Ngày càng nhiều tội phạm công nghệ cao xuất hiện trên mạng
TPHCM: "Thần y" lừa đảo bán thuốc dỏm tái xuất
Đại tướng khen ngợi vụ triệt phá nhóm người Trung Quốc lừa đảo
Lừa đảo hàng trăm triệu đồng qua mạng xã hội bằng “thông báo trúng thưởng”
Cẩn thận bị thôi miên với "hơi thở của quỷ"
Có lẽ chưa khi nào tội phạm lợi dụng các phương tiện truyền thông, mạng internet để thực hiện hành vi phạm tội lại nhiều như hiện nay. Cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ, các thủ đoạn của tội phạm đang càng đa dạng, tinh vi và khó lường để thực hiện lừa đảo dưới mọi hình thức, chiêu trò mánh khóe trên tất cả bình diện. Nhưng có lẽ “lừa tình” là chiêu độc mà nhiều người mất cảnh giác nhất.
Tài sản biến mất cùng bạn mới quen
Vừa qua, Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã bắt giữ 1 đối tượng lừa đảo chuyên nghiệp, hành vi của đối tượng là làm quen với các nạn nhân qua chuyên mục tìm bạn trên sóng phát thanh sau đó lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tại cơ quan công an, Triệu Kim Tân (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm) khai nhận, khoảng cuối tháng 3/2015, qua radio chuyên mục tìm bạn, anh ta làm quen với chị Hoàng Thị Mai (ở Tiên Lữ, Hưng Yên, hiện đang làm việc tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long). Vẻ ngoài khá bảnh bao cùng với tài ăn nói của Tân đã nhanh chóng chiếm được tình cảm của chị Mai. Với lý do sẽ dẫn Mai về nhà ra mắt bố mẹ, khoảng 7h ngày 5/4, Tân đi xe buýt còn chị Mai đi xe máy Honda Wave Alpha đến bến xe Phùng. Sau đó, Tân đèo chị Mai và nói dối là đưa về nhà mình. Đến trước cổng Trường trung cấp Giao thông công chính trên quốc lộ 32, Tân bảo với chị Mai đứng đợi để Tân vào trường có việc. Gã trai mới quen sau đó đã mất hút cùng chiếc xe máy.
Cũng với thủ đoạn này, Tân đã “biến hóa” lừa thêm 3 cô gái trẻ khác, trong đó có một người ở Mễ Trì (cơ quan công an chưa xác định được tên tuổi) bị lừa lấy chiếc máy tính xách tay nhãn hiệu Dell. Một bị hại là chị Tú, được Tân mang xe máy đến đón đi chơi. Khi đưa chị Tú ra khỏi nhà trọ, Tân còn cẩn thận nhắc chị Tú không nên để tài sản có giá trị lớn ở nhà vì khóa cửa rất dễ bị kẻ gian cậy phá. Hôm Tân đón chị Tú đi chơi cũng là lúc chị đến ngân hàng rút tiền của bố mẹ gửi để đóng học phí. Số tiền 4 triệu đồng, giấy tờ tùy thân đã được chị Tú cất cẩn thận cùng máy tính xách tay trong chiếc ba lô. Nhưng chị không ngờ rằng, chỉ ít phút sau đó, số tài sản này của chị đã biến mất cùng anh bạn mới quen qua radio. Với chị Dương Khánh An (trú tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm), Tân lại buông lời hứa hẹn sẽ mua xe máy cho chị. Tân bảo chị An có bao nhiêu tiền đưa hết cho đối tượng, phần còn lại Tân sẽ bù cho chị An để có xe máy mới. Vừa lĩnh được tiền lương, chị An dồn hết cho Tân. Ngày 12/6, Tân báo tin vui cho chị An là đã mua được xe và hẹn chị đến ngã ba đường Trần Quốc Hoàn giao với Phạm Văn Đồng để đi Vĩnh Phúc lấy xe. Chị An đi xe máy đến đón Tân và mang theo một chiếc máy tính, điện thoại di động. Tân đèo chị An đến cổng Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh trên đường Hồ Tùng Mậu và bảo chị đợi để đi lấy thêm tiền. Toàn bộ số tài sản Tân chiếm được của chị An là 7,5 triệu đồng, xe máy, 2 chiếc máy tính xách tay và 1 điện thoại di động. Ngày 2/8, cơ quan CSĐT CAQ Bắc Từ Liêm đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Triệu Kim Tân để điều tra làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cảnh giác để không sập “bẫy”
Có thể thấy rằng, mạng xã hội, các phương tiện truyền thông mở ra nhiều mối quan hệ hữu ích cho người sử dụng nên nó nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng khá rộng rãi. Tuy nhiên, từ đây cũng bộc lộ mặt trái của nó, bởi do có tính tương tác cao nên nhiều loại tội phạm đã lợi dụng để lấy “đất” làm ăn, tạo nên những cạm bẫy lừa đảo người nhẹ dạ. Theo Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM cho biết, trong quá trình tư vấn, bà từng gặp nhiều cô gái gọi điện đến hỏi về việc có nên quen bạn trai qua mạng hay không. Nhìn nhận việc kết giao bạn bè là nhu cầu chính đáng của mỗi người, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin, ngày càng nhiều người lên mạng để tìm bạn, tuy nhiên các bạn trẻ nên xem internet chỉ là một kênh thông tin, và khi bước vào thế giới ảo cần tỉnh táo, khôn ngoan để không bị sa vào cạm bẫy của những kẻ lừa đảo trên mạng. Đa phần nạn nhân của những cuộc tình qua các phương tiện truyền thông là các cô gái trẻ tuổi, ít kinh nghiệm sống và dễ tin người. Nhiều vụ án xảy ra cho thấy, chỉ sau một vài lần chat với các chàng trai trên mạng, “con mồi” đã bị dụ dỗ gặp mặt rồi bị chiếm đoạt tài sản, thân xác, thậm chí còn bị bán qua nước ngoài. Hiện nay, việc kết bạn qua các phương tiện truyền thông đang bùng nổ, trên nhiều diễn đàn mạng có hàng trăm trang web công cộng được lập nên với mục đích làm cầu nối giúp các bạn trẻ chia sẻ thông tin tìm bạn. Chỉ cần đăng ký trở thành thành website này, một người có thể làm quen đến hàng chục bạn bè nam hoặc nữ. Tình cảm dễ khiến con người mù quáng khi đánh giá bất kỳ việc gì. Nhất là các bạn nữ “yêu bằng tai” dễ bị những lời ngon ngọt của các chàng trai gạ gẫm. Hãy nhớ một điều “những gì mau đến sẽ mau đi” và việc cẩn thận, cân nhắc không bao giờ thừa.
Điều đáng nói, đối với các loại tội phạm lừa đảo trên mạng, cơ quan chức năng chưa có biện pháp nào ngăn chặn hữu hiệu, bởi chưa thể kiểm soát được toàn bộ hệ thống mạng xã hội, vốn đang tăng trưởng với tốc độ chóng mặt. Do đó không thể tìm và chặn hết các giao dịch, hoạt động dẫn đến lừa đảo. Vì thế, đối với những người sử dụng internet và tham gia mạng xã hội hiện nay, điều khuyến cáo vẫn là phải tự nâng cao cảnh giác, tự phòng ngừa. Khi có dấu hiệu bị xâm hại cần nhanh chóng tự rút khỏi mạng và thông báo với cơ quan công an để tránh bị sập bẫy bọn lừa đảo, tiền mất, tật mang.
* Tên người bị hại đã được thay đổi.
Bình luận của bạn