1
2

Trong xã hội phát triển với guồng xoáy của công việc cùng nhiều áp lực cuộc sống khiến cho nhu cầu “chữa lành”, cần “chữa lành” ngày càng cao. Chỉ cần gõ cụm từ “chữa lành” trên Google sẽ cho ra gần 43 triệu kết quả trong vòng 0,22 giây. Trên TikTok, từ khóa “chualanh”, “healing” thậm chí lọt Top 100 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam. Cùng với đó là sự bùng nổ của hàng trăm hội nhóm về “chữa lành” được lập ra trên Facebook, trong đó đặc biệt thu hút các bạn Gen Z (sinh năm 1997 - 2012).

Nhu cầu “chữa lành” ngày càng phổ biến có thể do những câu chuyện trong cuộc sống khiến con người bị tổn thương và cần tìm đến những biện pháp để vực dậy tinh thần. Trên các hội nhóm “chữa lành” không thiếu những trường hợp như vậy. Chẳng hạn như không chịu được sự tổn thương vì bị trượt phỏng vấn dù tốt nghiệp bằng giỏi, một bạn trẻ đã thử mọi cách “chữa lành” bằng thiền, yoga… Hay một nhân viên văn phòng phải chịu những áp lực từ công việc nên không ít lần phải tìm đến các phương pháp “chữa lành”.

3

Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của “chữa lành” khi nhiều người có thể tự xoa dịu được vết thương tâm lý, thoát khỏi cảm giác lo âu hay trầm cảm. Nhưng đáng tiếc thay, “chữa lành” cũng đang trở thành trào lưu và bị một bộ phận giới trẻ lạm dụng. Điển hình như một số bạn trẻ dù kinh tế gia đình khá giả, có công việc thu nhập ổn, không phải gánh nặng chuyện tiền nong nhưng luôn làm quá mọi chuyện, luôn suy nghĩ mọi thứ theo chiều hướng tiêu cực và luôn cảm thấy bản thân bị tổn thương. Họ tìm mọi lý do để nghỉ làm, “tự thưởng” cho mình chuyến du lịch hay uống xỉn tại các quán bar với mục đích gọi là “chữa lành”.

Cũng có không ít trường hợp chạy theo trào lưu, tìm một quán cà phê hay một góc nào đó thật đẹp để sống ảo, rồi đăng ảnh thở than lên mạng xã hội về cuộc sống không như ý. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, đây không phải là bệnh tật, mà là một biểu hiện đáng quan ngại của việc thích sống theo xu hướng, tự huyễn.

4

Đâu đâu cũng thấy cần được “chữa lành”, từ đó các “khóa học chữa lành” bắt đầu mọc lên như nấm. Những khóa học này được quảng cáo rất rầm rộ nhưng hiệu quả thế nào thì vẫn là câu hỏi lớn. Đôi khi, “chữa lành” lại trở thành cơ hội kiếm tiền của nhiều người. Nhiều cá nhân, tổ chức đang lợi dụng sự bất ổn về tâm lý, nỗi đau trong tâm hồn của nhiều người để lôi kéo, dụ dỗ bán những "khóa học chữa lành" với giá từ vài trăm đến vài chục triệu đồng. Do đó, mọi người cần phải cân nhắc kỹ khi tìm tới các khóa "chữa lành".

5

Những năm trong và sau đại dịch COVID-19 là khoảng thời gian có nhiều thử thách biến động với con người. Liên Hiệp Quốc đã gọi năm 2021 là "năm của sự chữa lành" (year of healing). Cụm từ này dần trở nên phổ biến hơn và đến năm 2023 là một trong những mối quan tâm của nhiều người.

Trong tiếng Việt, "healing" được hiểu là “chữa lành”. Thực chất đây là một thuật ngữ thể hiện sự hàn gắn, phục hồi cho cả cảm xúc, tâm hồn cũng như thể chất của con người.

6

Chia sẻ trên Báo Lao Động, Thạc sĩ Trương Phan Hồng Hà - Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, “chữa lành” thực chất là cơ chế tự nhiên của cơ thể con người, chúng ta cần hướng vào bên trong, lắng nghe cơ thể và tâm hồn mình, để luôn cảm thấy an yên, cân bằng dù bên ngoài xảy ra bất cứ điều gì. Người xưa thường nói, thời gian là phương thuốc hữu hiệu nhất để “chữa lành” mọi tổn thương. Chúng ta đôi khi chỉ cần sống một cuộc sống thường nhật an yên, nghỉ ngơi, ăn uống điều độ, hòa nhập với thiên nhiên, tĩnh dưỡng là đã có thể tự “chữa lành” mà không cần phải làm điều gì đó cao siêu.

7

Trong thời đại số, khái niệm “chữa lành” có thể chưa được hiểu đúng nghĩa của nó. Điều này gây ra nhiều sự xáo trộn và khiến thuật ngữ này bị lạm dụng. Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Vui chia sẻ trên Người đưa tin, thuật ngữ “chữa lành” hay bị đánh đồng với những chuyến đi du lịch xa xỉ, hoặc hay bị gắn liền với việc bỏ bê công việc để tận hưởng. Rõ ràng, đây không phải là từ “chữa lành” theo đúng nghĩa của nó.  

Có không ít bạn trẻ động một chút là than vãn mệt mỏi, áp lực với công việc nhưng đi liền sau đó là đăng lên mạng xã hội ảnh check-in tại một khu du lịch nào đó, kèm theo lời nhắn “mỏi mệt quá thì trốn thôi”, "mệt quá phải đi chữa lành thôi". Thực tế, trong cuộc sống ai cũng có những lúc gặp khó khăn, thậm chí là bất hạnh. Tuy nhiên, niềm đau, nỗi buồn là một phần tất yếu của cuộc sống, nó giúp ta vững vàng và trưởng thành hơn.

Tìm lại sự cân bằng là nhu cầu tự nhiên và cần thiết trong hành trình trưởng thành của mỗi người. Tuy vậy, bạn cần phải hiểu rõ “chữa lành”, tránh lợi dụng để sống buông thả, lười biếng, thỏa hiệp với những khó khăn trong cuộc sống. Hãy tự trang bị cho mình kỹ năng quản lý cảm xúc và cách giải quyết khủng hoảng.

Chia sẻ trên Báo Lao Động, Thạc sĩ Trương Phan Hồng Hà cho biết, để có thể tự “chữa lành” cho chính mình đầu tiên bạn cần có kế hoạch làm việc và thư giãn hợp lý, đừng quên nghỉ ngơi và thư giãn đầu óc bằng những sở thích cá nhân. Tiếp đó là cần có chế độ ăn lành mạnh, vì não cần sự kết hợp của các chất dinh dưỡng để duy trì sức khỏe và hoạt động tốt. Hoạt động thể chất thường xuyên cũng rất quan trọng với sức khỏe tâm thần. Bên cạnh đó, bạn cần ngủ đủ giấc, xử lý tốt căng thẳng, stress, tìm việc làm có thu nhập ổn định, tham gia các hoạt động tình nguyện, thỏa mãn sở thích cá nhân. Đặc biệt nên tránh lạm dụng rượu bia, các chất kích thích.

Nếu đã cố gắng mà vẫn không thể vượt qua những tổn thương tâm lý, bạn nên đến gặp chuyên gia trị liệu tâm lý để được tư vấn những phương pháp chữa lành phù hợp và hiệu quả nhất. 

9
10
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội