Chuyện "mua con" giữa đất Sài Gòn

Ông Sáu đang gọi điện thoại tìm
Ông Sáu đang gọi điện thoại tìm "mối" cho con mới sinh.

"Diễn" tâm trạng đau khổ của một người đàn ông không thể có con, chúng tôi nhờ bà bán báo trước cổng Bệnh việnTừ Dũ (TP.HCM) chỉ giúp người cho con. Sau cú gọi điện thoại của bà ta, một ông độ 55 tuổi đội nón lụp xụp tới gặp.

Con trai trọn gói 35-40 triệu đồng

Ông ta xưng tên Sáu, hành nghề xe ôm. Nghe tôi muốn tìm người cho con với điều kiện giấy chứng sinh phải ghi tên vợ mình để đứa bé không phải mang danh nghĩa con nuôi thì ông Sáu bảo cho số điện thoại, có "mối" sẽ alo. Vài ngày sau, ông Sáu gọi hẹn gặp tại quán cà phê để bàn việc xin con.

Ông Sáu cho biết: "Có một sản phụ độ ba tuần nữa sinh, con trai. Tôi lo luôn giấy chứng sinh đứng tên vợ ông. Đứa bé cũng sẽ mang họ ông. Bác sĩ quận 1 "chém" dữ lắm, do vậy làm giấy chứng sinh ở quận này giá 40 triệu đồng. Còn làm ở quận 12 giá 35 triệu đồng. Ông ở quận 12 thì nên làm giấy chứng sinh tại quận này cho tiện".

Ông Sáu cho rằng những người xin con đều muốn làm giấy chứng sinh ghi tên vợ mình để "hợp thức hóa" đứa bé là con ruột. Tuy nhiên, để tránh thiên hạ dị nghị "không bầu sao lại có con", vợ ông ta phải mang… bầu giả.

Ông Sáu kể rành rọt: "Phải giả là đang mang bầu, làm cho bụng to ra, thèm ăn này nọ, đi đứng khó khăn… Khi tôi báo có người cho con, người mang bầu giả làm bộ chuyển dạ, đi bệnh viện sinh nhưng thực chất tìm nơi nào đó ở nhờ. Khi nhận đứa bé và làm giấy chứng sinh xong, người mang bầu giả tháo bỏ "phụ kiện", bế đứa bé về nhà, đường đường ra địa phương làm giấy khai sinh, chẳng ai nghi ngờ cả".

Theo ông Sáu, do quen nhiều người làm trong bệnh viện, các nhà bảo sanh… nên ai muốn bỏ con, cho con ông đều biết. Mỗi tháng ông "giới thiệu" lai rai vài "mối". "Không chỉ TP.HCM mà cả Hà Nội, Thanh Hóa, Đăk Lăk, Lâm Đồng,… ai muốn tìm con cứ alô cho tôi trước. Khi có tôi báo vô nhận", ông Sáu khoe.

Để chứng tỏ có nhiều "mối" ông Sáu gọi điện thoại cho một ai đó, ừ ừ, hử hử... Nói chuyện điện thoại xong, ông Sáu cười tươi: "Vài bữa nữa sẽ có. Sản phụ này khỏe mạnh, con trai, đoán chừng trên 3kg". Chúng tôi lộ vẻ mừng rỡ, nhét vô túi ông Sáu 2 "xị" (200.000 đồng), gọi là cà phê cà pháo.

Ông Hai đang viết giấy thỏa thuận cho cháu
Ông Hai đang viết giấy thỏa thuận cho cháu.


Nhói lòng… ông "cho" cháu

Ngày 9/8, chúng tôi nhận điện thoại ông Sáu hẹn đến bệnh viện trên địa bàn quận 5 (TP.HCM) để xem mặt bé trai mới sinh vài ngày kèm câu dặn dò: "Không được nói đến tiền bạc. Mọi thỏa thuận đều do tôi quyết".

Quy trình cấp giấy chứng sinh
Khi vào bệnh viện sinh con, sản phụ tự khai vào mẫu do bệnh viện cấp. Sau đó bệnh viện sẽ điền thông tin vào giấy chứng sinh với các nội dung: Tên sản phụ, năm sinh, đăng ký thường trú, số CMND, thời gian sinh con, giới tính, cân nặng... Sản phụ phải đưa CMND, hộ khẩu... để bệnh viện đối chiếu. Trong trường hợp không có giấy tờ nói trên thì phải có xác nhận của địa phương nơi sản phụ cư trú.
Tuy nhiên, trong quá trình làm giấy chứng sinh cũng có kẽ hở, cơ sở y tế khó phát hiện. Chẳng hạn sản phụ (tên A) nhưng lại khai tên, địa chỉ... của người khác (bà B), đồng thời nộp CMND, hộ khẩu.. của bà B để bệnh viện đối chiếu. Do ảnh CMND của sản phụ A và bà B hao hao nên bệnh viện khó phát hiện. Cuối cùng, đứa bé do sản phụ A sinh ra nhưng lại là con ruột của bà B. Nếu phát hiện, bệnh viện lập biên bản, yêu cầu sản phụ khai lại.

Ts. Bs. Huỳnh Thị Thu Thủy

Phó GĐ BV Từ Dũ TP.HCM

Đến bệnh viện, ông Sáu giới thiệu tôi với ông Hai, cha của sản phụ T. "T. đã có con trai hơn 10 tuổi, dễ thương lắm. Đứa bé mới sinh cũng là trai, nặng hơn 3kg. Chồng T. không biết lo vợ lo con, bỏ mặc vợ chồng tôi lo. Phần lớn tuổi, phần kinh tế eo hẹp nên vợ chồng tôi dứt lòng cho cháu. Mong cháu gặp được người tử tế", ông Hai nói.

Sau khi gặp mặt đứa bé, tôi giả vờ đồng ý. Theo đề nghị của ông Sáu, ông Hai đồng ý làm giấy thỏa thuận cho cháu. Tại quán nước cạnh bệnh viện, ông Sáu đọc cho ông Hai viết nội dung "giấy thỏa thuận cho con nuôi". Ông Hai ký tên, đồng thời nói sẽ đưa T. ký sau.

Chúng tôi hỏi sao ông Sáu quen ông Hai, ông Sáu nói: "Quen gì đâu. Ông Hai đến trước cổng Bệnh viện Từ Dũ, hỏi xe ôm có ai xin con thì ông cho. Sau khi có người chỉ, tôi theo ông Hai đến bệnh viện coi mặt đứa bé. Thấy mặt mũi dễ thương, tôi liền gọi điện thoại cho ông". Ông Sáu không giấu giếm khi cho biết lúc đầu ông ra giá đứa bé 15 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Hai "xin" thêm 5 triệu đồng…

Thấy tôi tỏ vẻ ưng ý cháu ngoại ông Hai, ông Sáu ra điều kiện sau khi nhận đứa bé, tôi đưa trước 20 triệu đồng, 15 triệu đồng còn lại sẽ đưa hết sau khi ông Sáu làm xong giấy chứng sinh mang tên vợ của tôi.

Nhắc đến vụ làm giấy chứng sinh, ông Sáu bảo: "Yên tâm, giấy chứng sinh chỗ nào tôi làm cũng được". Ông Sáu dặn thêm hôm sau đi cùng vợ, mang theo CMND và giấy chứng nhận kết hôn để làm giấy chứng sinh.

Bể sô vẫn không buông…

BV đã buộc ông Sáu làm cam kết không tiếp tục việc môi giới “xin” và “cho” trẻ sơ sinh nhưng ông vẫn không dừng việc này.

Sáng 10-8, theo đề nghị của PV, để tránh điều tiếng không hay, lãnh đạo bệnh viện nơi có cháu bé là đối tượng “xin - cho” đã mời ông Sáu, ông Hai và cả PV đến làm việc để yêu cầu ngưng hoạt động môi giới “xin” và “cho” trẻ sơ sinh.

Trong buổi làm việc, ông Sáu khai tên thật là Nguyễn Văn C. (55 tuổi), nhà ở quận 4 (TP.HCM), hiện chạy xe ôm, hoạt động trước cổng BV Từ Dũ (TP.HCM). Ông Sáu thừa nhận đã “giới thiệu” việc “xin” và “cho” trẻ sơ sinh giữa PV với ông Hai, cũng như số tiền đưa ra. Tuy nhiên, ông khai mới “giới thiệu” vụ đầu tiên, cũng như không biết chỗ làm giấy chứng sinh.

Cuối buổi làm việc, ông C. viết cam kết không tiếp tục làm môi giới “xin - cho” trẻ sơ sinh nữa. Ai ngờ sau khi ra khỏi bệnh viện độ 1 tiếng đồng hồ, ông C. gọi điện thoại hỏi PV có còn muốn “xin” con nữa không.

PV nói: “Sợ lắm rồi. May mà bệnh viện không báo công an, nếu không thì chết”. Ông C. trấn an: “Trời ơi, có gì mà sợ. Mình xin con nuôi chính đáng mà”.

Ông C. bảo PV muốn tiếp tục xin con thì cho biết nhà cửa, gặp nhau trao đổi tiếp. PV hỏi tiền nong, ông C. nói: “Gặp nói chuyện luôn, nói chuyện qua điện thoại nhiều không tốt. Ông liên lạc sớm, tôi chạy lên nhà ông luôn”.

Sáng 11-8, ông C. lại gọi điện thoại cho PV tiếp tục trấn an và nhắc: “ Tôi quên dặn ông, lỡ gặp chuyện thì nói hai bên đồng ý xin và cho, đừng nói đến tiền bạc gì hết…”.

Sau đó, ông C. hỏi vợ PV còn mang bầu giả không. PV nói còn. Ông C. nói tiếp: “Chẳng lẽ vợ ông mang bầu giả hoài? Phải sinh chứ? Giờ ông còn muốn nhận đứa bé cháu ngoại ông Hai không, tôi có cách lo. Hôm qua, sau khi làm việc với bệnh viện, tôi và ông Hai ngồi nói chuyện. Ông Hai nói đem đứa bé về nhà một, hai ngày cho ổn, rồi tính. Ý ông Hai là muốn “cho” đứa bé”.

Vụ giấy chứng sinh mang tên vợ PV, ông C. quả quyết làm được. Trước khi tắt điện thoại, ông C. bảo PV liên hệ sớm…

Về chuyện này, luật sư Trần Ngọc Quý - Đoàn Luật sư TP.HCM nêu quan điểm: “Chuyện ráp nối này theo tôi cũng chỉ nhằm mục đích giúp đáp ứng nhu cầu của các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn muốn có một đứa con để nuôi dưỡng và chăm sóc chứ không hẳn có ý đồ gì xấu đối với đứa trẻ. Nếu nói đây là mua bán thì hơi quá. Tuy nhiên, việc cho - nhận con nuôi nên theo đúng quy định của pháp luật, trong việc “xin - cho” không thể ra giá cao như trường hợp báo phản ánh.

Tiến Hiểu ghi

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin