Chất thải y tế nguy hại vẫn kiểu quản lý "trên giấy"

Đại tá Trần Trọng Bình - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, (Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) - đã trao đổi về những tồn tại bất cập trong công tác xử lý, kiểm tra trong lĩnh vực bảo vệ môi trường y tế và đề xuất cơ chế tăng cường quản lý nhà nước về vấn đề này.

- Là đơn vị trực tiếp làm công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với các cơ sở y tế, ông đánh giá như thế nào về tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở y tế?

Đại tá Trần Trọng Bình: Trong thời gian vừa qua, những vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường y tế đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng. Những vi phạm tương đối phổ biến như việc thu gom, xử lý chất thải y tế.

Đó là việc quản lý chất thải y tế nguy hại không đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường như không bố trí nơi lưu giữ riêng biệt chất thải y tế nguy hại, không phân loại triệt để chất thải y tế nguy hại tại nguồn, để lẫn chất thải y tế nguy hại với chất thải y tế khác.

Từ đó dẫn tới hiện tượng chuyển giao chất thải tái chế, chất thải sinh hoạt có lẫn chất thải y tế nguy hại cho các tổ chức, cá nhân không có chức năng xử lý chất thải y tế nguy hại.

Đối tượng vi phạm quy định trên là các cơ sở y tế, các phòng khám, bệnh viện, đặc biệt là các phòng khám tư nhân nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố, các đô thị lớn chưa đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.


Đại tá Trần Trọng Bình - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Nguyên nhân lịch sử

- Thực tiễn công tác phòng ngừa đấu tranh với các vi phạm hiện nay, ông có thể phân tích những nguyên nhân của tình trạng trên?

Nguyên nhân đầu tiên là do yếu tố lịch sử để lại. Nhiều bệnh viện đã xây dựng từ rất lâu, do trước đây công tác bảo vệ môi trường bị xem nhẹ, ít được quan tâm nên không có hệ thống thu gom, xử lý chất thải.

Thứ hai là người đứng đầu một số cơ sở y tế công lập chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho công tác bảo vệ môi trường, thường giao phó công tác này cho bộ phận cấp dưới, không thường xuyên kiểm tra, giám sát dẫn tới công tác quản lý chất thải y tế còn lỏng lẻo, tạo sơ hở để các đối tượng lợi dụng vi phạm.

Hiện nay, một điều còn tồn tại nữa là chưa có quy định cơ chế trách nhiệm bảo vệ môi trường đối với người đứng đầu ở các cơ sở y tế công lập. Họ chủ yếu quản lý về chuyên môn, hưởng lương nhà nước, kinh phí đầu tư thì trông chờ ngân sách cấp, trong khi bị phát hiện và xử phạt thì những cơ sở y tế công thì nguồn kinh phí để xử phạt là nguồn kinh phí của tập thể. Đây cũng là điều ảnh hưởng rất lớn, gây ra sự lãng phí rất lớn, mặc dù trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm về mặt tinh thần và vật chất của họ chưa được xem xét một cách đầy đủ.

Bên cạnh đó, một số cơ sở y tế, nhất là các cơ sở y tế tư nhân vì động cơ lợi ích đã trốn tránh nghĩa vụ xử lý các loại chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động. Họ không đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, không xây dựng hệ thống xử lý nước thải, không hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý chất thải y tế nguy hại mà chuyển giao cùng với chất thải sinh hoạt để tiết kiệm chi phí chi cho công tác bảo vệ môi trường.

Một nguyên nhân nữa là do chính sách xã hội hóa hoạt động chăm sóc y tế, nên nhiều phòng khám, bệnh viện đặc biệt là vùng sâu vùng xa không đảm bảo các thủ tục pháp lý về đăng ký đề án bảo vệ môi trường, các hồ sơ pháp lý về môi trường.

Ở những cơ sở khám chữa bệnh như tôi phân tích, mặc dù ký với các cơ sở lớn để thu gom chất thải y tế nhưng trên thực tế không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ việc thu gom và xử lý chất thải đó. Còn đối với các cơ sở y tế thì đây là món lợi, vì họ ký với khối lượng nhỏ hơn rất nhiều số lượng thực tế mà họ thải ra môi trường.

Nhân viên bảo vệ kiêm môi trường

- Như ông đã khẳng định, việc các chất thải y tế nguy hại được mang ra ngoài để bán cho các cơ sở tái chế nhựa là rất nguy hiểm vì nguy cơ lây lan mầm bệnh cao. Theo ông, những lỗ hổng trong khâu nào dẫn đến tình trạng trên?

Đúng là trong báo cáo thực trạng quản lý vấn đề này vẫn còn có những kẽ hở, có những bất cập vẫn còn xảy ra dẫn đến tình trạng vẫn còn có chất thải y tế nguy hại như dây truyền dịch ở các bệnh viện được đưa ra ngoài để làm nguyên liệu tái chế, sử dụng trong đời sống xã hội.

Theo tôi, lỗ hổng nhất là hiện nay chúng ta mới chỉ quản lý trên giấy tờ. Thứ nhất là đối với người xử lý và người chịu trách nhiệm đối với các cơ sở y tế là trách nhiệm của người đứng đầu không có, đặc biệt là đối với các bệnh viện công. Thường họ giao công việc này một nhân viên hoặc người làm kiêm nhiệm cả công tác bảo vệ và làm cả công tác về môi trường nên không có kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường, do vậy còn để xảy ra sai sót, vi phạm.

Thứ hai là trong công tác quản lý chất thải y tế, chúng ta mới chỉ quản lý trên giấy tờ, chúng ta chỉ kiểm tra là có hợp đồng thu gom vận chuyển xử lý chất thải y tế nhưng thực tế họ có thu gom hay không thì không ai giám sát. Chỉ có lực lượng bắt giữ thì mới biết đó là chất thải đang bị tuồn ra ngoài.


Bản hướng dẫn phân loại các chất thải rắn nguy hại tại một bệnh viện. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

- Để khắc phục và hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở y tế, theo đại tá, những giải pháp trọng tâm được đưa ra trong thời gian tới là gì?

Theo tôi, để làm tốt công tác quản lý và bảo vệ môi trường trong lĩnh vực y tế, chúng ta phải thực hiện rất nhiều các biện pháp đồng bộ, trước hết là phải làm tốt công tác tuyên truyền, phòng ngừa đấu tranh.

Đây là trách nhiệm này không chỉ riêng của ngành y tế mà lực lượng cảnh sát môi trường, các lực lượng khác như tài nguyên môi trường, ủy ban nhân dân các cấp, chính quyền các cấp có trách nhiệm cần nâng cao nhận thức của cộng đồng, sự giám sát của xã hội.

Thứ hai là chúng ta cần tăng cường hơn nữa hệ thống pháp luật để tạo nên một hành lang pháp lý để xử lý nghiêm đối với các tổ chức và cá nhân vi phạm và đặc biệt sớm ban hành những văn bản, thông tư hướng dẫn để xử lý tội phạm về môi trường.

Chẳng hạn như những quy định như thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng, mặc dù có quy định trong luật hình sự thế nhưng để định lượng thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng để làm cơ sở pháp lý, yếu tố cấu thành tội phạm, yếu tố vật chất cấu thành tội phạm thì cần phải có thông tư hướng dẫn. Về vấn đề này, Cục Cảnh sát môi trường được giao nhiệm vụ đã có văn bản kiến nghị, tham mưu đề xuất. Chúng tôi mong sự phối hợp của các ngành, các bộ, các cơ quan chức năng sớm ban hành văn bản quy định vấn đề này.

Vấn đề thứ ba là cần phải tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng, các cấp, các ngành và chính quyền địa phương, đặc biệt là trách nhiệm của các cơ quan chức năng chủ quản, của chính quyền địa phương cần phải xem xét và tăng cường quy chế phối hợp, thậm chí xem xét trách nhiệm khi để xảy ra các vi phạm.

Thứ tư, chúng tôi thấy rằng cần phải làm tốt công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực trình độ của các lực lượng thực thi pháp luật về phẩm chất đạo đức cũng như trách nhiệm nghề nghiệp.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
Doan Truong
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin