Cấy thành công bộ phận sinh sản nhân tạo


Vùng kín nhân tạo có thể đảm nhiệm chức năng tương tự như tế bào trong cơ thể.

Theo báo cáo trên chuyên san The Lancet, 4 thiếu nữ sinh ra với hội chứng Mayer-Rokitansky-Küster-Hauser (MRKH), mất đi tử cung và âm đạo hoặc hai bộ phận này kém phát triển, đã nhận được các bộ phận vùng kín được nuôi trong phòng thí nghiệm bằng chính tế bào của bệnh nhân. Các cuộc phẫu thuật đã được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2005 đến 2008 và tất cả các trường hợp đều hoạt động bình thường. Kết quả sinh thiết tế bào và ảnh quét MRI cho thấy vùng kín nhân tạo có thể đảm nhiệm chức năng tương tự như tế bào trong cơ thể.

"Cuộc nghiên cứu này là dự án đầu tiên chứng tỏ rằng vùng kín có thể được hình thành trong phòng thí nghiệm và sử dụng thành công ở người", theo trưởng nhóm nghiên cứu là tiến sĩ Anthony Atala, Giám đốc Trung tâm y khoa Baptist Wake Forest thuộc Viện Y phục hồi ở Bắc Carolina.

Chuyên gia này cho hay cuộc nghiên cứu trên có thể cung cấp một sự lựa chọn mới cho những bệnh nhân cần tái cấu trúc "vùng kín". Bên cạnh đó, thành công của cuộc nghiên cứu lại một lần nữa chứng minh rằng các biện pháp tái tạo bộ phận cơ thể có thể áp dụng cho nhiều cơ quan nội tạng cũng như tế bào.

Trong những trường hợp điều trị MRKH bằng phương pháp hiện tại, các bác sĩ dùng biện pháp phẫu thuật tạo hình hoặc giãn nở các tế bào hiện có để tạo vùng kín tạm thời cho bệnh nhân. Tuy nhiên, quá trình này gây biến chứng đến 75% số trường hợp và vật liệu dùng để tái cấu trúc thường thiếu lớp màng mô.

Trong khi đó, cuộc nghiên cứu tại Mỹ sử dụng tế bào và cơ lấy từ bộ phận sinh dục của chính bệnh nhân qua quá trình sinh thiết, từ đó tạo nên một giàn giáo có hình dạng của vùng kín. Kế đến, các nhà phẫu thuật tạo nên một ống ở xương chậu và khâu giàn giáo đó vào bên trong. Khi các vật liệu giàn giáo được đưa vào cơ thể, các tế bào bắt đầu hình thành cấu trúc hỗ trợ lâu dài và cuối cùng biến thành một cơ quan mới, có hình dáng phù hợp với từng bệnh nhân. Sau quá trình quan sát và nghiên cứu thêm, liệu pháp điều trị này có thể được sử dụng cho những người bị ung thư hoặc chấn thương vùng kín.

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Basel (Thụy Sĩ) đã áp dụng kỹ thuật tương tự các đồng nghiệp Bắc Carolina để tái tạo lại mũi của bệnh nhân ung thư da. Liệu pháp này có thể thay thế phương pháp lấy sụn từ xương sườn hoặc tai nhằm khôi phục lại hình dáng mũi bị ăn mòn trong lúc phẫu thuật cắt khối u. BBC dẫn lời Giáo sư Martin Birchall nhận xét rằng các công trình nghiên cứu trên không những điều trị thành công những người mắc phải tình trạng bệnh hiểm nghèo mà còn giải quyết một số câu hỏi quan trọng nhất về công nghệ xây dựng tế bào.

linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin