Khi bạn đang căng thẳng, sợ kim thì không nên châm cứu vì kết quả không cao. Ảnh: T.G
Khoa Hồi sức tích cực BV 175, TPHCM đã cấp cứu cho bệnh nhân nam T.V.S, 38 tuổi, ở Bình Phước, nhập viện ngày 23/2/2014 trong tình trạng bị nhiễm khuẩn huyết, tổn thương gan nặng. Theo các bác sĩ, anh S đã châm cứu và sau khoảng 2 giờ bị đau nhức dữ dội, chóng mặt, sốt cao khá nguy kịch... nên được đưa vào BV 175 cấp cứu. Anh bị sốt cao, suy kiệt do viêm xương, viêm tủy xương tại đầu trên xương đùi trái… ban đầu xác định là do châm cứu gây ra.
Lương y Lê Minh (phố Cầu Gỗ, Hà Nội) cho biết, châm cứu cũng là một phương pháp điều trị tốt cho một số bệnh, nhưng việc thực hành châm cứu yêu cầu phải chuẩn xác, đúng huyệt đạo cần châm cứu, nếu châm cứu không đúng cách, có thể gây rủi ro, tai biến nguy hiểm.
Châm cứu hỗ trợ chữa bệnh gì?
Theo BS Hoàng Xuân Đại, nguyên bác sĩ BV Quân y 103, những bệnh chứng viêm đau khớp dạng thấp và các bệnh mạn tính khác nếu uống thuốc kết hợp châm cứu vào mùa hè sẽ có công hiệu trị liệu cao nhất. Đó là do mùa hè dương khí thịnh nhất, khí huyết tràn đầy, các chức năng cơ thể chuyển hóa mạnh mẽ, khí của kinh lạc lưu thông, các huyệt vị khá nhạy cảm với mọi sự kích thích.
Hiện có nhiều trường phái châm cứu nhưng phổ biến có 3 phương pháp: Điện châm: Dùng dòng điện để tăng kích thích của kim vào huyệt cho phù hợp với ngưỡng của người bệnh – là cách điều trị rất phổ biến trong y học cổ truyền; Thủy châm: Dùng thuốc tiêm trực tiếp vào các huyệt; Cứu ngải: Dùng điếu ngải châm lửa rồi hơ vào huyệt (y học cổ truyền gọi là cứu). Thầy thuốc sẽ châm nóng, để cứu thẳng vào huyệt hoặc cứu vào đốc kim châm cứu. Tinh dầu ngải và hơi nóng sẽ tác động sâu vào huyệt giúp phục hồi tổn thương nhanh chóng.
Mỗi loại châm cứu đều có một hiệu quả nhất định trên một số dạng bệnh lý khác nhau. Nhưng y học hiện đại đã ghi nhận châm cứu giúp phục hồi hệ kinh – mạch và tăng khả năng phòng vệ của cơ thể (sức đề kháng) nên có thể phòng, trị được bệnh và còn áp dụng điều trị giảm đau trong một số loại bệnh lý khác như liệt vận động, viêm không do vi trùng mạn tính…
Theo BS Phạm Hữu Lợi, châm cứu rất hiệu quả trong điều trị một số loại bệnh, nhưng không cẩn thận dễ gây ra những rủi ro như châm thẳng vào dây thần kinh có thể dẫn đến liệt, teo cơ… Người thầy thuốc châm cứu cần được đào tạo tốt, tự tin, có sức khỏe, thần kinh vững để tập trung thao tác. Trước và sau khi châm cần đảm bảo phải vô trùng y cụ. Không để bệnh nhân dùng chung kim châm để tránh lây bệnh.
Không nên châm cứu khi: - Đang căng thẳng, sợ kim, không hợp tác vì kết quả không cao. - Khi trong người thể trạng yếu, suy kiệt, tiểu đường… không nên châm cứu vì dễ bị sốc. - Trước khi châm cứu không ăn quá no, cũng không nên để bụng đói. |
Bình luận của bạn