Cảnh báo: Mù mắt, bỏng toàn bộ mặt do nổ bóng bay

BS.Thống - Trưởng Khoa Bỏng, BV Xanh Pôn (Hà Nội) đang chăm sóc bệnh nhân bị bỏng do nổ bóng bay. (Ảnh: Thanh Loan)

Nổ bóng bay đêm Trung thu, 9 người nhập viện cấp cứu

10 thầy trò nhập viện vì nổ bóng bay

Nổ bóng bay ngày khai giảng, 3 người bị bỏng nặng

Sáng 28/2, TS.BS. Nguyễn Thống - Trưởng khoa Bỏng (BV Xanh Pôn, Hà Nội) cho biết chỉ trong vòng 15 ngày tại khoa đã tiếp nhận ba trường hợp bỏng nặng do nổ bóng bay bơm khí hydro. Hai bệnh nhân vẫn đang điều trị tại viện.

Bệnh nhân M L. (sinh năm 1995, đang là sinh viên ở Hà Nội) vẫn đang đau đớn sau hai tuần bị bỏng. Theo chia sẻ của bệnh nhân L. cho biết, chị bị tai nạn hôm 14/2, khi đang tổ chức một sự kiện cho các hội viên ở công ty.

“Khi đó chúng tôi chuyển bóng bay sang phòng có điều hòa, khi thay đổi môi trường bóng giãn nở đột ngột và bị nổ, khi đó 55 quả bóng bay đồng loạt phát nổ khiến tôi bị thương”, bệnh nhân L. chia sẻ.

Theo chị L. khi đó, ngoài bản thân bị nạn, một số người xung quanh cũng bị ảnh hưởng, nhưng do họ đứng ở xa hơn nên chỉ bị cháy xém tóc.

Bệnh nhân M. sau 3 ngày điều trị bỏng do nổ bóng bay

Cũng đang điều trị tại Khoa Bỏng (BV Xanh Pôn), chị D M. (sinh năm 1984, ở Hàng Ngang, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng đã chịu những cơn đau xé da, xé thịt vì bị bỏng bỏng bóng bay.

Theo lời kể, nhân tiệc mừng thọ bà nội 70 tuổi, gia đình chị M. đã mua chùm bóng bay hơn 20 quả về trang trí, sau đó mang cho trẻ em chơi. Không may trong lúc chị M. đang lấy chùm bóng ra khỏi túi nilon thì bất ngờ cả chùm bóng bay phát nổ. Chị M. bị khí hydro cháy trùm lên mặt, tay, gây bỏng khá rộng, không những thế bộ tóc và quần áo cũng bị cháy toàn bộ.

Theo bác sĩ Thống, sau hai ngày điều trị, hiện tại sức khỏe của chị Minh đã tốt hơn, có thể ăn nhẹ, nhưng vẫn rất đau đớn và phải dùng thuốc giảm đau hàng ngày.

Trước đó, một nam bệnh nhân (đã được ra viện) cũng bị bỏng bóng bay khi đang bơm bóng để bán. Do gần vùng mặt nên đã gây bỏng, tổn thương khiến một bên mắt bị hỏng hoàn toàn.

Bác sĩ Thống khuyến cáo, mọi người cần thận trọng khi chơi với bóng bơm khí, đặc biệt là trẻ em. Khi cho trẻ em chơi bóng bay cần tránh để gần lửa, cũng không nên cho trẻ chơi cả chùm bóng bay bởi việc cọ xát giữa những trái bóng trong một chùm bóng to cũng có thể gây nổ. Nổ vì bóng bay tuy không gây bỏng sâu nhưng lại gây hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

Cách sơ cứu bỏng do nổ bóng bay
Bác sĩ Thống – Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, bỏng do nổ bóng bay là một loại bỏng do nhiệt nên khi sơ cứu cũng giống với bỏng nhiệt. Nếu bị cháy quần áo, cần dập tắt lửa cho nạn nhân, làm lạnh vùng bỏng bằng cách tưới rửa, ngâm trong nước sạch, sau đó băng phủ lên chỗ bỏng một lớp gạc sạch rồi nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Người dân cần lưu ý là nếu quần áo bị dính chặt vào chỗ bỏng, không nên kéo quần áo ra sẽ gây trợt da.

Khánh Hương H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn