Trường hợp bội nhiễm do côn trùng đốt - Ảnh: Ngọc Thắng
Vết chích nhỏ, ổ mủ lớn
Nhập viện trong tình trạng bắp đùi bên phải sưng to, tấy đỏ lan rộng, toàn thân sốt nóng, chị T. (37 tuổi, ở Hà Nội) gần như không đi được. Theo chị T. thuật lại, nguyên nhân gây nhiễm trùng nặng khởi đầu chỉ là một vết ngứa do côn trùng. "Buổi tối ba ngày trước nhập viện, lúc ở nhà tôi bị ngứa phía sau bắp đùi và gãi. Tại chỗ ngứa có một nốt rất nhỏ, bằng đầu bút bi, hơi mọng nước. Sáng hôm sau, tôi vẫn bị ngứa nhưng nốt nhỏ đó đã chuyển màu trắng mưng mủ vàng. Thấy vậy tôi lấy tay nặn ra. Một ngày sau đó vết ngứa đã sưng tấy, xung quanh là quầng đỏ lan rộng". Vết sưng nhanh chóng loang ra một bên bắp đùi. Cảm giác đau nhức, nóng không thể cử động được một bên chân.
Bác sĩ Nguyễn Đàm Chính, công tác tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, lưu ý: "Vết gãi ngứa làm xây xước tổn thương bề mặt da khiến cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập, tạo nên ổ mủ, gây bội nhiễm nặng nề". Với bệnh nhân T., từ nốt nhỏ do côn trùng đốt ban đầu, khi nhập viện vết ngứa đã trở thành ổ viêm lan rộng (viêm mô tế bào), phải nhập viện điều trị. "Thậm chí đã có những trường hợp ban đầu là côn trùng đốt sau đó bội nhiễm, vi khuẩn chui vào máu gây nhiễm khuẩn huyết, nguy hiểm cho tính mạng và điều trị khó khăn hơn nhiều", bác sĩ Chính cho biết.
Cần điều trị đúng cách
Bệnh viện Da liễu Hà Nội tiếp nhận nhiều trường hợp viêm da do tiếp xúc do côn trùng. Có trường hợp bệnh nhân nam đến khám với vết sưng tấy, nhiễm trùng da phía bên trong của cánh tay. "Tôi bị nốt ngứa trong khi đi du lịch cùng gia đình. Lúc đầu chỉ là cảm giác ngứa nên gãi và có hiện tượng hơi sưng đỏ. Sau đó 2 ngày không những không bớt ngứa mà còn sưng tấy hơn. Tôi có ra hiệu thuốc, được hướng dẫn bôi thuốc mỡ, nhưng vết gãi nhanh chóng sưng to, có ổ mủ, người gây gây sốt nên đến bệnh viện khám", bệnh nhân thuật lại.
Theo TS-BS Nguyễn Minh Quang, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội, viêm da tiếp xúc do côn trùng là bệnh thường gặp, đặc biệt vào dịp xuân - hè. Khi bị côn trùng đốt, cần rửa vết ngứa bằng nước sạch để giảm nồng độ độc tố, giảm nồng độ chất tiết của côn trùng. Tránh gãi vì việc này càng làm cho chất tiết lan rộng, tổn thương thêm bề mặt da tăng nguy cơ bội nhiễm. Vết gãi không được giữ vệ sinh là điều kiện rất thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập, gây bội nhiễm.
Các bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do côn trùng hoặc bị côn trùng đốt cần đến gặp bác sĩ khám. Tổn thương sẽ có nhiều dạng khác nhau và phải được thăm khám kỹ lưỡng. Không nên bôi thuốc theo lời bày vẽ của người khác, không tự ý dùng thuốc khi chưa được bác sĩ thăm khám. Ví dụ, một nốt phỏng nước hoặc vết loét mà được bôi thuốc mỡ thì dễ dẫn đến bám dính, tróc vảy vết thương và lan rộng vết loét.
Trong trường hợp vết côn trùng đốt gây ổ mủ, gây sốt, cần được điều trị kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.
Bình luận của bạn