khô và quánh dịch tiết ở phế quản nên cũng không dùng cho các trường hợp nhiều đờm, không khuyến khích dùng cho trẻ dưới 5 tuổi.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin