Cần tăng cường hỗ trợ nạn nhân da cam

Trở về sau chiến tranh, ông Lê Minh Tư, quê ở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam mang trong mình chất độc da cam/dioxin. Chất độc ấy không chỉ từng ngày ăn mòn sức khỏe của ông mà đau đớn hơn là nó để lại di chứng trên 4 đứa con của ông. Đứa thì không tay, không chân, đứa thì bị thần kinh lúc nào cũng như trẻ lên ba… Thu nhập của gia đình ông đều nhờ vào 6 sào ruộng và trợ cấp hàng tháng của Nhà nước; chi tiêu tằn tiện cũng đủ ăn và chi phí thuốc men cho các thành viên trong gia đình. Nhìn các con mà lòng ông quặn thắt, lo cho tương lai của chúng sẽ ra sao?


Một gia đình chịu ảnh hưởng của chất độc da cam

Mỗi gia đình có một hoàn cảnh riêng nhưng tất cả các nạn nhân, gia đình nạn nhân da cam đều đang ngày ngày phải gánh chịu nỗi đau. “Nỗi đau da cam” đang hàng ngày làm nhiều nạn nhân phải vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 7.000 người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin của đế quốc Mỹ rải trong chiến trường miền Nam. Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc có gần 5.000 người đã được hưởng trợ cấp hàng tháng chế độ nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin; nhiều người mang trên thân thể nhiều di chứng và ảnh hưởng tới cả thế hệ con, cháu. Phần lớn nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học bị mắc các bệnh nan y như ung thư, tâm thần, vô sinh, dị dạng, dị tật... thậm chí liệt toàn thân.

Ông Đỗ Văn Long, Chủ tịch Hội nạn nhân da cam/dioxin tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Tỷ lệ hộ nghèo trong hội viên của Hội chiếm đa phần. Đời sống nạn nhân còn nhiều khó khăn, nhất là khả năng lao động của các nạn nhân. Họ không làm việc được, vốn đã nghèo lại càng nghèo hơn. Chúng tôi mong muốn, tới đây các bộ ngành tiếp tục quan tâm nhiều hơn đối với người có công nói chung và nạn nhân da cam nói riêng để góp sức xoa dịu nỗi đau da cam của các nạn nhân”.

Những tác hại do chất độc da cam còn gây hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường đã được nhiều nhà khoa học nhắc đến và bị dư luận thế giới lên án. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết: “Trọng tâm là công tác tuyên truyền vận động để cho nhân dân Việt Nam và thế giới thấy được thảm họa tàn khốc của cuộc chiến tranh hóa học. Nếu làm việc này tốt thì người ta hiểu và giúp các nạn nhân nhiều hơn. Chúng tôi tiếp tục vận động các tổ chức trong nước và quốc tế giúp đỡ các nạn nhân. Chúng tôi cũng tính đến phương án xây dựng những cơ sở y tế, trung tâm nuôi dưỡng người già cô đơn không nơi nương tựa và con cháu của họ khi bố mẹ già chết không còn ai trông nom; đồng thời Hội tiếp tục đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân”.

Chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin không chỉ là trách nhiệm của riêng một cá nhân, tổ chức nào mà là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài của toàn xã hội.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn