Trẻ em: Lứa tuổi dễ mắc bệnh
Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với virus viêm não Nhật Bản đều có thể bị mắc bệnh. Theo Y văn Thế giới, tại những vùng bệnh viêm não Nhật Bản lưu hành, bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi (chiếm tỷ lệ trên 90% số trường hợp mắc bệnh), trong đó đa số là trẻ từ 1 - 5 tuổi.
Trẻ em thường là đối tượng mắc viêm não Nhật Bản
Hiện tại ở Việt Nam, tỷ lệ mắc viêm não Nhật Bản cao nhất ở nhóm trẻ em từ 5 - 9 tuổi hoặc lớn hơn. Người lớn có nguy cơ bị lây nhiễm nếu chưa được tiêm chủng, họ có thể bị nhiễm virus khi đi du lịch hoặc đi công tác vào vùng bệnh viêm não Nhật Bản đang lưu hành.
Bệnh viêm não Nhật Bản hiện nay vẫn được xem là bệnh lý nguy hiểm cho con người, nếu không phát hiện sớm và chữa trị kịp thời thì khả năng dẫn đến tử vong là rất cao. Theo thống kê, tỷ lệ tử vong của viêm não Nhật Bản chiếm khoảng 30%. Những bệnh nhân may mắn qua khỏi cơn bệnh thì cũng có khoảng 1/3 để lại nhiều di chứng nặng nề về thần kinh như liệt, chậm phát triển tâm thần, co giật, động kinh, một số trường hợp có thể bị mất khả năng ngôn ngữ hoặc không nói được, mất trí nhớ, cử động bất thường ngoài ý muốn như run rẩy, uốn éo, gồng cứng người…
Khó phát hiện ở trẻ nhỏ
Ở trẻ lớn và người lớn, dấu hiệu thường gặp khi mắc viêm não Nhật bản như sau: Bệnh thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng như sốt cao 39oC – 40oC, kèm đau đầu, buồn nôn và nôn. Sau đó dẫn đến co giật, co cứng cơ và lú lẫn.
Triệu chứng nổi bật trong giai đoạn toàn phát là những dấu hiệu ở não, ở màng não và rối loạn thần kinh thực vật. Dấu hiệu màng não có 2 triệu chứng phổ biến là “cứng gáy” và dấu hiệu Kernig (dấu hiệu này do bác sỹ khám và xác định). Rối loạn vận động thể hiện trên nhiều khuôn mặt như co cứng cơ mặt, co giật, run giật, liệt nửa người, mất vận động ngôn ngữ.
Ở trẻ nhỏ các dấu hiệu về VNNB không điển hình và khó phát hiện hơn người lớn
Các triệu chứng thần kinh thực vật rất đa dạng và nặng nề như nhiệt độ cơ thể dao động, xanh tái, rối loạn hô hấp, tăng tiết đờm dãi, nhịp tim nhanh, chướng bụng, nôn, bí đại tiểu tiện và ngừng hô hấp đột ngột. Các triệu chứng tâm thần chủ yếu là rối loạn ý thức với các mức độ khác nhau từ u ám, ngủ gà đến hôn mê sâu.
Ở trẻ nhỏ, các dấu hiệu trên không điển hình và khó phát hiện hơn, cần phải dựa vào một số dấu hiệu quan trọng là: nôn ói nhiều, thóp phồng (nếu còn thóp), khóc không thể dỗ nín hoặc khóc tăng lên khi trẻ được bồng lên hoặc làm thay đổi tư thế, gồng cứng người.
Bệnh viêm não Nhật Bản có những trường hợp nặng gây tử vong, còn một số biến chứng như sau: bội nhiễm phổi ở bệnh nhân hôn mê sâu do ứ đọng đờm nhớt, mất phản xạ ho, sặc hoặc liệt hầu họng dễ đưa đến viêm phổi hít; nhiễm khuẩn tiểu sau rối loạn cơ vòng hoặc sau thông tiểu bị nhiễm khuẩn; phù não do hạ natri máu; cơn động kinh ác tính xảy ra nếu không tích cực chống động kinh, chống phù não và cung cấp đủ oxy; xuất huyết tiêu hóa; suy dinh dưỡng và loét.
Biến chứng sau viêm não Nhật Bản rất nguy hiểm
Cho đến nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh viêm não Nhật Bản. Việc điều trị chủ yếu là hồi sức cấp cứu và điều trị triệu chứng như chống phù não, an thần chống co giật, kiểm soát nhiệt độ, hỗ trợ tuần hoàn, hô hấp, ngăn ngừa bội nhiễm và dinh dưỡng, chống loét... Theo đó, bệnh nhân cần vệ sinh răng miệng, xoay trở để tránh loét do tư thế nằm lâu; vỗ lưng, nằm tư thế dẫn lưu đàm, hút đàm rãi; nếu có bội nhiễm, cần điều trị bằng kháng sinh. Bệnh nhân cũng cần được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, nâng thể trạng.
Phòng bệnh như thế nào?
Bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh nặng, có thể tử vong hoặc biến chứng nặng. Vì vậy, việc phòng tránh bệnh trở nên rất quan trọng. Hiện nay, biện pháp phòng bệnh chủ yếu là tiêm phòng vaccin viêm não Nhật Bản. Những người du lịch có thời gian lưu trú ở nông thôn hơn 1 tháng hoặc trên 12 tháng ở thành phố có dịch cần được tiêm phòng.
Tiêm vaccine là cách hiệu quả nhất để phòng viêm não Nhật Bản
Vì bệnh chủ yếu do muỗi đốt truyền bệnh nên cần phải diệt muỗi và phòng chống muỗi đốt. Diệt muỗi bằng cách: dùng thuốc xịt muỗi, dùng vợt điện. Diệt bọ gậy bằng các biện pháp: thả cá bảy màu, cá đuôi cờ vào các nơi chứa nước như bể, chum, vại, lu, khạp... để cá ăn bọ gậy. Loại bỏ nơi muỗi đẻ: hủy bỏ các vật phế thải xung quanh nhà là những nơi có thể chứa nước mưa tạo nơi đẻ trứng của muỗi như chai lọ vỡ, ống bơ, gáo dừa, lốp xe... Bỏ muối hay nhỏ dầu hỏa vào bát nước kê chân chạn. Thường xuyên thay rửa lọ hoa (bình bông). Phòng tránh muỗi đốt bằng cách: mặc quần dài, áo dài tay cho trẻ em, người lớn. Luôn luôn ngủ trong màn, kể cả ban ngày.
Để nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống dịch bệnh và vai trò của tiêm chủng, Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế đã phối hợp với trường Đại học Y tế công cộng tổ chức Cuộc thi “Xây dựng Thông điệp phòng, chống dịch bệnh và tiêm chủng mở rộng” với cơ cấu giải thưởng rất hấp dẫn. Đối tượng tham gia dự thi là tất cả mọi người dân Việt Nam có khả năng tham gia sáng tạo các tác phẩm dự thi. Chi tiết xem tại địa chỉ website: thongdiepsuckhoe.com.vn. |
Bình luận của bạn