Dừng so sánh bé với ai nếu mẹ không muốn bé nghĩ rằng mẹ không thương bé
Dạy con ứng xử với tiền lì xì Tết
Con hư tại... cha mẹ - chẳng sai!
Dạy con kỹ năng đối phó với người lạ
Dạy con tốt bụng hơn giỏi giang
Chị Phương (Nghĩa Tân - Cầu Giấy) một lần nghe mẹ chồng kể lại, bé Tôm 6 tuổi con chị tâm sự rằng: "Con buồn lắm bà nội ơi, mẹ con không thương con mà chỉ thương con cô Hoa hàng xóm thôi". Những câu nói thật lòng của bé khiến chi giật mình và suy nghĩ lại về cách cư xử của mình. Không ít lần bé Tôm nói như thế nhưng chị lại không hề để tâm.
Con chị mới vào lớp 1, do còn bỡ ngỡ với cách học mới, vì vậy mà điểm số của bé không được cao như chị mong đợi. Chị thường so sánh bài làm của bé với bé Na của nhà hàng xóm và kết luận: "Sao con không siêng năng như bạn, con phải tập trung như bạn thì mới được điểm cao". Đôi lúc bị mẹ nhắc nhở quá nhiều, bé Tôm gào lên: "Con đã cố gắng hết sức rồi mà. Mẹ không thương con".
Bé 6 tuổi và vào lớp 1 được coi là bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Trong giai đoạn này, bé thường có những biến đổi tâm lý không ổn định. Bé nhạy cảm, rất hay tủi thân, buồn nếu bị mắng và thường cảm thấy rất có lỗi nếu làm sai việc gì. Khi bị mẹ mắng và so sánh với người khác, đối với bé đó là một thất bại và điều này khiến cho bé cảm thấy có lỗi và mặc cảm ở những lần sau. Đây là đặc điểm tâm lý của lứa tuổi và sẽ không tự mất đi theo thời gian mà ngược lại nếu không khéo léo trong cách nuôi dạy sẽ khiến cho bé trở thành một người tự ti, nhút nhát và sẽ khó thành công trong cuộc sống.
Mẹ đừng so sánh con với người khác
Dù là anh chị em sinh đôi thì 2 đứa con của bạn vẫn có những tính cách rất riêng và không thể bị trộn lẫn. Huống chi, con bạn với những đứa trẻ hàng xóm lại càng khác biệt. Cha mẹ hãy đặt mình vào địa vị của con. Liệu có ai muốn "được" liên tục so sánh với người khác? Những đứa trẻ hay rụt rè, mất tự tin thường có nguyên do từ những lời so sánh của cha mẹ dành cho trẻ trong thời thơ ấu, khiến con cảm thấy bản thân thua kém nhiều người. Cha mẹ không muốn con kiêu ngạo, nhưng đừng bao giờ làm bé cảm thấy mình không có giá trị. Việc so sánh con với những đứa trẻ khác có thể tạo cho trẻ động lực để phấn đấu. Tuy nhiên, nếu không tinh tế, cha mẹ có thể làm hỏng đời của con.
So sánh con với bạn bè khiến bé căm ghét bạn bè
Thu Hà là một cô bé chăm ngoan học giỏi. Tuy nhiên, cha mẹ em chưa bao giờ bằng lòng với kết quả học tập của Hà. Vì muốn cha vui, Hà luôn cố gắng chăm chỉ, làm bài tập về nhà đầy đủ, đọc thêm sách tham khảo. Em chỉ dành thời gian để học và quyết tâm được vào đội tuyển đi thi tiếng Anh quốc gia. Em chia sẻ: "Ngày em nhận được tin đi thi quốc gia em chạy về khoe ngay với bố mẹ. Tuy nhiên đáp lại vẻ hân hoan, háo hức của em bố mẹ chỉ nói một câu "lạnh nhạt", "đã ăn thua gì". Mới thế mà đã mừng hả con. Con nhà người ta còn đi thi quốc tế kìa. Tự nhiên, lúc đó em thấy hụt hẫng, cảm thấy sợ câu, con nhà người ta, con nhà này, con nhà kia mà bố mẹ hay nhắc tới. Em đã cố gắng hết sức trong mọi chuyện, nhưng chưa một lần làm bố mẹ hài lòng. Em buồn lắm và cũng chẳng có động lực để phấn đấu tiếp nữa".
Các bậc cha mẹ đều rất yêu thương và lo lắng cho con cái của mình. Chỉ có điều, đôi khi tình thương yêu có phần thái quá vì tâm lý cạnh tranh, luôn muốn con là số một, hay ít nhất cũng không thua kém bạn bè nên cha mẹ thường hay có tâm lý so sánh. Tuy nhiên, cha mẹ không hiểu rằng, sau những lần con thua kém bạn bè, con chỉ cần một cái vỗ vai của cha, có một cái ôm ấm áp của mẹ, con muốn nghe những lời khích lệ tinh thần "cố gắng lên con". Tình yêu của cha mẹ dành cho con cái chẳng thể nào so sánh với bất kì điều gì nhưng hãy cho con khoảng không gian của riêng mình để con thực sự trưởng thành, là chính mình.
Bình luận của bạn