Gần 210.000 người Việt đã tiêm vaccine phòng COVID-19, không ghi nhận trường hợp rối loạn đông máu
Việt Nam ghi nhận 3 ca mắc COVID-19 mới, Ấn Độ là điểm nóng của dịch
Tổng hợp COVID-19 ngày 25/4: 10 ca nhập cảnh tại 3 tỉnh, thành
Gần 86% bệnh nhân COVID-19 về nước từ Campuchia mang biến thể Anh
Bộ trưởng Bộ Y tế: Nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập vào Nghệ An là rất lớn
Vaccine phòng COVID-19 đã được chứng minh là có thể ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 và làm giảm nguy cơ mắc bệnh ở người đã tiêm chủng. Việt Nam đã triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho gần 210.000 người tại 25 tỉnh, thành phố.
PGS.TS Đào Xuân Cơ - một trong những chuyên gia đầu ngành về hồi sức cấp cứu đã tham gia tư vấn điều trị thành công cho nhiều ca mắc COVID-19 nặng ở nước ta – nhận định: “Chỉ có tiêm phòng vaccine và phải đạt trên 70% dân số được tiêm thì chúng ta mới tạo được miễn dịch cộng đồng. Không có vaccine thì rất khó để kiểm soát dịch trong bối cảnh hiện nay.”
PGS.TS Đào Xuân Cơ - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: Bộ Y tế
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại nước ta được đánh giá là khoa học, ưu tiên mục tiêu là đảm bảo an toàn cho người đi tiêm. Điểm khác biệt của quy trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam so với các nước trên thế giới là tổ chức thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng.
Ngoài ra, người tiêm được theo dõi sức khỏe tại điểm tiêm ít nhất 30 phút, sau đó tiếp tục được theo dõi sức khỏe tại nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo, và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm… Các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm.
Nhờ quy trình trên, Việt Nam cho đến nay chưa ghi nhận trường hợp có biểu hiện rối loạn đông máu sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca. Trong đó, tỷ lệ phản ứng thông thường (sốt, mệt mỏi, đau ở chỗ tiêm) ở khoảng 30%, thấp hơn báo cáo của các quốc gia châu Âu và nhà sản xuất.
Giải đáp về các phản ứng nghiêm trọng sau tiêm vaccine của AstraZeneca, PGS.TS Đào Xuân Cơ cho biết: “Có hai phản ứng xảy ra sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 mà người dân đang quan ngại là phản ứng phản vệ và rối loạn đông máu.” PGS. TS Đào Xuân Cơ cũng thông tin rằng hệ thống y tế hiện nay của chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng xử trí các phản ứng, tai biến sau tiêm vaccine COVID-19.
Đối với phản ứng dị ứng, Bộ Y tế đã có Thông tư hướng dẫn xử trí phản vệ sau tiêm rất kỹ, cụ thể. Thời gian qua, một số ca bị phản ứng dị ứng ở các mức độ khác nhau đều đã được nhân viên y tế xử trí kịp thời, sức khỏe của người tiêm bình phục rất nhanh.
Rối loạn đông máu là phản ứng phụ rất hiếm gặp với tỷ lệ chỉ 1-4 người trên 1 triệu. Tuy nhiên, với mục tiêu “tiêm đến đâu an toàn đến đấy”, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm sau tiêm vaccine phòng COVID-19. Phác đồ rõ ràng giúp tất cả các cán bộ từ tuyến cơ sở đến tuyến Trung ương đều thực hiện được, đồng thời có thể phối hợp nhanh chóng trong theo dõi và xử trí cho người bệnh khi có biểu hiện phản ứng rối loạn đông máu.
Bên cạnh đó, thông qua hệ thống khám, chữa bệnh từ xa Telehealth đã được Bộ Y tế triển khai tới 1.500 cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc, các chuyên gia ở bệnh viện tuyến trung ương có thể hướng dẫn ngay các cán bộ y tế ở tuyến cơ sở xử lý phản ứng rối loạn đông máu.
Đến nay, đã 1 tháng qua Việt Nam không ghi nhận ca COVID-19 do lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, nguy cơ xuất hiện đợt dịch thứ 4 là hiện hữu, do nguy cơ tiềm ẩn từ người nhập cảnh trái phép và một bộ phận người dân thiếu ý thức phòng, chống dịch COVID-19.
Bình luận của bạn