Cập nhật các tiến bộ mới trong kỹ thuật can thiệp tim mạch

Toàn cảnh Hội nghị Quốc tế “Những tiến bộ trong can thiệp tim mạch” - Ảnh: Hiệp Nguyễn/Sức khỏe+

GE Healthcare và Bệnh viện Hồng Ngọc hợp tác chiến lược về chẩn đoán hình ảnh

“Bệnh viện Thực hành Nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc” đầu tiên tại Hà Nội

Hội nghị đầu tiên của ĐNÁ về "Quản lý đường thở WAAM 2024"

Với mong muốn cập nhật các kỹ thuật tiên tiến trong điều trị bệnh lý tim mạch, mang đến hiệu quả tối ưu, rút ngắn thời gian điều trị và nâng cao tỷ lệ an toàn cho người bệnh - Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hồng Ngọc phối hợp cùng Hội Tim mạch học Việt Nam tổ chức Hội nghị Quốc tế “Những tiến bộ trong can thiệp tim mạch”.

Tham dự Hội nghị, có GS.TS Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam; PGS.TS.BS Lee Joo Myung – Khoa nội, Viện Tim mạch Đột quỵ, Trung tâm Y tế Samsung, Trường Y khoa Đại học Sungkyunkwang (Hàn Quốc); GS.TS.BS Ying-Hwa Chen, Giám đốc Bệnh tim cấu trúc, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Cựu chiến binh Đài Bắc (Trung Quốc); PGS.TS.BS Lê Văn Thạch, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc – Phúc Trường Minh… cùng với sự góp mặt của hơn 200 bác sĩ trong và ngoài nước.

200.000 người Việt tử vong vì bệnh tim mạch mỗi năm

Bệnh tim mạch và động mạch vành là một trong những bệnh lý phức tạp, với tỷ lệ tử vong cao, nguy cơ để lại di chứng nghiêm trọng. Tại Hội nghị, GS.TS Phạm Mạnh Hùng cho biết: “Bệnh tim mạch đã và đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Điều đáng buồn là trong khoảng 20 năm gần đây số lượng ca tử vong do tim mạch không giảm mà còn có xu hướng gia tăng, đặc biệt 2/3 số ca tử vong tập trung ở các nước có thu nhập trung bình và trung bình thấp. Đây là một tình trạng rất đáng báo động”.

GS.TS Phạm Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Hiệp Nguyễn/Sức khỏe+

GS.TS Phạm Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Hiệp Nguyễn/Sức khỏe+

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 39,5 % tổng số ca tử vong. Tỷ lệ này cao hơn so với những bệnh lý nguy hiểm khác: ung thư, đái tháo đường hoặc trong đại dịch COVID-19.

Về nguyên nhân góp phần làm gia tăng bệnh tim mạch, theo chuyên gia có nhiều yếu tố, trong đó toàn cầu hóa và đô thị hóa, sự thay đổi môi trường như là những tác nhân làm tăng lối sống không lành mạnh như hút thuốc lá, lạm dụng uống rượu, bia, ăn uống không hợp lý, ít vận động thể lực là yếu tố nguy cơ này làm phát triển bệnh lý tim mạch. Ngoài ra, yếu tố công việc căng thẳng, stress tinh thần cũng làm gia tăng căn bệnh này.

Những tiến bộ mới trong kỹ thuật can thiệp tim mạch

Với sự phát triển của y học hiện tháo , bệnh tim mạch có nhiều tiến bộ trong điều trị bằng xâm lấn tối thiểu như: Nong và đặt stent động mạch vành, đặt máy tạo nhịp, thay van động mạch chủ và sửa van hai lá qua đường ống thông… Tuy nhiên, trên một số nhóm đối tượng bệnh nhân bị bệnh động mạch vành nhạy cảm có nguy cơ chảy máu cao, nguy cơ tái hẹp trong stent, huyết khối trong stent cao đặc biệt người có bệnh cao tuổi, có nhiều bệnh nền: Tăng huyết áp, béo phì, đái tháo đường, bệnh lý gan thận… thì nong bóng phủ thuốc đang là giải pháp được đánh giá cao.

Tại Hội nghị, PGS.TS.BS Lee Joo Myung, Viện Tim mạch Đột quỵ, Trung tâm Y tế Samsung, Trường Y khoa Đại học Sungkyunkwan (Hàn Quốc) đã cập nhật nghiên cứu mới nhất về các quy chuẩn kỹ thuật khi thực hiện nong bóng phủ thuốc ở bệnh nhân có bệnh động mạch vành và nguy cơ chảy máu cao.

PGS.TS.BS Lee Joo Myung trình bày báo cáo tại Hội nghị - Ảnh: Hiệp Nguyễn/Sức khỏe+

PGS.TS.BS Lee Joo Myung trình bày báo cáo tại Hội nghị - Ảnh: Hiệp Nguyễn/Sức khỏe+

Nong bóng phủ thuốc là phương pháp điều trị mới trong điều trị hẹp mạch vành. Bóng phủ một lớp thuốc chống tái hẹp. Khi sử dụng, lớp thuốc sẽ được giải phóng một cách tối ưu theo chu vi của mạch vành.

Bóng phủ thuốc không cần khung giá đỡ kim loại, không để lại thiết bị nào trong lòng mạch. Vì vậy, quá trình nội mạc diễn ra nhanh hơn và góp phần giảm hai nguy cơ: Huyết khối cấp trong lòng stent và chỉ cần dùng một liều thuốc chống đông máu ngắn hạn sau thủ thuật, giảm nguy cơ chảy máu. Theo báo cáo mới nhất của PGS.TS.BS.Lee Joo Myung, kỹ thuật này còn giảm đáng kể tỷ lệ tái hẹp sau can thiệp tim mạch.

Cũng tại Hội nghị, các chuyên gia cập nhật kỹ thuật đo phân suất lưu lượng dự trữ vành không xâm lấn vFFR (vFFR – vessel Fractional Flow Reserve). vFFR là kỹ thuật mới, đo phân suất lưu lượng dự trữ vành không xâm lấn với độ chính xác rất cao, thời gian cho kết quả chỉ mất vài phút, giúp bác sĩ tiết kiệm thời gian và kinh phí cho bệnh nhân.

Lần đầu tiên ứng dụng kỹ thuật nong bóng phủ thuốc kết hợp phần mềm vFFR

Tại Hội nghị, ThS.BS Nguyễn Văn Hải, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp BVĐK Hồng Ngọc, đã trực tiếp thực hiện ca can thiệp ứng dụng kỹ thuật nong bóng phủ thuốc cho bệnh nhân 65 tuổi, hẹp mạch 90% có nguy cơ chảy máu cao. Ca can thiệp được phát sóng trực tiếp tại Hội nghị, được xem là điểm nhấn đáng chú ý nhất của chương trình.

Ca can thiệp do ThS.BS Nguyễn Văn Hải thực hiện được phát sóng trực tiếp tại Hội nghị - Ảnh: Hiệp Nguyễn/Sức khỏe+

Ca can thiệp do ThS.BS Nguyễn Văn Hải thực hiện được phát sóng trực tiếp tại Hội nghị - Ảnh: Hiệp Nguyễn/Sức khỏe+

Đặc biệt, cũng trong ca can thiệp này, bác sĩ Hải đã kết hợp ứng dụng phần mềm vFFR - đo phân suất dự trữ lưu lượng vành không xâm lấn, lần đầu tiên triển khai tại miền Bắc. Phần mềm vFFR được xem là một bước tiến mới trong can thiệp mạch, thay thế phương pháp đo phân suất dự trữ lưu lượng vành FFR xâm lấn truyền thống, giúp bác sĩ kiểm tra được chính xác vị trí mạch tổn thương hạn chế xâm lấn thiết bị vào cơ thể, không xâm lấn, tiết kiệm thời gian cho bệnh nhân.

“Với việc cung cấp các hình ảnh chụp mạch vành và huyết áp, phần mềm vFFR sẽ tái tạo mô hình 3D của các động mạch này. Sau đó tự động phân tích phân tích lưu lượng dòng máu qua các đoạn hẹp của động mạch vành dưới dạng báo cáo các chỉ số chi tiết để hiển thị trên màn hình. Từ đó giúp bác sĩ có dữ liệu đánh giá đầy đủ, toàn diện để đưa ra phương án điều trị tối ưu nhất, cũng giúp bệnh nhân tiết kiệm chi phí và rút ngắn thời gian điều trị”, ThS.BS Nguyễn Văn Hải cho biết.

Sự thành công của kỹ thuật nong nóng phủ thuốc và vFFR được xem là những bước tiến mới trong can thiệp tim mạch tại Việt Nam, hiệu quả với đối tượng có nguy cơ chảy máu cao, theo kịp xu hướng điều trị ít xâm lấn hiện nay.

 

Hội nghị Quốc tế "Những tiến bộ trong can thiệp tim mạch” diễn ra trong ngày 10/08/2024 với 7 phiên báo cáo về các tiến bộ mới nhất trong can thiệp tim mạch, thay van động mạch chủ, cấp cứu sốc tim... được trình bày bởi các chuyên gia tim mạch đến từ các bệnh viện lớn trên thế giới và tại Việt Nam. Đây là cơ hội để các bác sĩ, chuyên gia giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, cùng nhau thảo luận về những thách thức và giải pháp mới trong lĩnh vực can thiệp tim mạch.

Lê Tuyết - Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội