Anh Tuấn Anh vinh dự được chọn làm đại diện cho miền Bắc phát biểu cảm tưởng về những lần đi hiến máu
5 ngày, Hành trình Đỏ tiếp nhận hơn 3.200 đơn vị máu
“Hành trình Đỏ giúp phong trào hiến máu tình nguyện phát triển mạnh mẽ”
Nguy cơ tiếp tục thiếu máu điều trị trong tháng 8
Cho máu đi, bạn ơi, máu sắp cạn kiệt rồi!
Còn sức khỏe, còn hiến máu
Anh Nguyễn Tuấn Anh - cán bộ của Chi nhánh Xí nghiệp Môi trường Đô thị Từ Liêm (Hà Nội) đã bén duyên với hiến máu từ khá sớm. Năm 1994, mỗi lần xem tivi anh thường được nghe về những người bệnh tính mạng đe dọa chỉ vì thiếu máu. Ngày qua ngày, những gì mà anh xem được, nghe được trên tivi thấm sâu vào tâm trí. Anh suy nghĩ, mình không có tiền nhưng mình có sức khỏe, mình có máu và mình có thể giúp đỡ mọi người bằng chính những giọt máu của mình. Chính ý nghĩ đó đã thôi thúc chàng sinh viên của trường Đại học Khoa học Tự nhiên đạp xe đạp đến Bệnh viện Xanh Pôn để đăng ký hiến máu, khi đó anh vừa tròn 20 tuổi.
Anh Tuấn Anh đã gắn bó với phong trào hiến máu tình nguyện suốt 20 năm (Ảnh: Trần Lưu)
Những ngày đầu hiến máu, anh vấp phải sự phản đối của gia đình, bạn bè. “Người hiểu thì đồng lòng tán thưởng. Người không hiểu thì cho mình là người điên. Có người nói rằng mình vào bệnh viện bán máu lấy tiền nuôi thân. Ngày đó, chi phí cho người hiến máu tình nguyện và người bán máu như nhau là 150.000 đồng/người. Vài năm sau đó thì chi phí này có sự thay đổi, số tiền bồi dưỡng người hiến máu nhận được là 120.000 đồng/người".
Những tờ giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện của anh Tuấn Anh (Ảnh: Trần Lưu)
Bỏ qua những cái nhìn không thiện cảm của mọi người anh vẫn tiếp tục hiến máu. Mỗi năm anh hiến từ 2 – 3 lần, tính đến nay anh Tuấn Anh đã hiến máu 38 lần, trong đó có 25 lần trực tiếp hiến tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương. Anh Tuấn Anh chia sẻ: “Có lần tôi vào viện và chứng kiến những bệnh nhân đang yếu dần vì thiếu máu, thấy nỗi lo lắng, thất vọng trên gương mặt của những người nhà bệnh nhân, sự chờ đợi của các y bác sỹ... tôi thấy hiến máu tình nguyện thật cần thiết. Máu có thể chờ người bệnh nhưng người bệnh không thể chờ máu”.
Không chỉ là một cá nhân tham gia hiến máu tích cực, anh Tuấn Anh còn là một tuyên truyền viên xuất sắc trong phong trào vận động hiến máu tình nguyện của đội Thanh niên Vận động Hiến máu tình nguyện thành phố Hà Nội. Khát khao được cống hiến hết mình, anh đã bỏ nhiều thời gian cùng các anh chị em trong đội tuyên truyền đi đến từng giảng đường, lớp học, dãy ký túc xá, khu nhà trọ... chia sẻ kiến thức và vận động từng đơn vị máu quý giá cho người bệnh. Mọi người vẫn đùa vui gọi anh là con người "nghiện" hiến máu.
Anh Tuấn Anh được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng bằng khen vì có thành tích trong phong trào hiến máu tình nguyện (Ảnh: Trần Lưu)
Giờ đây, khi đã trở thành một cán bộ công tác tại Xí nghiệp Môi trường Đô thị Từ Liêm, hiến máu tình nguyện vẫn là một thói quen “cố hữu” của anh Tuấn Anh. Dù không còn tham gia hội thanh niên vận động hiến máu Hà Nội nhưng mỗi lần có cơ hội anh luôn vận động người thân, lôi kéo đồng nghiệp hay những người quan tâm đến việc cho máu cứu người.
Khi sống hiến máu, khi chết hiến xác
Không chỉ dành cả đời với công tác cho đi những giọt hồng quý giá mà anh Tuấn Anh còn quyết định đem toàn bộ cơ thể mình cống hiến cho y học. Khi chia sẻ về việc hiến xác, người thân trong gia đình anh phản đối và không đồng ý. Nhưng khi anh chia sẻ những suy nghĩ tận đáy lòng mình, mọi người đã dần ủng hộ. "Ai chết đi rồi cũng sẽ trở thành cát bụi, nếu hiến xác mình có thể tái sinh vào người khác, dù chỉ là một bộ phận nào đấy trên cơ thể, nhưng giúp cho ai đó hoặc lành lặn, hoặc kéo dài sự sống thì đó cũng là một niềm hạnh phúc. Hiến máu là công việc tôi đã làm suốt cuộc đời này, còn hiến xác là điều cuối cùng tôi có thể để lại cho cuộc đời này".
Bình luận của bạn